Kiến nghị tiếp tục dành ưu đãi thuế

Cập nhật 12/11/2008 11:00

Nhiều DN trong và ngoài nước cho rằng, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) nên tiếp tục dành ưu đãi thuế đối với các dự án đầu tư vào khu công nghệ cao (KCNC), khu công nghiệp (KCN) và khu chế xuất (KCX).

Theo Quyết định 53/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích đầu tư vào KCNC, ưu đãi thuế TNDN áp dụng cho suốt đời dự án với thuế suất 10%, miễn thuế 4 năm từ năm đầu có lãi và giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo.

Tuy nhiên, theo Dự thảo Nghị định thì mức thuế suất ưu đãi 10% chỉ được áp dụng trong 15 năm của dự án, còn các ưu đãi miễn giảm khác vẫn giữ nguyên. Ông Tom McClelland, đồng Trưởng tiểu ban Thuế của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, quy định này sẽ làm giảm sức hấp dẫn của KCNC đối với các nhà đầu tư. Do đó, kiến nghị tiếp tục thực hiện các ưu đãi thuế TNDN cho KCNC, cũng như cần quy định rõ ràng về việc áp dụng hay bãi bỏ Quyết định trên.

Ý kiến khác của một doanh nghiệp nhận xét, điều kiện để áp dụng ưu đãi thuế đối với các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng của Nhà nước, sản xuất phần mềm... chưa được quy định rõ ràng trong Dự thảo, chưa xác định được căn cứ vào các quyết định của Thủ tướng hay của Bộ Tài chính cho từng trường hợp cụ thể. Do vậy, Dự thảo cần nêu rõ những điều kiện nào sẽ được hưởng ưu đãi.

Đồng thời, cần làm rõ quy định đối với trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi. Nếu trong năm tiếp theo, doanh nghiệp lại đáp ứng đầy đủ điều kiện thì có được hồi tố ưu đãi cho năm trước, hoặc có được áp dụng lại ưu đãi trong năm sau đó hay không?

Trên thực tế, một số cục thuế địa phương đã điều chỉnh các ưu đãi mà nhà đầu tư được hưởng trong toàn bộ giai đoạn của dự án, kể từ khi nhà đầu tư không đáp ứng đầy đủ điều kiện ưu đãi trong giấy phép đầu tư.

Cũng theo ông Tom McClelland, thời hạn miễn giảm thuế sẽ được tính bắt đầu từ năm thứ 4 kể từ khi có doanh thu, bất kể doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế hay không, sẽ làm cho các ưu đãi thuế trở nên kém hấp dẫn hơn, bởi vì đối với nhiều doanh nghiệp, thời gian xây dựng dự án và đưa vào sản xuất thử thường rất dài...

Nhìn chung, danh mục lĩnh vực được ưu đãi thuế TNDN đã bị cắt giảm nhiều, trong khi những dự án sử dụng nhiều lao động trong nước cũng không còn thuộc diện khuyến khích đầu tư.

Đối với khu vực KCN và KCX, theo Dự thảo, hoạt động cho thuê đất sẽ thuộc diện chịu thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản. Với quy định như vậy, giá cho thuê đất ở các KCN sẽ tăng lên, cùng với việc các doanh nghiệp thành lập mới trong KCN không còn được hưởng ưu đãi thuế, sẽ làm mất đi ưu thế của việc đầu tư trong KCN.

Có ý kiến cho rằng, việc loại bỏ khu vực này ra khỏi danh mục địa bàn ưu đãi thuế sẽ làm nhà đầu tư nản lòng khi xem xét, quyết định đầu tư vào đây, do đó ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng KCN, KCX, cũng như chủ trương của Chính phủ trong việc quy hoạch phát triển các KCN, thu hút các nhà máy sản xuất vào vùng tập trung.

“Nền kinh tế thế giới đang lâm vào suy thoái và có thể làm giảm lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần giữ vững lợi thế cạnh tranh của mình trong thu hút đầu tư nước ngoài, do đó, nên cân nhắc kỹ lưỡng việc cắt giảm ưu đãi đầu tư tại thời điểm này”, ông Tom McClelland bày tỏ quan điểm.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư