Những căn nhà nát, cũ kĩ tại khu ven Tp.HCM, sau khi mua xong tu sửa lại nhà đầu tư (NĐT) có thể kiếm lời vài trăm triệu đồng mỗi căn trong khoảng thời gian 4-6 tháng.
Từng sở hữu các căn nhà nát tại khu vực Q.12, Q.Bình Tân, huyện Hóc Môn, Củ Chi, anh Vũ Văn T. trở thành NĐT “hái ra tiền” ở thị trường ngách này. Anh T này chia sẻ, suốt 5 năm nay, anh chỉ “trung thành” với các căn nhà nát và kiếm tiền chênh lệch từ "buôn" loại hình này. Đáng nói, với số vốn bỏ ra không quá cao nhưng thanh khoản và biên lợi nhuận lại khá tốt.
Anh T thường tìm kiếm các căn nhà nát ở vùng “xa xôi” của Tp.HCM mua lại với mức giá từ 1.5-1.7 tỉ đồng/căn cho các diện tích từ 45-50m2. Đa số các căn nhà này đã xuống cấp, cũ kĩ, dân bản địa bán lại hoặc người có nhu cầu chuyển chỗ ở rao bán. Theo anh T, họ thường đưa ra mức giá mềm hơn so với giá thị trường khoảng 1-2 triệu đồng/m2. Và nếu mình có mối quan hệ quen biết với người “dẫn mối” thì có thể mua được giá mềm hơn nữa.
Sau khi mua, anh T tu sửa lại, biến các căn nhà này thành nhà cấp bốn mới hoặc nâng cấp thành nhà cao tầng rồi rao bán cao hơn khoảng 300-600 triệu đồng (tùy căn) sau khi đã trừ hết các chi phí. Theo anh T, những căn nhà sau khi tu sửa thì bán ra khá tốt, thường sẽ rao bán trong vòng 4-6 tháng là có người mua dọn vô ở.
Khá nhiều NĐT kiếm tiền tốt từ đầu tư nhà nát
Anh T cho biết, lúc bắt đầu tham gia vào loại hình này anh cũng khá lo lắng. Nhưng thành công với mức lời 300 triệu đồng ở căn đầu tiên vào năm 2015 anh đã tự tin đi theo phân khúc này. Và kể từ đó đến nay anh kiếm được tiền tỷ ở thị trường ngách với số vốn bỏ ra ban đầu không quá lớn. Cũng theo anh T, loại hình này đáp ứng được nhu cầu ở thực của người ở nên nếu có hàng bán ra khá tốt.
Khi được hỏi về pháp lý các căn nhà như thế nào, anh T cho biết, đa số các căn anh mua lại đều có sổ, tuy vậy cũng có 1 số căn sổ chung. Với những căn sổ chung anh sẽ rao bán giá mềm hơn. Những người cần nhà ở, họ vẫn chấp nhận mua chung sổ.
Tìm hiểu được biết, thực tế kênh đầu tư nhà nát không còn mới lạ với các NĐT. Với những NĐT chấp nhận “bỏ công làm lời” thì thường chọn hình thức đầu tư này, vì khách quan mà nói an toàn hơn các phân khúc khác. An toàn thể hiện ở chỗ là đầu ra nhanh hơn vì đáp ứng đúng nhu cầu ở thực. Với những NĐT mua lại được các căn nhà giá rẻ, sau khi tu sửa lại, mức chênh lệch đạt được khá tốt.
Một số NĐT lúc thị trường tốt thường bỏ tiền vào các phân dễ đạt mức chênh lệch cao, có thể lướt sóng. Tuy nhiên, lúc thị trường ổn định thì một số NĐT lại chuyển hướng sang các kênh đầu tư đảm bảo độ an toàn, chấp nhận bỏ công để kiếm lợi nhuận. Đã từng có những NĐT đạt mức lợi nhuận rất tốt khi kiếm được các căn nhà nát ở vị trí đẹp, pháp lý rõ ràng.
Chia sẻ của một NĐT sống tại Q.2, Tp.HCM, trước đây anh chỉ đầu tư loại hình này nhưng khoảng 2 năm nay không có nguồn hàng nên anh chuyển sang loại hình nhà trọ cho thuê. Theo NĐT này, tính ra nếu tìm được các căn nhà nát chủ nhà muốn bán ra, mua rồi tân trang lại thì biên lợi nhuận đạt được bao giờ cũng cao hơn các phân khúc khác trên thị trường, mặc dù mình phải bỏ công sức vào để tu sửa lại.
NĐT này nhớ lại, thời điểm cách đây 3 năm, những căn nhà cũ kỹ tại khu vực Q.9, Q.Thủ Đức, Q.12 chỉ có giá khoảng 800 triệu đến 1.2 tỉ đồng. Sau khi mua, bỏ thêm 300-400 triệu để nâng cấp, tu sửa lại, những căn nhà này có thể rao bán với giá 2 -2.2 tỉ đồng vẫn có người mua.
Tuy vậy, theo các NĐT, với kênh đầu tư này, NĐT cũng có thể gặp rủi ro nếu không kỹ càng trong việc lựa chọn nhà để mua. Có những căn nhà vướng quy hoạch, không có sổ nhưng vì giá rẻ, một số NĐT vẫn mua vào. Sau đó bán ra khó hoặc chấp nhận bán giá rẻ hơn so với giá vốn mua vào.
Anh Vũ Văn T dành lời khuyên cho các NĐT muốn tham gia vào loại hình này cần lưu ý: Tốt nhất nên chọn các căn nhà nát nhưng sổ sách đầy đủ; nhà có diện tích vừa phải từ 40-60m2 sẽ dễ bán ra; nên chọn các căn nhà có đường không quá nhỏ, tránh đường cụt thì bán giá chênh sẽ tốt hơn. Ngoài ra, NĐT cố gắng tìm được các căn nhà mà số vốn bỏ ra ban đầu không quá 2 tỉ đồng, mức này vừa dễ thở cho NĐT, vừa phù hợp với số tiền người mua ở thực sau khi họ mua lại từ NĐT.
DiaOcOnline.vn – Theo Nhịp sống kinh tế