Kích gói 30.000 tỷ bằng nhà ở cho công nhân

Cập nhật 22/01/2015 09:46

Phát triển nguồn cung căn hộ xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp đang được hi vọng kích thích việc giải ngân gói 30.000 tỷ nhanh chóng và đúng đối tượng.

Mới đây để đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội cho công nhân mới đây Bộ Xây dựng đã bổ sung đối tượng được vay vốn ưu đãi từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng theo NQ 02 đối với hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua và để bán cho các đối tượng là công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, các cơ sở sản xuất công nghiệp kể cả bên trong và ngoài khu công nghiệp.

Bộ Trưởng bộ Xây dựng đi thăm khu nhà ở cho công nhân tại KCN Nhơn Trạch

Trong chuyến khảo sát các dự án nhà ở xã hội cho công nhâncủa Bộ Xây dựng tại hai tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai mới đây ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng,Chính quyền các địa phương cần tạo điều kiện về quỹ đất, thủ tục pháp lý, Bộ Xây dựng sẽ tham mưu để Chính phủ có những chính sách khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cho công nhân. Muốn giải ngân nhanh được gói hỗ trợ 30.000 tỷ thì thị trường cần một nguồn cung nhà ở xã hội rất lớn, đặc biệt là nhà ở xã hội cho công nhân cần được xây dựng nhiều hơn.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, sau gần 05 năm triển khai đến nay trên địa bàn cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 64 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 20.277 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 4.440 tỷ đồng. Đang tiếp tục triển khai 59 dự án nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp với quy mô xây dựng khoảng 66.753 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 18.100 tỷ đồng.

Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân rất quan trọng đối với việc tạp nguồn cung giá rẻ cho công nhân dễ dàng tiếp cận.

Theo quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 tổng số công nhân, lao động tại các KCN đạt khoảng khoảng 7,2 triệu. Số công nhân, lao động tại các KCN cả nước có nhu cầu về chỗ ở đến năm 2020 là khoảng 4,2 triệu người tương đương khoảng 33,6 triệu m2 nhà ở.

Tuy nhiên hiện nay tại các KCN mới chỉ có khoảng 20% công nhân lao động có chỗ ở ổn định, số còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm. Đa số công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các KCN trên cả nước đều phải thuê nhà trọ của tư nhân với giá thuê từ 200.000–300.000 đồng/người/tháng. Các phòng trọ thuê của tư nhân hầu hết đều rất chật hẹp (diện tích sử dụng bình quân từ 2-3m2/người), điều kiện vệ sinh, môi trường không đảm bảo. Do vậy, việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân rất quan trọng đối với việc tạp nguồn cung giá rẻ cho công nhân dễ dàng tiếp cận.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, doanh nghiệp hiện chưa muốn đầu tư phân khúc này vì chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể, đồng thời lợi nhuận thấp. Bắt buộc doanh nghiệp thì không thể nhưng cần có chính sách khuyến khích họ. Chính quyền các địa phương cần tạo điều kiện về quỹ đất, thủ tục pháp lý, Bộ Xây dựng sẽ tham mưu để Chính phủ có những chính sách khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cho công nhân.

Vũng Tàu: Mới đáp ứng được 1/5 nhu cầu chỗ ở công nhân

Ông Trần Ngọc Thới, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết hiện trên địa bàn có khoảng 50.000 công nhân, trong đó, số công nhân có nhu cầu nhà ở khoảng 30.000 người. Tỉnh đã chấp thuận cho các chủ đầu tư triển khai 24 dự án nhà ở công nhân với diện tích 235 hécta. Trong số này, có 9 dự án đã hoàn thành, mới đáp ứng được hơn 6.500 chỗ ở, tức chỉ hơn 1/5 nhu cầu. Trước đó tỉnh đã phê duyệt đề án nhà ở xã hội trên địa bàn giai đoạn năm 2009-2015 với mục tiêu xây dựng 5.000 căn hộ.

Hiện tại, đã đưa và sử dụng 1.111 căn và đang chuẩn bị đầu tư thêm khoảng 1.700 căn trên địa bàn thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa. Đồng thời, UBND tỉnh này cũng đồng ý cho chuyển hai dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với 1.080 căn hộ để bổ sung vào quỹ nhà ở của tỉnh.


DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet