Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) vừa có văn bản gửi các cơ quan quản lý nhà nước kiến nghị đưa tiền sử dụng thành một sắc thuế. Theo quan điểm của HoREA, xây dựng đề án Luật Thuế tài sản cần đi đôi với việc sửa đổi chính sách và cơ chế tính tiền sử dụng đất để tránh tình trạng “thuế chồng thuế”, theo hướng quy định tiền sử dụng đất là một sắc thuế.
HoREA cho rằng cách tính tiền sử dụng đất đang tạo ra nhiều bất cập. Ảnh: PV |
Theo HoREA, tiền sử dụng đất hiện nay không phải là một sắc thuế vì đang được quy định bởi Luật Đất đai, và đang là một nguồn thu quan trọng của ngân sách địa phương. Tiền sử dụng đất đang là “ẩn số”, là “gánh nặng”, cách tính tiền sử dụng đất đang tạo ra cơ chế “xin-cho”, nhũng nhiễu và doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian để hoàn tất thủ tục hành chính này. Chủ đầu tư dự án đang phải nộp “tiền sử dụng đất” rất lớn, bằng khoảng trên dưới 70% chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng nên có thể nói doanh nghiệp gần như phải mua lại quyền sử dụng đất lần thứ hai, và gánh nặng này cuối cùng người mua nhà phải gánh chịu.
Cụ thể, HoREA cho rằng, tiền sử dụng đất đang chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu giá thành nhà ở, như chiếm khoảng trên dưới 10% trong giá thành căn hộ chung cư; chiếm khoảng trên dưới 30% trong giá thành nhà phố; chiếm khoảng trên dưới 50% trong giá thành biệt thự. Nhà nước đang thu tiền sử dụng đất một lần rất lớn, nhưng về lâu dài, nếu đã giao hết đất thì sẽ không còn nguồn thu ngân sách lớn này nữa, mà cần phải bổ sung, thay thế bằng Thuế Tài sản.
Nhưng, HoREA nhận thấy việc xây dựng đề án Luật Thuế tài sản cần đi đôi với việc sửa đổi chính sách và cơ chế tính tiền sử dụng đất để tránh tình trạng “thuế chồng thuế”, theo hướng quy định tiền sử dụng đất là một sắc thuế đánh trên hoạt động “chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở”, với thuế suất khoảng 10-15% (hoặc...%), tính trên bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành, được điều chỉnh hằng năm bằng hệ số điều chỉnh giá đất (k) phù hợp với giá thị trường, để đảm bảo tính minh bạch, loại trừ cơ chế “xin-cho”, nhằm kéo giảm mức thu “tiền sử dụng đất” rất nặng hiện nay về mức hợp lý hơn.
Trên cơ sở đó, sẽ bổ sung Luật Thuế tài sản (đất ở, nhà ở), để tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Bên cạnh đó, để bù đắp sự sụt giảm nguồn thu ngân sách do giảm nguồn thu tiền sử dụng đất, các địa phương cần khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, du lịch để tăng nguồn thu bổ sung cho ngân sách, ví dụ: Quận 7 TPHCM trước đây chỉ thu ngân sách dưới 1.000 tỉ đồng/năm, nhưng sau khi hình thành khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng và các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ đã tăng nguồn thu ngân sách đạt 4.567 tỉ đồng trong năm 2017.
Ngoài ra, trong kiến nghị này, HoREA cũng kiến nghị, thực hiện phổ biến phương thức đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất, hoặc khi thực hiện chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các công ty cổ phần, hoặc khi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức BOT, BT; và chỉ được thực hiện chỉ định nhà đầu tư, chỉ định nhà thầu theo Điều 22 (Chỉ định thầu), Điều 26 (Lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt) của Luật Đấu thầu.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao động