Khu tập thể hoang phế giữa Hà Nội

Cập nhật 12/06/2008 15:00

Tường loang lổ rêu mốc, trơ gạch, hành lang chất kín phế thải. Hơn 10 năm nay, cuộc sống của gần 30 hộ gia đình với hơn 100 nhân khẩu vẫn diễn ra, mặc cho khu nhà xuống cấp nghiêm trọng.

Từ đầu phố Tăng Bạt Hổ, hỏi đường vào khu tập thể C6, bệnh viện 108, anh lái xe ôm lắc đầu: "Khu ấy bây giờ xuống cấp lắm, có khác gì khu nhà hoang". Lách qua con ngõ nhỏ, ngoằn nghèo dựng kín xe và một chợ cóc mới vào được khu C6.

Nhìn bên ngoài, khu nhà như bị bỏ hoang từ lâu. Cửa nhà, hành lang chất đầy những vật dụng cũ bỏ đi. Trên tường vôi vữa bong chóc, mốc meo, trần nhà nham nhở lớp vữa bong chóc. Lác đác vài phòng có quần áo treo ngoài dây.

Gần trưa, nhưng các dãy hành lang vẫn tối om, không có người qua lại. Lối vào sâu hun hút, cộng với thứ ánh sáng lờ mờ, phải căng mắt ra nhìn đường nhưng người đi qua vẫn có cảm giác rờn rợn. Đang lọ mọ tìm đường đi trong dãy hành lang, chị Vũ Thị Thuý Hảo, phòng 110, y tá nghỉ hưu đi ra.

Thấy người lạ, chị Hảo tỏ ra rất ngạc nhiên, vì đã từ lâu không có người lạ vào khu tập thể này. "Chúng tôi sống ở đây lâu thành quen. Tối đến các hộ mở cửa, bật điện còn trông thấy hành lang chứ ban ngày cứ phải mò mẫm", chị Hảo nói.

Căn phòng gia đình chị Hảo ở rộng chưa đầy 14m2, nhưng có tới 4 nhân khẩu. Một trong số đó có cô con gái là nạn nhân chất độc da cam. Do quá đông người lại không thể ngủ chung một giường cho nên phía trên chiếc giường chiếm 1/3 gian phòng, chị tận dụng làm thêm một gác xép.

Trong căn bếp lụp xụp nhà chị Hảo, bát đĩa "nằm chung" với nước lênh láng thấm từ trên tầng 2 xuống, mặc dù trần đã được che bằng nilon. "Hôm trước, cả nhà đang ăn cơm, thì một mảng trần rơi xuống giữa mâm, may không ai bị sao" anh Nguyễn Trí Lương, chồng chị Hảo góp chuyện.

Anh Lương cho hay, ngay trên nhà bếp là khu vệ sinh của tầng 2. Người ngoài đến nhận ra ngay mùi hôi thối nhưng người dân ở đây sống lâu thành quen. Nhiều hôm, hai vợ chồng phải thay nhau bế đứa con nhiễm chất độc da cam đi vệ sinh.



Chị Hảo lo lắng trần nhà có thể sập bất cứ lúc nào.
Ảnh: Hà Anh.


Bà Nha, nhà 107 cho biết, khu tập thể C6 được xây từ năm 1960. Trước có hơn 79 hộ cư ngụ, nhưng nay chỉ còn khoảng hơn 30 hộ. Trước tình trạng khu nhà xuống cấp trầm trọng, năm 2006, Bệnh viện 108 đã đưa chủ trương giải quyết, sau đó, 28 hộ đã mua nhà tại nơi khác. Những hộ còn lại, vì không đủ tiền mua nhà, nên đành ở lại.

Theo bà Nha, một số gia đình có điều kiện đã chuyển đi hoặc được mua nhà thuộc sở hữu nhà nước ở nơi khác. Những hộ hiện còn bám trụ lại là những hộ không có tiền, hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. "Với đồng lương hưu còm cõi hiện nay, chưa biết bao giờ mới có đủ 500 - 600 triệu đồng để mua nhà nơi khác, nên đành phải ở đây mặc dù vẫn biết điều kiện sống rất kém. Người thân của tôi ở quê lên chơi còn phải lắc đầu ngao ngán".

Trao đổi với VnExpress, thượng tá Nguyễn Đức Thuận, Phòng tuyên huấn, Bệnh viện 108 cho biết, trước đây C6 là nhà công vụ dành cho cán bộ, nhân viên, sau này họ lập gia đình nên ở lại luôn. Trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của khu nhà, viện đã vận động những hộ dân mua nhà trợ giá thuộc sở hữu nhà nước và đã có một số hộ đi. Số còn lại do quá nghèo, đồng lương công chức về hưu không đủ để mua nhà nơi khác.

Ông Thuận cho biết, theo kế hoạch, khu C6 phải phá dỡ từ nhiều năm nay để xây dựng vườn hoa, nhưng do còn một số hộ chưa bố trí được chỗ ở mới cho nên vẫn giữ đến ngày nay. "Chúng tôi cũng chưa biết tìm cách gì để giúp những hộ gia đình này vì bệnh viện không có quỹ, nguồn kinh phí hàng năm vẫn dựa vào ngân sách nhà nước".

Theo VnExpress