Kích cầu nhà ở xã hội: Không vì lợi nhuận, không "xin-cho"

Cập nhật 22/01/2009 11:55

Cho rằng xây 17 nghìn căn nhà ở xã hội mang ý nghĩa giải quyết vấn đề an sinh xã hội về nhà ở nhiều hơn là kích cầu nhằm bình ổn và phát triển thị trường BĐS, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng cần xem xét kỹ lưỡng cơ chế triển khai để bảo đảm sự trợ giúp từ ngân sách nhà nước đến trực tiếp được người lao động thiếu chỗ ở.

Theo ông Võ, cần có một cơ chế tách bạch giữa 3 khu vực: quản lý vốn phát triển nhà ở xã hội, xây dựng nhà ở xã hội và quản lý việc cung nhà ở xã hội tới tay người lao động. Tách riêng như vậy mới đưa được sự trợ giúp của Nhà nước thực sự tới tay người lao động.

Kích cầu nhà ở xã hội: Ai nên là chủ đầu tư?

Trước năm 2004, Nhà nước đã có chính sách giao đất không thu tiền sử dụng đất để thực hiện các dự án xây dựng kinh doanh nhà chung cư với mục tiêu trợ giúp cho người lao động dễ dàng mua được chỗ ở trong nhà chung cư. Trên thực tế giá nhà chung cư không hề giảm mà cứ leo thang hàng ngày. Người mua nhà chung cư không được hưởng ưu đãi này mà số tiền sử dụng đất được miễn luôn nằm trong lợi nhuận thuộc túi các doanh nghiệp. Luật Đất đai năm 2003 đã bãi bỏ cơ chế ưu đãi mang tính kích cầu đối với nhà chung cư như vậy.

Để thực hiện dự án kích cầu nhà ở xã hội hiện nay, cần có một cơ chế tách bạch giữa 3 khu vực: quản lý vốn phát triển nhà ở xã hội, xây dựng nhà ở xã hội và quản lý việc cung nhà ở xã hội tới tay người lao động. Tách riêng như vậy mới đưa được sự trợ giúp của Nhà nước thực sự tới tay người lao động.

Chủ đầu tư quản lý vốn phát triển nhà ở xã hội nên giao cho các ngân hàng hoặc quỹ phát triển nhà ở; các công ty xây dựng tham gia đấu thầu thực hiện xây dựng nhà ở xã hội và bàn giao nhà ở đã hoàn thành cho chủ đầu tư; các hợp tác xã nhà ở được hình thành để quản lý việc cung nhà cho đúng đối tượng theo quy định.

Đây là một cơ chế phù hợp để phát triển nhà ở xã hội mà nhiều nước đã áp dụng, không phải là cơ chế thị trường lấy lợi ích kinh doanh làm tiêu chí và cũng không phải là cơ chế "xin - cho" lấy ban phát ngân sách nhà nước làm tiêu chí. Sự cắt khúc quản lý như vậy tạo nên hiệu quả của sử dụng sự trợ giúp của Nhà nước trong cơ chế thị trường.

Không thể nhìn cắt đoạn mà "chiến đấu" cho lợi ích riêng mình


Dự án kích cầu nhà ở xã hội đã được Bộ Xây dựng trình lên Chính phủ. Người lao động thấp thỏm chờ và hi vọng, trong khi các cơ quan hữu trách vẫn đang tranh cãi ai sẽ là chủ đầu tư cho phù hợp. Một số tổ chức chính trị - xã hội và xã hội, một số ngân hàng, cả chính quyền một số địa phương và cả các DN xây dựng kinh doanh BĐS đều muốn làm chủ đầu tư.

Việc đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở xã hội bằng vốn của doanh nghiệp vẫn là điều bình thường, vẫn thực hiện theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, với gói kích cầu nhà ở xã hội thì tiền được rót từ ngân sách nhà nước, cơ chế thực hiện không thể thuần túy theo thị trường. Mặt khác, cũng không thể áp dụng cơ chế thuần túy "xin - cho" theo kiểu bao cấp cũ.

Vốn trợ giúp từ ngân sách nhà nước cho phát triển nhà ở xã hội nên giao cho tổ chức ngân hàng phát triển nhà ở hoặc quỹ phát triển nhà ở làm chủ đầu tư, với điều kiện các ngân hàng hay quỹ này cũng phải xuất vốn đầu tư nhà ở xã hội cùng với vốn rót từ ngân sách nhà nước. Ví như tỷ lệ chia sẻ vốn là 50:50 thì quỹ nhà ở xã hội sẽ là 34 nghìn căn hộ giá thấp cho người lao động chứ không phải chỉ 17 nghìn căn tính trên vốn rót từ ngân sách nhà nước.

Ngân hàng hay quỹ phát triển nhà ở này sẽ giữ và quản vốn trợ giúp từ Nhà nước và vốn tự có của họ, đồng thời cũng giữ và quản tiền đóng trước của người lao động đăng ký sử dụng nhà ở xã hội. Nói cách khác, ngân hàng hay quỹ sẽ kiểm soát toàn bộ phần vốn đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trực tiếp kinh doanh phần vốn đó.

Các công ty xây dựng chỉ tham gia đấu thầu công trình xây dựng nhà ở xã hội, triển khai xây dựng khi thắng thầu trên cơ sở hợp đồng với chủ đầu tư vốn, mà không làm chủ việc kinh doanh nhà ở xã hội.

Các ngân hàng hay quỹ phát triển nhà ở chỉ quản lý vốn và sau đó quản lý chung về quỹ nhà đã nhận bàn giao, và cũng không làm chủ việc kinh doanh nhà ở xã hội. Chính quyền cũng không nên can thiệp trực tiếp vào quyết định cung nhà ở xã hội. Mọi quyết định hành chính về phân phối nhà ở xã hội sẽ dẫn đến ban phát của cơ chế "xin - cho", một điều kiện ắt dẫn đến tham nhũng.

Việc cung nhà ở xã hội cho người lao động do các hợp tác xã nhà ở thực hiện độc lập theo quy định của pháp luật và theo định giá của giá thành sản xuất. Các hợp tác xã này không phải là tổ chức kinh tế hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, không phải là đơn vị thành viên do các ngân hàng hoặc quỹ phát triển nhà ở thành lập nên.

Đây là một tổ chức hoạt động vì mục đích xã hội đáp ứng cho việc cung nhà ở xã hội, đại diện cho quyền lợi của những người lao động có nhu cầu về nhà ở xã hội. Hợp tác xã này giám sát việc sử dụng nhà ở xã hội, ai đã có nhà rồi mà vẫn đăng ký nhà ở xã hội, ai đang sử dụng 2 nhà ở xã hội, ai chưa có nhà ở v.v... Ai có nhà ở xã hội mà không ở hoặc đã có mà không còn nhu cầu ở thì hợp tác xã thu hồi lại, một người chỉ có thể có 1 nhà ở xã hội.

Mô hình không khó, miễn là muốn làm

Vấn đề giải quyết nhà ở cho người lao động luôn khó khăn đối với mọi đất nước nhưng cũng nhiều nước đã đưa ra các giải pháp hiệu quả. Thụy Điển và nhiều nước Bắc Âu đều đã áp dụng mô hình hợp tác xã nhà ở và đã rất thành công.



Khu nhà ở CN của Công ty TNHH sản xuất đồ gỗ Great
Veca (huyện Trảng Bom, Đồng Nai). Ảnh: Lao Động.


Theo pháp luật của Thụy Điển, mỗi người lao động chỉ có quyền có 1 căn hộ để cho mình ở phù hợp với độ lớn của gia đình, không có quyền có thêm căn hộ khác. Hợp tác xã nhà ở kiểm soát tất cả nhà ở xã hội trong một thành phố, nắm được ai là người có hai căn hộ, ai muốn mua thêm, ai có căn hộ nhưng không có mặt. Mô hình này cũng là bí quyết giúp Thụy Điển xử lý được nguy cơ đầu cơ nhà chung cư.

Ở Thụy Điển, người có tiền có thể mua nhiều nhà ở gắn liền với đất, ai muốn mua bao nhiêu cũng được, có nhiều nhà thì nộp nhiều thuế. Tình trạng đầu cơ nhà ở gắn với đất của người có nhiều tiền được hạn chế bằng công cụ thuế. Nhà ở xã hội cho người lao động bình thường thì hầu như được miễn thuế và kiểm soát bằng cơ chế hợp tác xã nhà ở. Mô hình này không khó để áp dụng ở Việt Nam, cái khó chỉ là mình có quyết tâm làm tới nơi tới chốn hay không.

Công khai, minh bạch để DN làm thật, người dân hưởng thật

Một câu hỏi có thể đặt ra là ai sẽ đảm bảo các ngân hàng hay quỹ phát triển nhà ở không dùng tiền trợ giúp từ ngân sách sai mục đích? Giống như tất cả các nước, kiểm toán sẽ là công cụ để kiểm soát các ngân hàng hay quỹ sử dụng tiền đó như thế nào.

Hàng năm, hoạt động của các doanh nghiệp đều được kiểm toán, kết quả kiểm toán được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và mọi người đều có thể biết được ngân hàng dùng tiền như thế nào.

Việc thiếu công khai, minh bạch chính là căn bệnh cần được chữa đầu tiên trong một giải pháp tổng thể về xử lý vấn đề xã hội trong cơ chế thị trường. Ngay với đất đai, nếu công khai, minh bạch việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì khiếu kiện của dân giảm đi được rất nhiều.

Việc công khai, minh bạch sẽ buộc DN phải làm thật, ngân hàng hay quỹ phát triển nhà ở cũng phải làm thật, hợp tác xã nhà ở cũng phải làm thật và người lao động cũng được hưởng lợi thật từ ưu đãi của Nhà nước, và người lao động cũng tham gia thật vào quá trình kiểm soát các đơn vị kia làm thật hay không.

Công khai, minh bạch cũng là cách cụ thể nhất để ngăn ngừa được tham nhũng. Việc phát hiện và xử lý các vụ việc tham nhũng là cần phải làm, nhưng ngăn ngừa từ gốc vẫn là giải pháp tốt hơn. Để có quyết sách dài hạn về nhà ở cho người lao động, chúng ta cần có số liệu thống kê đầy đủ, chính xác về người lao động theo thu nhập thực và tình trạng nhà ở của họ.

Gói kích cầu từ ngân sách nhà nước lần này chỉ nên xem là "cú hích" khởi động của Nhà nước. Từ đó, rút kinh nghiệm về cơ chế triển khai, phân tích số liệu thống kê để đưa ra các bước đi tiếp theo.

Lúc này, chuyện quan trọng là các cơ quan quản lý cần tính toán kỹ lưỡng về cơ chế để sao cho toàn bộ ưu đãi từ Nhà nước đến được tay người lao động không có nhà ở, ai là chủ đầu tư chỉ là một mắt xích của cơ chế. Tranh luận nhiều về vai chủ đầu tư làm cho gói kích cầu cứ trì hoãn, còn người lao động vẫn cứ chờ, cứ đợi. Bên cạnh gói kích cầu, giải pháp tổng thể phải tính đến kích cầu trực tiếp cho người lao động dưới dạng cho vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp bằng nguồn vốn từ quỹ nhà ở hoặc từ ngân sách nhà nước.

Giải quyết tăng cung nhà ở xã hội có mục tiêu chính là giải quyết vấn đề an sinh xã hội về nhà ở cho người lao động, và cũng làm bình ổn cung - cầu trong khu vực nhà ở cao cấp mà vốn đang mất cân đối giữa cung thật với cầu ảo do đầu cơ nhà đất tạo nên. Biện pháp kích cầu nhà ở xã hội có tác dụng đưa giá nhà đất về mức hợp lý so với thu nhập của người lao động, thị trường nhà ở - đất ở sẽ phát triển bền vững hơn.

Nếu tất cả đều quyết tâm làm, tôi tin rằng vấn đề nhà ở cho người lao động sẽ được giải quyết tốt trong một thời gian không dài. Giải pháp có thể có nhiều nhưng đều có chung 3 nguyên tắc cơ bản: một là lời giải phải công khai và minh bạch, hai là trợ giúp của Nhà nước để tạo công cụ chứ không phải là "xin - cho", ba là lợi ích từ trợ giúp của Nhà nước phải hướng toàn bộ tới lợi ích của người lao động mà không để rơi vãi dọc đường. Tóm lại, điều quan trọng nhất là làm thế nào để công khai, minh bạch và vì người lao động.

Giải quyết tốt nhà ở cho người lao động là một biểu hiện rất cụ thể của định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường của nước ta.

DiaOcOnline.vn - Theo Tuần Việt Nam