Mới đây, thông tin UBND TP.HCM ban hành nhiệm vụ về thiết kế quy hoạch tổng thể Khu đô thị công nghiệp Cảng Hiệp Phước, làm cơ sở cho cuộc thi thiết kế khu đô thị này.
Công ty CP Tân Thuận chuẩn bị ra mắt Công ty CP Đô thị cảng, ngay lập tức được giới chứng khoán và những người có tiềm lực tài chính nắm bắt như một cơ hội hiếm có.
Và với 100% diện tích nằm trong diện quy hoạch, xã Hiệp Phước những ngày qua đã không còn “yên tĩnh”, bởi mỗi ngày có đến hàng chục người từ nơi khác đến ráo riết săn lùng mua đất, nhằm đón đầu cơ hội được quyền mua cổ phiếu.
Biến nông dân thành cổ đông
Khu đô thị công nghiệp Cảng Hiệp Phước, một đô thị cảng hiện đại sẽ thay thế Cảng Sài Gòn trong tương lai, được đánh giá có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội không chỉ đối với TP.HCM, mà còn cả khu vực phía Nam. Vị trí chiến lược mà TP.HCM chọn để xây dựng Khu đô thị là xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Song, để xây dựng Hiệp Phước thành một khu đô thị cảng có tầm vóc quy mô trong tương lai, Thành phố phải xử lý nhiều vấn đề trở ngại trước mắt, trong đó nổi cộm là làm thế nào để đẩy nhanh công tác giải tỏa đền bù với diện tích đất lên đến hơn 3.600 ha, với hơn 17.000 hộ dân của riêng xã Hiệp Phước bị di dời và số tiền bồi thường giải tỏa lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Cách đây gần 2 năm, tại Đại hội Đảng bộ TP.HCM, ông Vũ Văn Hòa, Trưởng Ban quản lý các KCX – KCN TP.HCM đã đưa ra giải pháp nhằm giải quyết những băn khoăn trên. Đó là dùng phương án vận động người dân trong vùng quy hoạch góp vốn vào Dự án Khu đô thị công nghiệp Cảng Hiệp Phước bằng chính giá trị quyền sử dụng đất của mình. Ý tưởng này đã được các ban, ngành, đoàn thể TP.HCM hưởng ứng và xem như một bước đột phá mới. UBND TP.HCM cũng chấp thuận và giao Công ty CP Tân Thuận làm chủ đầu tư, triển khai ý tưởng trên.
Theo ông Vũ Văn Hòa, một khi ý tưởng kêu gọi người dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất được triển khai, lợi ích có thể nhìn thấy ngay là sau khi đền bù giải tỏa, không những đời sống được cải thiện (do có chỗ ở trong khu định cư), người dân còn được nhận lợi tức hằng năm bằng cổ tức mà không phải canh tác, nên có thời gian để học tập, chuyển nghề, nhất là những người trong độ tuổi thanh niên.
Điều quan trọng hơn, theo ông Hòa, cổ phiếu sẽ tăng giá do giá trị đất tăng lên khi được đầu tư cơ sở hạ tầng và do công ty kinh doanh hạ tầng có lãi. Đây là biện pháp giúp nông dân sử dụng số tiền đền bù một cách hiệu quả nhất.
Trường hợp nông dân không mua cổ phiếu (tức không muốn góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất), mà muốn nhận tiền đền bù để làm việc khác hoặc gửi ngân hàng, thì công ty cổ phần khai thác hạ tầng sẽ bán cổ phiếu này ra thị trường để thu tiền trả cho người đó.
Nông dân ồ ạt bán đất
Trong khi Viện Kinh tế TP.HCM còn đang nghiên cứu thành lập Đề án Công ty CP Đô thị cảng để trình UBND TP.HCM xem xét, thì cảnh mua, bán đất tại xã Hiệp Phước đang diễn ra rất sôi động.
Trong vai người đi mua đất, chúng tôi đến xã Hiệp Phước, vừa bước vào một quán nước ven đường Nguyễn Văn Tạo (thuộc ấp 1), hỏi thăm chị bán nước có biết ai bán đất không, thì lập tức chị lấy điện thoại ra gọi cho ai đó và chỉ sau vài phút một người đàn ông xuất hiện. Người này tên là Hai Chút. Biết chúng tôi muốn mua đất, Hai Chút lấy điện thoại ra gọi, sau đó thông tin: “Hiện có 3 miếng đất đang cần bán: một miếng 2.000 m2, giá 90.000 đồng/m2; một miếng 7.000 m2, giá 120.000 đồng/m2 và một miếng 3.000 m2, giá 150.000 đồng/m2. Nếu muốn mua, tôi dẫn đi xem”.
Toàn bộ những lô đất trên được giới thiệu là đất nông nghiệp, đang được người dân sử dụng làm hồ nuôi tôm hoặc nuôi nghêu. “Khung giá đất nông nghiệp ở đây được Nhà nước quy định chỉ bồi thường 82.000 đồng/m2, nhưng sao bán đắt vậy?”, chúng tôi thắc mắc. Hai Chút phản bác: “Không mắc đâu! Nếu anh không mua nhanh, ít nữa không có hàng mà mua đâu. Thành phố đang chuẩn bị ban hành khung giá đất mới, sắp tới, giá bồi thường có thể cao hơn nhiều. Mặc khác, nếu anh mua đất lúc này, đương nhiên sau này anh sẽ được kế thừa quyền góp đất đổi lấy cổ phiếu ưu đãi”.
Dẫn chúng tôi đến một con đường hẹp giáp mé sông thuộc ấp 4, đưa tay chỉ mảnh đất có diện tích 2.000 m2, Hai Chút nói: “Đây là đất của anh Tư. Gia đình anh Tư đã nhiều đời sống ở đây bằng nghề nông. Nhưng gần đây nghe Nhà nước sắp thu hồi đất và sẽ đổi bằng cổ phiếu, ông Tư không thích, nên muốn bán để sang Long An mua đất tiếp tục làm nghề nông”. Hai Chút cho biết thêm, hiện ở đây còn nhiều gia đình giống anh Tư, muốn bán đất để lấy tiền sang Long An mua ruộng.
Theo anh Hai Chút, cách đây mấy ngày, có 3 người đi ô tô đến Hiệp Phước mua gần 20.000 m2 ở ấp 4, với giá lên đến 140.000 đồng/m2, bởi vị trí này được dự đoán sẽ xây dựng sân golf.
Nói về tình hình nông dân bán đất, ông Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Hiệp Phước lo lắng: “Cứ đà này, đến khi có quy hoạch chính thức, nông dân địa phương không còn đất để góp”. Theo ông Trường, thời gian qua, ngày nào ông cũng phải ký hàng chục hồ sơ chuyển nhượng đất. Chỉ tính riêng trong tháng 7/2007, đã có hơn 150 hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, với diện tích chuyển nhượng lên đến hàng trăm ngàn mét vuông.
Số lượng hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày càng gia tăng. Trả lời câu hỏi đất đang được quy hoạch làm sao có thể chuyển nhượng, ông Trường cho biết, do Thành phố vẫn chưa có quyết định thu hồi đất, nên không thể cấm nông dân chuyển nhượng. Cũng theo ông Trường, phần lớn những người về đây mua đất là ở các quận nội thành TP.HCM, trong đó có nhiều người là dân chứng khoán với mục đích mua đất để đón đầu cơ hội góp đất, lấy cổ phiếu.
Khoảng cách giữa ý tưởng và thực tế
Đến thời điểm này, chưa ai rõ, ý tưởng kêu gọi người nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất cụ thể sẽ được triển khai ra sao, nhưng vẫn hy vọng giải pháp đó sẽ giải quyết căn cơ đời sống người nông dân sau giải tỏa, một vấn đề còn đang khó khăn với Thành phố. Song qua tìm hiểu của chúng tôi, nhiều người dân ở xã Hiệp Phước hầu như chưa mặn mà với chủ trương trên.
Anh Văn Thành (nhà ở ấp 1) cho biết, rất nhiều lần gia đình anh được mời họp để nghe phổ biến về việc giao đất cho người khác để lấy cổ phiếu. Sau khi bàn bạc, gia đình anh quyết định sẽ dùng tiền bồi thường để sang địa phương khác mua đất.
“Đành rằng, chủ trương đổi đất lấy cổ phiếu là thiết thực, có lợi cho người dân, nhưng khổ nỗi người dân lại không nghĩ như vậy. Nói đến xã Hiệp Phước, là nói đến xã vùng sâu, vùng xa nhất của TP.HCM, chủ yếu sống bằng nghề nông”, ông Trường than phiền và cho biết, ngay từ khi triển khai ý tưởng, chủ đầu tư đã hình thành bộ phận tiếp thị vận động người dân tham gia góp vốn. “Chính quyền địa phương cũng được giao nhiệm vụ tổ chức nhiều cuộc họp, nhằm phổ biến chủ trương này đến người dân, song chỉ có khoảng 30% người dân quan tâm”, ông Trường nói.
Một vấn đề mà ông Trường tỏ ra lo lắng nữa là hiện nay, đất ở xã Hiệp Phước được dân chứng khoán “săn” với giá cao gấp 3 lần năm 2006, khiến người nông dân đang đua nhau bán đất như một phong trào và chính quyền sở tại rất khó ngăn cản. Có nhiều trường hợp sau khi bán đất xong, họ không dùng tiền để đầu tư làm ăn, mà lại tiêu xài phung phí… “Cứ đà này, đến khi Nhà nước chính thức có công ty góp vốn, e rằng người dân địa phương cũng không còn đất để góp”, ông Trường buồn rầu.