Mấy ngày gần đây, dư luận nổi lên vụ cư dân Khu ngoại giao đoàn (phường Xuân Tảo - quận Bắc Từ Liêm - Hà Nội) phản đối việc điều chỉnh quy hoạch tại dự án này.
Một trong những kiến nghị được người dân tập hợp gửi đến Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) - chủ đầu tư Khu ngoại giao đoàn là việc mở thêm đường để tạo thuận lợi cho việc di chuyển của cư dân sinh sống tại khu đô thị này.
Khu Ngoại giao đoàn sẽ sớm mở lối thông sang đường Xuân La. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN |
Sau 7 năm điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu ngoại giao đoàn vào năm 2010, mới đây nhất, ngày 22/5/2017, UBND Thành phố Hà Nội quyết định tiếp tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu ngoại giao đoàn.
Theo đó, nhiều ô đất được điều chỉnh công năng, tăng mật độ xây dựng làm thay đổi cảnh quan khu đô thị như thiết kế dự kiến ban đầu.
Điều này khiến một số cư dân lo lắng vì mật độ xây dựng từ quy hoạch ban đầu là 20,5% nay được điều chỉnh tăng lên 40% sẽ đánh mất độ "vàng" lý tưởng của khu đô thị cận kề hồ Tây này.
Tuy nhiên, ông Lê Quang Huy - Giám đốc Ban quản lý dự án Khu ngoại giao đoàn giải thích, tỷ lệ này không phải là tăng diện tích chiếm đất của các công trình từ 20,5% lên 40% của toàn bộ dự án mà chỉ là điều chỉnh một số lô cụ thể.
Công trình CC2 có diện tích đất 9.550m2 được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt năm 2010 có các chỉ tiêu tầng cao trung bình 5 tầng và mật độ xây dựng là 20,5%. Trong lô đất CC2 gồm có công trình dịch vụ công cộng CC2 và các sân tenis.
Thế nhưng, tại thời điểm phê duyệt năm 2010, phần diện tích chiếm đất của sân tenis lại không tính vào phần mật độ xây dựng.
Đến nay, theo quy định mới, việc tính mật độ xây dựng buộc phải tính gộp cả sân tennis vào nên mới dẫn đến cách tính thành là tăng mật độ từ 20,5% lên 40%.
Cho dù vậy, các chỉ tiêu này vẫn đảm bảo không vượt chỉ tiêu quy hoạch phân khu chức năng H2-1 đã được UBND Thành phố phê duyệt năm 2015.
Trên cở sở phân khu này, chủ đầu tư chỉ đề xuất điều chỉnh một số chỉ tiêu về quy hoạch để phù hợp với phân khu chức năng H2-1 cũng như tăng thêm tính hiệu quả của dự án.
Ông Huy khẳng định, nguyên nhân tăng mật độ xây dựng là do chủ yếu là phải bổ sung cụm công trình sân tenis vào cách tính.
Hiện việc điều chỉnh này vẫn tuân thủ mọi quy trình, quy định pháp luật và đã được các sở, ban ngành, địa phương và thành phố thẩm tra, thẩm định, phê duyệt.
Mật độ xây dựng sau khi đã điều chỉnh vẫn hoàn toàn đảm bảo các chỉ số về quy hoạch theo quy định, không làm vượt hay phá vỡ quy hoạch như vẫn thường thấy ở một số dự án.
Cùng với những lo lắng về điều chỉnh quy hoạch, hiện tại cả khu đô thị này chỉ có duy nhất con đường Đỗ Nhuận dẫn ra đường Phạm Văn Đồng để đi vào thành phố - bà Cù Phương Dung cư dân tòa NO3-T8 phản ánh. Và đây cũng là nỗi lo lắng chung của khoảng 3.000 người đã chuyển về sinh sống tại khu đô thị này.
Trên thực tế, câu chuyện hoàn thiện hạ tầng là trách nhiệm của chủ đầu tư nhưng để kết nối với khu vực lân cận đôi lúc vẫn là bài toán khó mà chủ đầu tư không thể tự giải được nếu thiếu sự chung tay của chính quyền.
Từ câu chuyện của Khu ngoại giao đoàn có thể dẫn chứng nhiều dự án khác của Hà Nội cũng vậy. Dự án 536A Minh Khai là một ví dụ.
Dù nằm trong tuyến quy hoạch kết nối liền với Khu Times City bằng một trục đường thông thẳng ra phố Minh Khai và chủ đầu tư đã sẵn sàng hoàn thành đoạn đường được giao.
Thế nhưng, kết nối cuối cùng để thông đường vẫn thuộc trách nhiệm của thành phố. Việc giải tỏa làm đường lại liên quan đến giải phóng mặt bằng nên cũng khó đòi hỏi thực hiện ngay một sớm một chiều, nhất là còn liên liên quan đến việc di dời nhà máy Dệt Kim Đông Xuân ra khỏi khu vực liền kề ngay dự án.
Bởi vậy, việc các cư dân chuyển về sinh sống nhưng vẫn phải lưu thông qua ngõ nhỏ, chưa được hưởng đường rộng như quy hoạch hay vẫn phải sống chung cũng ống khói nhà máy dệt đang hoạt động là khó tránh khỏi.
Bàn về vấn đề kết nối khu đô thị với hạ tầng ngoài hàng rào, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định, đó là trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Ngay từ khi lập quy hoạch chung đã phải có kết nối hạ tầng, trong khu, giữa các tiểu khu, và với hạ tầng bên ngoài. Các chủ đầu tư liền kề không thể tự dàn xếp hay thỏa thuận lẫn nhau để tự kết nối mà phải thông qua điều phối của chính quyền.
Trách nhiệm của chủ đầu tư khi nhận đất là hoàn thiện hạ tầng đồng bộ trong chỉ giới đất được giao theo quy hoạch còn kết nối với xung quanh đó là nhiệm vụ của chính quyền và cần được giải quyết một cách thỏa đáng, hài hòa lợi ích giữa các bên.
Xét ở góc độ chủ đầu tư các dự án như trường hợp Hancorp lại càng muốn mở được nhiều tuyến đường thông thuận tiện bởi đây cũng chính là yếu tố góp phần gia tăng tính hấp dẫn cũng như giá trị của dự án - ông Nguyễn Trần Nam phân tích.
Còn về quy hoạch của Khu Ngoại giao đoàn, khi chính quyền có quyết định phê duyệt thì chủ đầu tư có trách nhiệm phải thực hiện dự án tuân thủ theo đúng quy hoạch, kể cả khi quy hoạch có sự điều chỉnh.
Các nhà đầu tư thứ cấp khi thực hiện cũng phải tôn trọng đúng quy hoạch mà chủ đầu tư sơ cấp được giao.
Còn Hancorp có trách nhiệm giám sát các chủ đầu tư thứ cấp thực hiện đúng các nội dung như kiến trúc, chiều cao công trình…
Như vậy, với Khu ngoại giao đoàn, Hancorp chỉ có trách nhiệm đấu nối hạ tầng đến đường Phạm Văn Đồng. Bởi theo quy hoạch, khi tuyến đường Phạm Văn Đồng hoàn thành thì trục lưu thông này hoàn toàn có thể đáp ứng giao thông thuận tiện.
Tuy nhiên, tuyến Phạm Văn Đồng đang trong quá trình thi công nên thường xuyên xảy ra ùn tắc. Cùng nằm trên tuyến, không chỉ cư dân Khu ngoại giao đoàn mà cả dự án phía đối diện là Khu đô thị Resco Cổ Nhuế cũng đang chung cảnh ngộ.
Đó là chưa kể hàng loạt các khu dân cư hay công sở dọc tuyến đường này cũng chịu chung ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Đỗ Quý - Phó Tổng giám đốc Hancorp cho hay, ngoài tuyến đường hiện hữu nối từ cổng chính của dự án ra đường Phạm Văn Đồng mà toàn bộ cư dân dự án đang sử dụng thì trong phạm vi dự án còn có tuyến đường 60m đã đầu tư xây dựng xong.
Tuy nhiên, việc thông tuyến này ra hướng đường Võ Chí Công theo nguyện vọng của cư dân còn phải phụ thuộc vào sự kết nối hạ tầng giữa dự án Ngoại giao đoàn và dự án Tây Hồ Tây. Trong chỉ giới dự án, Hancorp đã hoàn thành phần việc được giao.
Hiện chính quyền địa phương cũng đang tích cực thúc đẩy các giải pháp, thủ tục để sớm thông tuyến này - ông Quý chia sẻ.
Để giải quyết nhu cầu bức xức của cư dân khi phải lưu thông trên tuyến đường Phạm văn Đồng thường xuyên xảy ra ách tắc, ông Lê Quang Huy cho biết, dự án còn tuyến đường 30m (đường Đỗ Nhuận) kết nối với đường Xuân La.
Tuy nhiên hiện tuyến đường này còn khoảng 170m chưa giải phóng mặt bằng và đoạn này không nằm trong phạm vi dự án.
Hiện tại, vì lợi ích của cư dân, chủ đầu tư sẵn sàng chi ra hàng chục tỷ đồng để đầu tư xây dựng tuyến đường đó.
Hiện nay, chủ đầu tư đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương hoàn thiện các thủ tục để sớm khởi công tuyến đường này - ông Huy khẳng định.
Thêm một nỗ lực của chủ đầu tư cũng cần được ghi nhận là ngay từ cuối năm 2014, khi người dân còn chưa vào ở, Hancorp đã chủ động đầu tư xong khu công viên để tạo cảnh quanh và từ đó đến nay thường xuyên duy trì công tác chăm sóc.
Hiện tại, Hancorp vẫn phải bỏ kinh phí đầu tư, cắt tỉa, chăm sóc cây xanh cho toàn khu đô thị cũng như chi phí dọn vệ sinh, quét đường và bảo đảm an ninh trật tự mà chưa thu bất kỳ một khoản nào của cư dân để phục vụ công tác này – ông Huy chia sẻ thêm.
Đề cập đến hướng giải quyết các kiến nghị của dân nhằm tìm ra tiếng nói chung của chủ đầu tư và cư dân trong thời gian tới, ngày 12/10, Hancorp sẽ trực tiếp đối thoại, trao đổi, làm rõ thông tin liên quan tới dự án.
Buổi đối thoại sẽ có sự tham gia của chủ đầu tư, các đơn vị đầu tư thứ cấp và đặc biệt là đại diện chính quyền địa phương.
Theo đó các bên liên quan sẽ giải quyết và tiếp nhận các kiến nghị của cư dân theo hướng đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật.
DiaOcOnline.vn - Theo BNEWS/TTXVN