Kiên Giang: Nghi vấn hàng loạt công trình "khủng" trên núi thuộc thị trấn Dương Đông xây dựng không phép?

Cập nhật 08/01/2018 14:31

Hàng loạt biệt thự, nhà nghỉ dạng bungalow, quán xá... đã hoạt động hoặc đang xây dựng nghi vấn không phép trên núi thuộc thị trấn Dương Đông, đảo Phú Quốc.

Một công trình nhà nhiều tầng kiên cố mọc lên gần đỉnh núi.

Thời gian gần đây, cùng với sự phát triển nóng về kinh tế - xã hội tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là tình trạng xây dựng sai phép, không phép diễn ra hết sức nghiêm trọng.

Trong khi cơ quan chức năng tại huyện đảo này chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả thì gần đây tại các dãy núi thuộc khu phố 7, thị trấn Dương Đông phát hiện hàng loạt nhà, khách sạn, nhà nghỉ dưỡng... cao cấp mọc trên núi.

Những địa điểm được đánh giá có vị trí "vàng", các công trình này trị giá hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng nhưng có dấu hiệu được xây cất không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng.

Một công trình lớn nhiều tầng đang được xây dựng giữa núi thuộc khu phố 7
 
Theo ghi nhận của phóng viên Pháp luật Plus, dọc con đường phía sau khách sạn Sao Mai, khách sạn Hòa Bình đường Trần Hưng Đạo, thuộc Khu phố 7 dẫn lên đỉnh núi đã hình thành một khu phố sầm uất. Những công trình này phần lớn đã được xây dựng kiên cố và đã đi vào hoạt động kinh doanh.

Người dân địa phương, trước đây khi đảo còn hoang sơ chỉ có một số ngôi chùa được các nhà tu xây dựng và chỉ có con đường độc đạo nhỏ dẫn từ hướng khách sạn Sao Mai hiện nay lên đỉnh núi.

Tuy nhiên, sau này khi đất Phú Quốc lên giá, một số người đã tự di cư lên núi phát rừng, ngăn các ranh giới, đào xới để chiếm đất sở hữu riêng. Việc mua bán đã diễn ra nhiều năm nay. Để tăng giá trị đất, người ta đã khai phá làm con đường lớn đổ bê tông kéo dài từ chân núi lên tận đỉnh để tiện cho khách đi lại.

Một căn nhà xây dựng dở trên núi.

Thời điểm đầu năm 2018, ghi nhận thực tế của phóng viên có một số công trình khủng đang xây dựng. Cụ thể, hiện giữa lưng núi có hai công trình cao tầng, kiên cố đang được xây dựng dở. Đây là công trình lớn, ảnh hưởng đến cảnh quan, không gian núi.

Hàng loạt biệt thự nghỉ dưỡng được xây cất, phần sườn núi tiếp tục bị đào xới chuẩn bị xây cất công trình tại khu phố 7, thị trấn Dương Đông.

Một người dân dựng chòi sống cố cựu từ trước đây trên núi cho biết, đất đây thuộc đất nông nghiệp và người dân ở trên núi không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo thông tin Pháp luật Plus có được, chủ một số công trình vị trí "vàng" và giá trị "khủng" này từ nơi khác đến, có những người là Việt kiều đang đầu tư để khai thác kinh doanh.

Một quán ăn và giải trí luôn đông đúc khách du lịch giữa lưng chừng núi.

Ngoài ngọn núi trên, phóng viên Pháp luật Plus còn ghi nhận được việc phá rừng, đào đất, làm công trình còn diễn ra ở những triền núi lân cận. Họ đào xới đất trong núi, xây cất các nhà nghỉ dưỡng cao cấp, điều này phá vỡ cấu trúc đất đồi núi, dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn sạt lở đất vào mùa mưa.


Phía sau khách sạn Sao Mai là con đường dẫn lên núi, rất nhiều công trình lớn đã và đang mọc lên tạo thành khu đô thị sầm uất. Những công trình giá trị mọc trên ngọn núi có vị trí đắc địa, hệ quả là nhiều diện tích đất, rừng bị mất.

Theo nguyện vọng của người dân địa phương, đây là ngọn núi tự nhiên, phủ kín cây rừng, cảnh quan tuyệt đẹp. Có ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ khí hậu, cây rừng bảo vệ xói sạt lở đất đá đối với thị trấn và có giá trị du lịch rất cao.

Đáng lẽ phải là tài nguyên nhà nước mà người dân địa phương hoặc bất cứ ai đến Phú Quốc cũng được quyền thăm quan. Việc cá nhân, đơn vị lên chiếm dụng để làm tài sản riêng là xâm phạm đến tài nguyên quốc gia.

Một cụm nhà nghỉ siêu sang, mọc trên giữa sườn núi, nơi được đánh giá có vị trí đắc địa nhất của núi.

Hàng trăm công trình kiên cố mọc trên núi có được cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật hay không? Những nhà nghỉ, quán xá mọc lên hoạt động có tuân thủ những quy định về kiến trúc đô thị và vệ sinh môi trường núi hay không?

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên đã đến liên hệ làm việc với UBND huyện Phú Quốc. Tuy nhiên, bà Nguyễn Ngọc Lan Anh, Chánh Văn phòng UBND huyện cho biết, lãnh đạo bận không thể tiếp.

Phóng viên đã để lại biên bản đề nghị UBND huyện Phú Quốc làm rõ những nội dung: số lượng công trình kiên cố đã xây cất xong và đi vào hoạt động, một số công trình lớn nhiều tầng đang xây dựng, nhiều diện tích đất bị đào xới trên núi để chuẩn bị làm nhà. Đồng thời chúng tôi cũng đề nghị UBND huyện cung cấp giấy phép xây dựng những công trình trên.

Phát hiện nhiều sai sót trong quản lý đất đai

Tháng 9/2017, Thanh tra Nhà nước tỉnh Kiên Giang có kết luận về việc quản lý, sử dụng đối với diện tích rừng phòng hộ đã đưa ra khỏi quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ giáo cho địa phương quản lý trên địa bàn huyện Phú Quốc.

Theo đó đã phát hiện nhiều diện tích rừng phòng hộ bị xâm lấn, phát hiện nhiều sai phạm trong quản lý đất đai tại huyện Phú Quốc.

Thanh tra tỉnh Kiên Giang đã đề nghị kiểm điểm 18 cán bộ gồm: ông Võ Duy Linh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; ông Đinh Khoa Toàn, Chủ tịch UBND huyện, ông Phan Văn Cường, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai; ông Nguyễn Trung, nguyên Giám đốc và ông Dương Minh Tâm, giám đốc BQL rừng phòng Hộ huyện Phú Quốc; ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường cùng Chủ tịch, công chức địa chính các xã có liên quan để xảy ra sai sót.

DiaOcOnline.vn theo Pháp luật Plus