Kiến nghị tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 02 về BĐS

Cập nhật 30/06/2013 11:20

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Chính phủ và các Bộ, ngành kiến nghị một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay.

Thị trường bất động sản vẫn chưa thấy sáng sủa. Ảnh: Nguyễn Huế

Theo HoREA, trong thời gian qua Chính phủ đã đưa ra những chủ trương, chính sách quyết liệt và toàn diện để giải quyết khó khăn của nền kinh tế trong đó có hai vấn đề nổi cộm của thị trường bất động sản là tồn kho và nợ xấu. Đồng thời, qua đó hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người thu nhập thấp ở đô thị tiếp cận với khả năng tạo lập nhà ở xã hội hoặc mua nhà ở thương mại có diện tích dưới 70 m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng /m2.

Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, việc chậm triển khai hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 của Chính phủ (Nghị quyết 02) đã làm giảm đi ý nghĩa và tính cấp bách của gói chính sách hỗ trợ giải quyết khó khăn của thị trường bất động sản mà nóng bỏng nhất là vấn đề hàng tồn khó và nợ xấu và tạo điều kiện hỗ trợ tín dụng cho người thu nhập thấp đô thị có nhà ở.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 02 còn phát sinh một số vướng mắc. Cụ thể, kể từ ngày 25-5-2013 trên cả nước đã khởi công xây dựng mới nhiều dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại chuyển sang nhà ở xã hội với con số hàng ngàn căn với tổng mức đầu tư lên đến hàng ngàn tỉ đồng lấy từ gói ưu đãi 30.000 tỉ đồng và dự kiến đến năm 2015 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.

Như vậy, nguồn cung cấp nhà ở xã hội tăng lên trong khi mục tiêu của Nghị quyết 02 là giải quyết hàng tồn kho, nhất là công trình nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ chưa bán được nhà hoặc đang xây dựng dở dang.

Hiện nay, có ngân hàng công bố tỉ trọng phân bổ cho vay từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng là 60% cho doanh nghiệp vay và 40% cho người tiêu dùng vay trong 30 năm đầu tiên trong khi Thông tư 11/2013/TT-NHNN ngày 15-5-2013 của Ngân hàng Nhà nước (Thông tư 11) quy định tỉ lệ này là 70% cho người tiêu dùng và 30% cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, cho đến nay người tiêu dùng vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể để có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng hỗ trợ mua, thuê mua nhà. Trong đó, việc có hay không có tài sản đảm bảo cho vay theo Điều 6 Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước cũng là rào cản đối với người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, thời hạn cho cá nhân vay trong 10 năm cũng làm cho người thu nhập thấp hàng tháng phải trả tiền vay gốc và lãi cao so với mức thu nhập. Đồng thời, các doanh nghiệp xây dựng dở dang các dự án nhà ở thương mại dưới 70 m2/căn hộ và có giá trị bán dưới 15 triệu đồng cũng không thuộc diện đối tượng được nhận tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết 02 của Chính phủ và Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước.

Để việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ giải quyết khó khăn của nền kinh tế trong đó có thị trường bất động sản của Nghị quyết 02 thật quyết liệt, đúng mục tiêu, đúng đối tượng đảm bảo công khai minh bạch, theo HoREA, cần ưu tiên cấp tín dụng cho người mua nhà với tỉ lệ 70% gói tín dụng tương đương 21.000 tỉ đồng. Đồng thời, công bố đầy đủ các tiêu chí và điều kiện, thủ tục vay mua nhà.

Ngoài ra, HoREA đề nghị, tài sản đảm bảo khoản tiền vay chính là căn hộ mua không nên yêu cầu người vay phải có tài sản đảm bảo khác. Đồng thời, tăng thời hạn cho người mua nhà lên 20 năm hoặc tối thiểu là 15 năm như TP.HCM đã làm những năm qua.

HoREA cũng kiến nghị Bộ Xây dựng sớm trình đề án về việc cho Việt kiều được mua nhà và mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế. Trước mắt cho người nước ngoài được mua biệt thự hoặc căn hộ hạng sang đề không cạnh tranh với đông đảo người thu nhập trung bình và thu nhập thấp trong nước.

DiaOcOnline.vn - Theo Hải Quan