Khu tập thể mặt phố Hà Nội: Đắc địa nhưng chưa đắt khách

Cập nhật 23/06/2016 10:57

UBND TP Hà Nội đang xây dựng cơ chế, chính sách mới đối với các dự án cải tạo chung cư cũ để thu hút các nhà đầu tư. Liệu cơ chế mới có giúp đem lại số đầu tư khổng lồ hàng trăm nghìn tỷ đồng, tăng tốc các dự án cải tạo chung cư cũ đã ì ạch cả chục năm nay?

Các dự án cải tạo chung cư cũ của Hà Nội vẫn đang chờ đợi các nhà đầu tư

Thực tế, khoảng 5-6 năm trở lại đây, cùng với sự tụt dốc của thị trường bất động sản, các dự án cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội cũng gần như bất động. Ngoài một hai dự án ở vị trí mặt phố đắc địa được triển khai, số còn lại tiếp tục ở giai đoạn “nghiên cứu”.

Tại 4 quận nội thành cũ - nơi tập trung các khu chung cư cũ (Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng) - nhiều nhà đầu tư “bỏ của chạy lấy người” vì không đủ năng lực triển khai dự án trong bối cảnh thị trường xuống dốc thê thảm.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thành phố hiện có 1.516 chung cư cũ có quy mô từ 2 đến 5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1980. Các công trình này tập trung ở 4 quận nội thành cũ (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng) với 935 công trình.

Thế nhưng, thống kê mới nhất của Sở Xây dựng chỉ ra, sau gần 11 năm triển khai cải tạo chung cư cũ, số công trình được cải tạo, xây dựng lại mới dừng ở con số 14, chiếm chưa tới 1% tổng số chung cư cũ tại Hà Nội.

Tới nay, trong bối cảnh thị trường bất động sản bắt đầu hồi phục, thành phố Hà Nội vừa kêu gọi đầu tư đồng bộ vào 10 dự án cải tạo chung cư cũ ở nội thành với số vốn lên tới 316.800 tỷ đồng.

Trong số này, quận Đống Đa có 4 khu tập thể: Khương Thượng, Vĩnh Hồ, Kim Liên và Trung Tự. Quận Ba Đình có 3 khu tập thể: Ngọc Khánh, Giảng Võ, Thành Công. Ba khu tập thể còn lại gồm: khu Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng; khu Tân Mai, quận Hoàng Mai; khu Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy.

Tuy có vị trí đắc địa nhưng các dự án này cũng mang trong mình sự phức tạp mà không phải nhà đầu tư nào cũng dám đương đầu. Bằng chứng là, 11 năm qua, chưa có nhà đầu tư nào dám “ôm” trọn 1 trong 10 dự án nói trên. Mới có một vài nhà đầu tư nhanh tay “gắp” những tòa nhà ở vị trí mặt đường, được đánh giá là “ngon ăn” nhất để triển khai thí điểm mà thôi.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị định số 101/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã mở ra cơ hội với các dự án cải tạo chung cư cũ vốn rất ì ạch.

Tới nay, trên địa bàn Hà Nội, liên ngành thành phố đã trình UBND TP quy định mới về cải tạo nhà chung cư. Đây là sẽ chính sách 'khung' quan trọng để thúc đẩy các dự án chung cư cũ trong thời gian tới.

Dù vậy, theo ông Nguyễn Chí Dũng, điều quan trọng nhất hiện nay vẫn là phải thay đổi được ý thức của người dân trong việc cải tạo lại chung cư cũ. “Người dân cần chủ động tham gia vào các dự án cải tạo lại chính tòa nhà nơi mình sinh sống.

Theo quy định mới, người dân có thể tự thành lập doanh nghiệp để làm dự án cải tạo chung cư nơi mình ở; có thể góp vốn vào dự án bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở của mình hoặc bán lại căn hộ của mình cho nhà đầu tư...

Yêu cầu lớn nhất ở đây là phải hài hòa lợi ích của người dân – doanh nghiệp. Nhà nước ở đây đóng vai trò dẫn dắt, giám sát các dự án thực hiện đúng quy định của pháp luật, đem lại lợi ích cho cộng đồng” - ông Nguyễn Chí Dũng nói.

Cùng với việc thành phố ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử, tình trạng tù mù về các chỉ số quy hoạch đối với các dự án cải tạo chung cư cũ đã chấm dứt. Quy chế này đã chỉ ra số tầng cao chi tiết đối với 17 dự án cải tạo chung cư cũ, trong đó có 10 dự án vừa công bố kêu gọi đầu tư.

Chẳng hạn, khu Giảng Võ có chiều cao tối đa 21 tầng, tương đương 76m; khu chung cư Quỳnh Mai có chiều cao tối đa 24 tầng, tương đương 86m; khu Ngọc Khánh: 21 tầng, 76m; khu Kim Liên: 24 tầng, 86m...

“Đầu bài đã rất rõ ràng. Các nhà đầu tư có thể soi chiếu vào đó để tính toán, giải bài toán kinh tế của dự án. Tất nhiên, đó không phải là những con số “chết”, trường hợp doanh nghiệp thấy vẫn chưa đủ cân đối được tài chính cho dự án, có thể kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp” - ông Nguyễn Chí Dũng nói.

DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô