Sau hàng loạt vụ bong tróc vữa trần, lún nứt, hạ tầng xuống cấp... xảy ra ở nhiều khu nhà tái định cư và nhà ở cao tầng, các cơ quan chức năng đã vào cuộc.
Mới đây, Đoàn giám sát của Uỷ ban Khoa học Công nghệ Quốc hội (UBKHCN) đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội về quản lý qui hoạch, chất lượng nhà cao tầng và công trình xây dựng qui mô lớn trên địa bàn.
“Dư chấn” xuống cấp
Hiện nay, hầu hết các khu nhà tái định cư tại Hà Nội như: Dịch Vọng, Định Công, Cầu Diễn, Đền Lừ, Trung Hoà – Nhân Chính… đều gặp vấn đề về chất lượng. Khu tái định cư Nam Trung Yên, dù tổng giá trị xây dựng gần 2.000 tỉ đồng, đưa vào sử dụng chưa lâu nhưng một số căn hộ đã xuống cấp, hạ tầng không đồng bộ, thiếu trường học, trạm xá, chợ.
Khu tái định cư Trung Hoà – Nhân Chính cũng vậy, lớp gạch nền của một số căn hộ bị bong tróc, phồng rộp. Vòi nước, hệ thống cửa, nhiều gia đình đã phải thay mới, sửa lại. Hệ thống thang máy tại nhiều toà nhà cũng hoạt động thất thường, kiến nghị không được, người dân đành bỏ tiền túi ra sửa chữa.
Tại nhà tái định cư cao tầng A3 Đền Lừ, chân móng tường nứt từng vệt dài, gạch ốp tường bao quanh khu nhà rơi vỡ tung toé dưới chân tường, lớp vữa trát bong tróc nham nhở. Toàn bộ nền tầng 1 bị lún nứt, biến dạng, khiến hệ thống thoát nước thải của tòa nhà bị tắc. Ngay bên cạnh, toà nhà A5 cũng xuống cấp không kém. Hầm để xe tại cầu thang 1 liên tục bị ngập nước, tối tăm, ẩm thấp, mùi hôi bốc lên nồng nặc. Dù người dân đã phải bỏ tiền ra thuê thông tắc, nhưng tình trạng này cũng chẳng cải thiện được là bao.
Những hộ dân khu tái định cư Đền Lừ đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị, nhưng chưa được giải quyết. Chất lượng khu nhà vẫn tiếp tục xuống cấp, đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân.
Không chỉ các khu nhà tái định cư rơi vào tình trạng báo động về chất lượng, ngay cả những nhà cao tầng được coi là “cao cấp” cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Một loạt căn hộ tại khu 17T7, 17T1, 17T10 (Trung Hoà – Nhân Chính) mới đây bị sập vữa trần là một minh chứng.
Trách nhiệm thuộc... chủ đầu tư?
Thực trạng về sự xuống cấp ở nhiều khu chung cư đã được các thành viên của Đoàn giám sát đưa ra tại buổi làm việc. Bà Trần Thị Quốc Khánh (thành viên trong đoàn) nói: “Tình trạng bong, tróc vữa, xây dựng không đồng bộ về hạ tầng đã được nhiều cử tri phản ánh. Luật nhà ở đã quy định rõ, nghiệm thu phải lưu ý tính đồng bộ, nhưng tôi thấy nhiều công trình nhà cao tầng, phần điện, nước đều có vấn đề. Không phải cứ đưa dân về đó rồi để họ ở thế nào thì ở”.
Giám đốc Sở Xây dựng, ông Đỗ Xuân Anh bổ sung: “Đã có quy định rõ về trách nhiệm chủ đầu tư, nhà thiết kế, tư vấn. Tình trạng nhà lún, nứt, xuống cấp đương nhiên thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư. Theo tôi, vấn đề quan trọng là khâu khảo sát địa chất. Chúng tôi đã trăn trở rất nhiều về xây dựng ngân hàng dữ liệu về địa chất. Như vậy khi xây dựng sẽ giảm bớt khâu khảo sát, chất lượng công trình sẽ đảm bảo hơn”.
Ông Anh cũng cho rằng, nếu công trình xuống cấp không phải do khách quan, mà do chủ thi công thì phải yêu cầu họ khắc phục. Theo ông Anh thì hiện nay việc kiểm tra chất lượng công trình còn nhiều bất cập, một năm nhiều lắm chỉ kiểm tra được khoảng 100 công trình, trong khi đó Hà Nội có khoảng 2.000 công trình/năm.
Phó Chủ nhiệm UBKHCN, Trưởng Đoàn giám sát, ông Lê Bộ Lĩnh yêu cầu Hà Nội cần sớm có những biện pháp để nâng cao chất lượng các công trình nhà ở cao tầng, chấm dứt tình trạng có những toà nhà mới sử dụng vài năm đã xuống cấp nghiêm trọng.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cũng đồng quan điểm. Ông Khôi cho rằng, phải nâng cao tiêu chuẩn về nhà tái định cư, nhà ở xã hội, chứ không thể để như bây giờ được.
Còn theo TS Ngô Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nên thành lập một tổ “đặc nhiệm” kiểm tra lại chất lượng toàn bộ nhà tái định cư để xử lý theo quy định. Một Phó chủ tịch TP nên đứng đầu tổ này, điều tra thực trạng các khu nhà tái định cư xuống cấp, để đảm bảo việc khắc phục hậu quả được thông suốt, nhanh chóng.
Qui định “tuổi” cho nhà cao tầng
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Xuân Anh cho rằng, Hà Nội đang gặp rắc rối về vấn đề thời hạn, niên hạn sử dụng các công trình. “Chúng ta đang làm động tác cho các công trình sống mãi. Chúng ta đang bán nhà không thời hạn. Đây là vấn đề gay go. Việc cải tạo chung cư cũ, xuống cấp hiện nay, giá nhà cũ đắt hơn cả giá nhà mới. Trung Quốc chỉ bán nhà chung cư trong 50 năm. Nhưng ở ta, khi tháo dỡ công trình nguy hiểm thì dân không đi. Chúng ta đang thực hiện đền bù theo chỗ ở chứ không theo giá trị công trình. Lẽ ra công trình sử dụng nhiều năm thì chỉ đền bù theo giá trị đúng của nó, chứ không thể đền bù mới được. Nhà cao tầng khi đã được quy định niên hạn thì đến hết thời hạn, các hộ dân phải di dời để cải tạo lại hoặc xây mới”, ông Anh nói.
Theo Báo Gia Đình