Khuyến khích đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị

Cập nhật 17/12/2009 13:50

Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc đầu tư xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Tuy nhiên, thực trạng hệ thống hạ tầng đô thị ở nước ta vẫn còn yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển đô thị.

Do vậy, việc ban hành một cơ chế mẫu, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị là cần thiết nhằm huy động nguồn lực xã hội cho lĩnh vực này. Đó cũng là nội dung đề án do Bộ Xây dựng đang thực hiện để trình Chính phủ phê duyệt.

Sẽ có nhiều ưu đãi để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị.


Theo đề án này, hiện cả nước có trên 420 hệ thống cấp nước lớn nhỏ với công suất thiết kế đạt 5,48 triệu m3/ngđ, nhưng mới chỉ đáp ứng đủ cho 50 - 60% nhu cầu của người dân đô thị. Còn lại, chủ yếu người dân sử dụng nước giếng khoan hoặc giếng tự đào. Lượng thất thoát nước còn lớn (bình quân 32%) trong khi chất lượng nước sạch lại chưa đạt yêu cầu.

Hệ thống thoát nước cũng mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu, còn lại là thoát tự nhiên. Vốn đầu tư cho hệ thống thoát nước tuy đã được chú trọng nhưng vốn sử dụng cho duy tu bảo dưỡng còn hạn chế nên hệ thống thoát nước cũng đang trong tình trạng xuống cấp. Phần lớn hệ thống thoát nước mưa và nước thải được sử dụng chung.

Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt bình quân cả nước khoảng 80%, chủ yếu được xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Tại các đô thị, tỷ lệ đất dành cho giao thông chưa tới 10% đất xây dựng đô thị, trong khi tỷ lệ cần thiết là 20 - 25%. Hệ thống đường giao thông tại các đô thị lớn đang xuống cấp, chật hẹp dẫn đến việc ùn tắc thường xuyên xảy ra.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do cơ chế, chính sách về đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa đồng bộ, thiếu chi tiết. Ở các đô thị vừa và nhỏ, việc triển khai quy hoạch hạ tầng đô thị còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư đã được ban hành nhưng chưa đủ sức hấp dẫn.

Đối với lĩnh vực cấp nước, hiện mới có một số dự án đầu tư nhà máy cấp nước ở các đô thị lớn do các thành phần kinh tế khác đầu tư. Một số dự án xử lý nước thải mới đang trong quá trình đầu tư xây dựng, còn hệ thống xử lý rác thải do tư nhân xây dựng thì có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu…

Đề án Xây dựng cơ chế mẫu, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với nhà đầu tư. Đó là những ưu đãi về cơ sở hạ tầng, đất đai như: Đối với dự án xây dựng cơ sở xử lý chất thải sinh hoạt và nhà máy cấp nước được hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình giao thông, điện, cấp thoát nước ngoài phạm vi dự án. Diện tích đất để xây dựng các cơ sở này được miễn tiền sử dụng, tiền thuê đất.

Về thủ tục đầu tư xây dựng, các dự án thực hiện thí điểm sẽ không phải thực hiện thủ tục giấy chứng nhận đầu tư; việc lấy ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan về môi trường, cấp thoát nước, phòng cháy chữa cháy trong quá trình thẩm định dự án được thực hiện một lần thông qua cuộc họp lấy ý kiến; được áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc dự án thí điểm. Đặc biệt, đối với lĩnh vực xử lý chất thải rắn, nhà đầu tư được vay vốn ưu đãi tới 85% tổng mức đầu tư từ Ngân hàng phát triển Việt Nam. Riêng đối với lĩnh vực cấp nước, Nhà nước bù chênh lệch giá nước sạch để bù đắp chi phí sản xuất, có lãi hợp lý….

Dự kiến, thời gian thực hiện thí điểm cơ chế mẫu và tổng kết đánh giá sẽ được thực hiện từ năm 2010 - 2012.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng