Kịch bản nào cho các dự án "cấp vội"?

Cập nhật 21/05/2009 09:20

Trên 700 dự án thuộc diện “cấp vội” trên đất Hà Tây trước khi sáp nhập vào Hà Nội đang được các cơ quan chức năng xem xét phân định. Nhiều khả năng có không ít dự án phải thu hồi hoặc chuyển đổi lĩnh vực đầu tư. Vậy phương án nào để thiệt hại là ít nhất? Dưới đây là cuộc trao đổi của DĐDN với nguyên Thứ trưởng Bộ TN - MT Đặng Hùng Võ.

* Thưa ông, tình trạng cấp dự án tràn lan và chớp nhoáng với tốc độ chưa từng thấy ở Hà Tây trước khi sáp nhập vào Hà Nội khiến quỹ đất Hà Tây (cũ) hiện nay theo một số ý kiến thì tìm được một mảnh 5 ha đã là khó. Việc giao đất nói trên đã đảo lộn và phá vỡ nhiều điểm thuộc quy hoạch sử dụng đất. Ông có thể cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?

Cần hiểu rằng khi sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội chúng ta sẽ cần một quy hoạch tổng thể cho Thủ đô chứ không phải đem quy hoạch Hà Tây gộp với Hà Nội để thành Thủ đô được. Như vậy vấn đề đặt ra ở đây, trong hơn 700 dự án cấp vội sẽ có hai loại. Một loại là các dự án cấp được giao đất theo đúng trình tự pháp luật nhưng như đã nói trên sẽ không phù hợp với quy hoạch mới và loại thứ hai là các dự án cấp không đúng trình tự pháp luật.

Không ít dự án thuộc diện nửa nạc nửa mỡ như "khu vui chơi giải trí kết hợp với nhà ở"... Cũng cần nói rõ rằng đã có một sự "lách" ở đây. Vì dự án nhà ở thì được phép thu hồi đất còn vui chơi giải trí thì không. Do đó người ta hay lập các dự án lồng ghép kiểu như trên.

* Đối với loại dự án cấp sai thì có thể xử lý còn đối với dự án cấp đúng như ông nêu trên nhưng không đúng quy hoạch của Thủ đô thì nên giải quyết thế nào vì đến bây giờ Thủ đô vẫn đang tiếp tục quy hoạch. Liệu có xảy ra tình trạng quy hoạch theo hiện trạng không và kịch bản để xử lý các dự án thế nào?

Trong quy hoạch có xem xét đến yếu tố hiện trạng. Song theo tôi nếu quy hoạch như vậy sẽ rất nguy hại. Nếu dự án nào không phù hợp nhất định phải được xử lý triệt để. Đối với các dự án đã cấp nhưng không phù hợp quy hoạch có thể cho phép nhà đầu tư chuyển mục đích theo đúng quy hoạch.

Nếu họ không có nhu cầu tiếp tục triển khai dự án có thể để nhà đầu tư khác tiếp nhận dự án đó và trả chi phí cho nhà đầu tư trước. Cũng có thể đấu thầu, đấu giá dự án và thu hồi tiền để trả cho những chi phí mà nhà đầu tư cũ đã đầu tư nay phải dừng lại. Tất nhiên cách này là cuối cùng vì sẽ tốn kém do DN thì đã đầu tư, dân có thể đã nhận đền bù. Cũng có thể đã san ủi mặt bằng nay theo quy hoạch lại phù hợp với làm nông nghiệp thì làm sao cải tạo lại đất như cũ được nữa.

* Vậy trách nhiệm của cơ quan quản lý đến đâu vì DN chỉ lập dự án, xin cấp đất chứ DN đâu biết quy hoạch ra sao và cũng chẳng được tham gia chuyện quy hoạch?

Trước đây khi xử lý các dự án cấp đất không đúng quy định của pháp luật thì thường xem xét tới các yếu tố như hiệu quả dự án, hiện trạng đầu tư của chủ đầu tư ... Tuy nhiên theo Luật đất đai - 2003 thì phải xử lý triệt để mà không được phép xem xét hay châm chước gì. Luật đất đai - 2003 cũng quy định ai gây thiệt hại người đó phải bồi thường. Từ đó tới nay chưa có nghị định hướng dẫn vấn đề bồi thường ra sao. Song không phải không có nghị định là bỏ qua. Theo tôi, UBND TP Hà Nội cần ban hành quy định về bồi thường. Nếu vi phạm ở mức độ hành chính thì giải quyết theo hành chính, còn nếu vi phạm có tính chất hình sự thì giải quyết bằng luật hình.

* Việc cấp dự án "vội" như vậy tất nhiên cơ quan quản lý biết sẽ có nhiều dự án không phù hợp quy hoạch. Trong trường hợp như vậy có thể coi là vi phạm pháp luật không vì họ biết cấp như vậy là gây thiệt hại mà vẫn làm?

Hiện nay chưa có quy định để điều chỉnh các hành vi thuộc diện đúng pháp luật nhưng gây hại về sau. Cũng đã có ý kiến cho rằng nên nghiên cứu vấn đề này khi xây dựng luật pháp. Tuy nhiên nếu nói tới góc độ "đạo đức cán bộ" trong việc cấp đất tràn lan này thì có thể. Nói công bằng thì việc cấp đất tràn lan ở Hà Tây đã gây thiệt hại rất lớn, cả cho nhà đầu tư, người dân bị thu hồi đất và Nhà nước cũng thiệt hại vì sẽ phải giải quyết một hậu quả nặng nề.

* Ông có cho rằng đây là một bài học lớn về cấp đất và quy hoạch không?

Đúng là một bài học lớn và đắt. Theo tôi, khi định điều chỉnh quy hoạch cần tính trước và có quy định cụ thể. Chẳng hạn như thế nào thì được cấp đất, thế nào thì không được cấp... Tôi được biết, Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo về việc dừng cấp đất tại Hà Tây song tình trạng vẫn xảy ra như ta đang thấy. Nếu gọi là rút kinh nghiệm thì có lẽ những trường hợp tương tự chúng ta phải có chỉ đạo sớm hơn nữa, ngay từ khi có chủ trương.

* Xin cảm ơn ông.

Ông Phạm Tiếp - Trưởng Phòng Công Thương huyện Hoài Đức.

“Các DN đều có tâm tư nặng nề. Trong đó, nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự khó chịu vì phải chờ đợi quá lâu. Tuy nhiên, ở vị trí nhà đầu tư, họ cũng chỉ biết... bức xúc và chờ đợi, bởi quyết định cuối cùng thuộc về thành phố”.


DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp