Khu Đông TPHCM kỳ vọng vào đường cao tốc

Cập nhật 06/01/2014 15:16

Việc khánh thành và đưa vào sử dụng một phần đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây được xem là sự kiện về giao thông có ý nghĩa lớn trong năm 2014 đối với việc phát triển kinh tế - xã hội nói chung và thị trường BĐS nói riêng. Các nhà đầu tư kỳ vọng tuyến đường này sẽ làm tiền đề cho BĐS khu Đông TPHCM và Đồng Nai tăng tốc.

Ông Mai Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam, chủ đầu tư dự án, cho biết việc đưa vào khai thác tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn Vành đai II đến Quốc lộ 51 (có chiều dài 20km trong tổng số 55km toàn dự án) sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian đi các vùng lân cận TPHCM.

Chẳng hạn, từ TPHCM - Long Thành dài khoảng 45km, thời gian lưu thông mất khoảng 60 phút, nay rút ngắn còn khoảng 22km với thời gian lưu thông khoảng 20 phút. Từ TPHCM - Vũng Tàu dài khoảng 120km, thời gian lưu thông mất hơn 2,5 giờ, nay còn khoảng 95km với thời gian lưu thông khoảng 1 giờ 20 phút.

Như vậy, tình trạng “độc đạo” trong kết nối TPHCM với Vũng Tàu hay các tỉnh Đông Nam bộ, Đà Lạt nay đã phá giải, người dân không còn một lựa chọn duy nhất là đi qua cầu Đồng Nai như trước kia. Điều này rất quan trọng, cửa ngõ ra vào TPHCM thông qua cầu Đồng Nai thường xuyên ùn tắc vào những ngày cuối tuần, lễ tết.

Ông Tuấn cho biết đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam từ TPHCM nối Quốc lộ 51, sân bay quốc tế Long Thành và Quốc lộ 1A. Dự án đi qua địa phận TPHCM và tỉnh Đồng Nai. Việc hoàn thành đưa vào khai thác tuyến đường sẽ góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, giảm thời gian, chi phí vận chuyển, đẩy mạnh giao thương giữa TPHCM và các vùng lân cận, phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong khu vực”.

Nhiều dự án đang kỳ vọng vào đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết khi tuyến đường này được đưa vào sử dụng sẽ tạo tiền đề vững chắc cho việc phát triển nhiều dự án quan trọng trên địa bàn tỉnh như sân bay quốc tế Long Thành, thành phố mới Nhơn Trạch…

Tuyến đường sẽ giúp hàng trăm ngàn công nhân, chuyên gia làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khu công nghiệp Nhơn Trạch 1, 2, 3 có thể đi về TPHCM hàng ngày mà không còn sợ kẹt xe, tạo tiền đề cho xu hướng giãn dân từ TPHCM.

Giới đầu tư kinh doanh BĐS cũng đón nhận thông tin thông xe tuyến đường nói trên với nhiều kỳ vọng lạc quan. Ông Lê Hùng, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư An Phú, cho biết một trong những nguyên lý để BĐS gia tăng giá trị là hạ tầng hoàn thiện, kết nối khu vực. Khu vực quận 2, quận 9 (TPHCM) cách đây gần 10 năm giá chỉ vài triệu đồng/m2, nhưng sau khi cầu, hầm Thủ Thiêm cũng như các trục giao thông được hoàn thành, hiện nay giá tăng lên gấp chục lần.

Do đó, nếu BĐS Đồng Nai tăng giá trong thời gian tới cũng không có gì lạ, còn tăng bao nhiêu phụ thuộc vào tình hình chung của nền kinh tế.

Hiện nay, tại khu vực Nhơn Trạch có hàng loạt dự án đã được triển khai đón đầu với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhiều tiện ích như dự án của CTCP Phúc Khang, Thăng Long… Các doanh nghiệp này kỳ vọng năm 2014 sẽ có bước đột phá về chất và giá BĐS tại các dự án này khi được kết nối thuận tiện hơn với TPHCM và các khu vực khác.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn đầu tư