Kiến nghị giãn gói 30.000 tỷ đồng để tránh 1 hợp đồng 2 lãi suất

Cập nhật 16/03/2016 16:25

Thời điểm kết thúc gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ ưu đãi lãi suất cho khách hàng mua nhà ở xã hội sắp đến gần cũng là lúc một số ngân hàng ra thông báo về việc áp dụng lãi suất thương mại thông thường đối với dư nợ giải ngân sau ngày 1/6 khiến nhiều người dân ​lo lắng.


Một góc khu chung cư nhà ở xã hội Hòa Lợi, thị xã Bến Cát. (Nguồn: Quách Lắm/TTXVN)

​Vì vậy, nhiều người mua nhà đã ​kiến nghị lên các chủ đầu tư đề nghị ra thông báo đóng tiền trước thời điểm ngày 1/6 dù dự án chưa hoàn thành để ngân hàng ​giải ngân tiền, ​tránh cho ​người mua nhà phải chịu cảnh một hợp đồng hai lãi suất.

Chị Trần Hoài Thu mua căn hộ tại một dự án ở Linh Đàm, Hà Nội và hiện đã đóng được 60% giá trị nhà. Khách hàng này tham gia vay gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng và hiện đã được ngân hàng giải ngân 25%. Khoản còn lại dự kiến phải đến tháng Mười ​mới được giải ngân tiếp vì còn phụ thuộc vào tiến độ xây dựng của chủ đầu tư.

Tuy nhiên, gần đây ngân hàng cho vay đã gửi thông báo về việc số tiền còn lại nếu giải ngân sau ngày 1/6 tới thì không được hưởng lãi suất ưu đãi nữa mà sẽ được tính bằng lãi suất cho vay thương mại thông thường. Khi biết được thông tin này, chị cùng một số khách hàng khác mua chung dự án đã làm đơn gửi lên chủ đầu tư đề xuất doanh nghiệp ra quyết định yêu cầu khách hàng nộp tiền sớm, trước thời điểm 1/6.

Cũng ở hoàn cảnh giống như chị Thu, anh Trần Văn Lâm và chị Nguyễn Thị Mơ đều là công chức nhà nước nên chưa có điều kiện mua nhà. Khi biết có gói ưu đãi lãi suất anh chị đã làm hợp đồng vay mua nhà ở xã hội của gói 30.000 tỷ đồng vì tính toán thu nhập vừa chỉ đủ trang trải tiền trả nợ ngân hàng và lo cho hai con nhỏ ăn học. Khi biết thông tin nếu khoản giải ngân sau 1/6 sẽ không được hưởng lãi suất ưu đãi anh Lâm rất lo về khoản lãi sắp tới phải nộp cho ngân hàng theo lãi suất thương mại ước tính gấp đôi theo lãi suất hiện nay.

"Chúng tôi mới ký hợp đồng được một năm và giải ngân được 30%, nếu biết trước lãi suất sẽ bị trôi nổi theo thương mại như thế này thì gia đình tôi chắc chắn sẽ không mua vì không đủ khả năng để chi trả," anh Lâm lo lắng.

Để người dân bớt lo lắng về những hợp đồng đã ký mà chưa giải ngân hết hoặc chưa được giải ngân, ngày 15/3, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã ký văn bản số 448 gửi Ngân hàng Nhà nước về kiến nghị tiếp tục thực hiện giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng.

Theo Bộ Xây dựng, sau ba năm triển khai, gói hỗ trợ đã tạo ra những hiệu ứng tích cực đối với thị trường bất động sản, lượng giao dịch ngày càng tăng, đặc biệt đối với phân khúc nhà ở có quy mô nhỏ, trung bình, giá thấp.

Đến nay tổng số tiền đã ký hợp đồng cam kết cho vay đạt trên 29.500 tỷ đồng (trên 98%), đã giải ngân trên 20.300 tỷ đồng (gần 70%). ​Theo Bộ Xây dựng, trường hợp không thể kéo dài thời hạn giải ngân gói tín dụng này, đề nghị cho phép các đối tượng đã được cam kết được tiếp tục vay vốn ưu đãi từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất.

Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cũng cho rằng, đối với gói 30.000 tỷ đồng chủ yếu là liên quan đến những hộ gia đình thu nhập thấp, việc chậm lại của gói này không phải là do người vay mà do các đơn vị xây dựng và một phần do cơ chế.

"Đối với những đối tượng này lãi suất ưu đãi 5% đã là quá lớn rồi, chứ giờ mà phải chịu lãi suất thương mại thì những người nghèo lại càng nghèo, những người chưa có nhà thì lại càng khó có cơ hội. Chính vì vậy, tôi cho rằng nên gia hạn gói này chứ không sẽ là đem con bỏ chợ," vị chuyên gia trên kiến nghị.

Vị chuyên gia này ​cũng cho biết cần có thêm gói hỗ trợ ưu đãi tương tự để mở rộng thêm cho những đối tượng này vì đây là những đối tượng kích cầu bất động sản theo hướng xã hội hóa.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế khuyên người dân không nên hoang mang, vội vàng, nên bình tĩnh chờ chính sách hỗ trợ về lâu dài của Chính phủ, ngành ngân hàng giai đoạn sau để được ​ưu đãi dài hơn.

​Ông Đông khẳng định, nếu trong hợp đồng các ngân hàng thương mại thông tin mập mờ chưa rõ, khiến người dân có thể không được hưởng quyền lợi đáng lẽ sẽ được hưởng thì người dân có thể kiện, Ngân hàng Nhà nước sẽ có trách nhiệm xử lý​ để đảm bảo quyền lợi của người dân.

Trong một động thái khác, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa có văn bản đề nghị các ngân hàng thương mại kiểm tra, rà soát lại các văn bản hướng dẫn nội bộ và các hợp đồng tín dụng đã ký với khách hàng (bao gồm cả phụ lục hợp đồng tín dụng, các văn bản thông báo lãi suất…) đã đúng quy định hiện hành ​chưa.

Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị các ngân hàng thương mại tăng cường kiểm tra, rà soát việc cho vay, giải ngân đối với khách hàng theo đúng quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN, Thông tư 32/2015/TT-NHNN, các văn bản hướng dẫn và quy định của pháp luật có liên quan, nghiêm cấm các hành vi lách luật, trục lợi chính sách trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước kết thúc giải ngân tái cấp vốn.


DiaOcOnline.vn - Theo Vietnam+