Khu đô thị "kéo" giá đất ngoại thành tăng

Cập nhật 07/11/2008 10:00

Trong khi thị trường bất động sản nhiều nơi khá ảm đạm thì ở huyện Hóc Môn và Củ Chi (TP HCM), giá đất vẫn tăng nhẹ (khoảng 500.000 đến 1 triệu đồng một m2) và có nhiều giao dịch thành công.

Theo các nhà môi giới ở khu vực này, giá đất tăng là do “ăn theo” Khu đô thị Tây Bắc. Khu đô thị rộng 6.000 ha này đã được triển khai một số dự án như Dự án Khu công nghiệp Tân Phú Trung, Khu đại học quốc tế và Cụm dân cư xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, Trường đại học Y dược, Nhà máy nước Kênh Đông, Khu nuôi trồng thủy sản và các khu dân cư...

Thị trường địa ốc sôi động nhất là ở xã Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn), nơi có dự án Khu đô thị Đại học quốc tế Berjaya (925 ha) và Khu đô thị An Phú Hưng (650 ha).

Theo bà Trần Thanh Thúy, Giám đốc Công ty TNHH Nhung Khoa, giá đất ở đây đang tăng, nhưng còn khá rẻ so với những khu vực gần trung tâm TP HCM. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng, điều kiện kinh tế - xã hội tại khu vực này đã được cải thiện nhiều.

“Chỉ vài năm nữa, khi Khu đô thị Tây Bắc hoàn thành, giá đất sẽ tăng vùn vụt. Đón đầu xu hướng này, những nhà đầu tư trường vốn ở khắp nơi đổ về đây mua đất để làm dự án, hoặc xí phần chờ giá đất lên rồi bán kiếm lời”, bà Thúy phân tích.

Công ty Nhung Khoa hiện là chủ nhân của khu đất rộng hàng chục ha tại ấp Bàu Tre, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi. Trước đây, khu vực này là đất ruộng. Sau khi mua, bà Thúy xin chuyển công năng sang đất thổ cư. Công ty đã xây dựng xong cơ sở hạ tầng (điện, nước, đường giao thông nội bộ…). Chỉ trong khoảng ba tháng, Nhung Khoa đã bán hết đất nền dự án.

Mới đây, ở khu vực trên, Công ty Khang Phú (TP HCM) đã mua hơn 6 ha, tiếp đó một trường đại học khác mua gần ba ha để mở cơ sở đào tạo. Anh Nguyễn Minh Nam, một nhà đầu tư ở TP HCM vừa mua khu đất rộng gần 1 ha ở xã Tân An Hội để làm nhà hàng.

Theo anh Nam, nơi đây gần thị trấn Củ Chi, nếu sau này Khu đô thị Tây Bắc hoàn thành thì việc kinh doanh nhà hàng tại khu vực này sẽ rất thuận lợi. “Ngoài ra, sở dĩ đất ở đây vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng là do nhiều công ty địa ốc, nhà đầu tư đổ về gom đất ruộng, sau đó xin chuyển công năng, rồi phân lô bán nền”, anh Nam nói.

Theo thống kê của Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Củ Chi, từ đầu năm đến nay, số lượng hồ sơ xin chuyển công năng đất, sang nhượng đất không hề giảm so với năm 2007.

DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt