Sống giữa Thủ đô mà nhiều hộ dân ở tổ dân phố Hoàng 8, phường Cổ Nhuế 1 vẫn phải chịu cảnh thiếu thốn đủ điều vì một dự án ách tắc do nguyên nhân khách quan đến hơn 10 năm.
Người dân đang mong chờ từng ngày dự án được triển khai
|
Nỗi niềm quy hoạch
Dự án Khu đô thị mới Cổ Nhuế được UBND TP. Hà Nội phê duyệt từ tháng 10/2004. Tháng 8/2006, UBND TP. Hà Nội ban hành quyết định thu hồi 112.768 m2 đất tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (nay là phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm) để thực hiện xây dựng Dự án Khu đô thị mới Cổ Nhuế.
Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 10 năm, dự án vẫn chưa được triển khai khiến cho cuộc sống của nhiều hộ dân tại tổ dân phố Hoàng 8, phường Cổ Nhuế 1 bị ảnh hưởng nặng nề. Chất lượng sống đi xuống nhưng người dân cũng không thể làm gì, chỉ biết đợi, đợi và… tiếp tục đợi trong tình cảnh “tiến thoái, lưỡng nan”.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Chu Văn Nhị, một người dân sống lâu năm tại khu vực này cho biết: “Quy hoạch đã nhiều năm nhưng rồi để đấy, người dân chúng tôi rất khổ khi sống giữa Thủ đô nhưng lại phải chịu cảnh không điện chiếu sáng, không số nhà, không nước sạch, cơ sở hạ tầng không được đầu tư và người dân thì không thể xây nhà vì thuộc diện quy hoạch. Các cấp chính quyền cần sớm trả lời cho người dân, bao giờ dự án mới được triển khai, mức giá đền bù ra sao… để chúng tôi yên tâm tìm chỗ định cư mới”.
Còn bà Đinh Thị Thanh bức xúc: “Tôi năm nay đã gần 80 tuổi, các con tôi cũng ngoài 50 tuổi. Gia đình chúng tôi có 3 hộ sống chung với nhau. Dự án bị treo hơn 10 năm khiến nhiều thế hệ trong gia đình phải sống trong cảnh chật chội, nhà cửa xuống cấp mà không dám xây. Trong khi đó, thửa đất mà gia đình tôi được cấp Giấy chứng nhận sử dụng là hơn 300 m2.
Tôi đề nghị đẩy nhanh việc thực hiện dự án. Nếu không làm thì sang năm tôi sẽ xây nhà chứ không thể sống như hiện tại thêm nữa. Khi đó, đề nghị các cơ quan chính quyền đừng đến phá dỡ hay cưỡng chế nhà tôi. Tôi có bệnh tim, lại lớn tuổi không thể đợi thêm được nữa”.
Trường hợp như bà Thanh không phải là hiếm khi nhiều gia đình có đến 3 - 4 thế hệ phải sống chung trong cảnh chật chội. Những căn nhà xuống cấp mà không thể cải tạo, các hộ dân này còn gặp khó khi điều kiện sống tối thiểu như nước sạch không có, điện chiếu sáng đường phố không có. Người dân phải tự khoan giếng để dùng, tự góp tiền để thực hiện một số hạng mục cấp bách phục vụ cuộc sống.
Một trong những vấn đề khiến nhiều hộ dân ở đây lo lắng là nước sinh hoạt. Do nằm trong vùng quy hoạch nên các cư dân tại đây đến nay chưa một ngày được dùng nước sạch thành phố. Người dân phải tự khoan giếng để lấy nước sử dụng. “Thứ nước ngập úng cộng với nước thải từ công trình vệ sinh, nước sinh hoạt thải ra, rác thải… cứ mỗi trận mưa xuống lại ngấm xuống nguồn nước ăn. Biết là vô cùng bẩn nhưng vẫn phải dùng vì không có lựa chọn nào khác”, một người dân cho biết.
Các phương án tạm cư
Ngày 28/11/2017, Ủy ban nhân dân phường Cổ Nhuế 1 đã tổ chức họp lấy ý kiến các hộ gia đình, cá nhân trong chỉ giới thu hồi đất tại các ô quy hoạch TT1, CX, CQ2, HH và hè đường sau khu CT3 để tiếp tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị Cổ Nhuế.
Trong cuộc họp, các cư dân tại đây được lựa chọn 2 phương án. Phương án 1, chỉnh trang 20 hộ có đất ở khu TT1, diện tích giải phóng mặt bằng là 2.603 m2, diện tích chỉnh trang là 2.431 m2, diện tích đất nông nghiệp đã giải phóng mặt bằng là 1.570 m2 trong khu TT1 thiết kế được 34 ô đất tái định cư với diện tích bình quân 46 m2/ô. Phương án tạm cư được đưa ra là sau khi các hộ dân nhận tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng thì các hộ dân vẫn tạm cư tại chỗ, sau khi nhận đất tái định cư và các hộ dân xây xong nhà thì chuyển sang chỗ ở mới và bàn giao mặt bằng để triển khai dự án.
Phương án 2, giải phóng mặt bằng cả 20 hộ có đất ở khu TT1, diện tích giải phóng mặt bằng là 5.034 m2, diện tích bố trí tái định cư tại chỗ là 4.081 m2 trong khu TT1. Phương án tạm cư như phương án 1.
Trao đổi với phóng viên Đầu tư Bất động sản, ông Hoàng Minh Đức, Phó Ban giải phóng mặt bằng quận Bắc Từ Liêm cho biết: “Chúng tôi sẽ báo cáo kết quả họp và Thành phố sẽ quyết định phương án cuối cùng. Việc xác định giá đất cụ thể phải báo cáo lên Thành phố để điều chỉnh cho sát thực tế.
Trong trường hợp Thành phố cho chỉnh trang thì không phải giải phóng mặt bằng nữa. Còn trong trường hợp phải giải tỏa thì chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị để phổ biến về mặt chính sách liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng”.
Ngoài 2 phương án trên, theo ghi nhận của phóng viên, một số hộ dân có nguyện vọng giữ nguyên hiện trạng, đồng thời tiến hành chỉnh trang lại khu dân cư. Lý do các hộ dân đưa ra là tránh sự xáo trộn. Mặt khác, nếu giải phóng mặt bằng sẽ khó có thể đạt được sự đồng thuận của tất cả cư dân nếu giá đền bù không thỏa đáng, dẫn đến tình trạng trì trệ kéo dài.
Người dân phải sống trong những căn hộ xuống cấp mà không thể cải tạo, sửa chữa |
Được biết, đây cũng là phương án mà phía chủ đầu tư mong muốn thực hiện. Chủ đầu tư Dự án Khu đô thị mới Cổ Nhuế từng nhiều lần có văn bản đề nghị Thành phố cho phép điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị mới Cổ Nhuế theo hướng giữ nguyên hiện trạng. Tuy nhiên, quận Bắc Từ Liêm và Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội vẫn yêu cầu chủ đầu tư phải tiến hành giải phóng mặt bằng theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời khẩn trương hoàn thành dự án để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Sau cuộc họp cư dân lần này, các đề xuất, kiến nghị sẽ được gửi lên UBND TP. Hà Nội. Quyết định cuối cùng về phương án sẽ được đưa ra trong thời gian tới. Nhưng như nhiều người dân phản ánh, cần thiết nhất lúc này chính là sự vào cuộc một cách quyết liệt của các ban, ngành, cơ quan chức năng, vì trường hợp ở Cổ Nhuế 1 khá đặc biệt khi không có mâu thuẫn giữa người dân - chính quyền địa phương, người dân - chủ đầu tư. Các bên đều khá thống nhất đề xuất phương án giữ nguyên trạng và chỉnh trang lại khu dân cư.
“Người dân ở Cổ Nhuế 1 đều đồng tình với chủ trương chung để kiến thiết thành phố và chúng tôi không đáng để phải tiếp tục chờ đợi lâu thêm nữa”, một người dân cho biết.
Ông Hoàng Minh Đức - Phó Ban giải phóng mặt bằng quận Bắc Từ Liêm
Với dự án này, Thành phố bố trí tái định cư bằng đất với các hộ gia đình, cá nhân tại lô đất TT1. Các hộ dân có đất đủ điều kiện bồi thường (đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện nhưng chưa được cấp) sẽ được bồi thường bằng đất.
Diện tích đất bồi thường bằng đúng diện tích đất thu hồi đủ điều kiện bồi thường. Tuy nhiên, phần diện tích không được vượt quá hạn mức công nhận đất ở trên địa bàn quận, ở Nam Từ Liêm là không quá 90 m2/hộ gia đình và không nhỏ hơn diện tích đất giao tối thiểu trên địa bàn, ở đây là không dưới 30 m2/hộ.
Thu hồi 25 m2 sẽ được bồi thường 30 m2, thu hồi 200 m2 được bồi thường 90 m2. Đất thu hồi thực tế nhỏ hơn diện tích bồi thường bằng đất ở được xử lý tài chính bằng việc nhân với hệ số k = 1,3. Chẳng hạn, thu hồi 25 m2, được giao 30 m2 thì 25 m2 nộp tiền theo giá quy định của Thành phố, 5 m2 còn lại lấy giá quy định x k.
Trường hợp thu hồi vượt quá 90 m2 được thu hồi bằng đất, sẽ được bồi thường bằng tiền. Chủ hộ nếu có nhiều thế hệ, nhiều nhân khẩu, nhiều cặp vợ chồng (từ 7 nhân khẩu trở lên) sẽ được tách khẩu theo Luật Cư trú. Ngoài việc được bồi thường theo diện tích 90 m2 sẽ được xem xét bán thêm 1 suất tái định cư tối thiểu là 30 m2.
Trường hợp chủ hộ đang có hộ khẩu thường trú và có nhà ở đất ở trên địa bàn Cổ Nhuế 1 thì sẽ không được xem xét bằng hình thức bồi thường bằng đất mà chỉ được bồi thường bằng tiền.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản