Khu công nghiệp: hỗ trợ và chờ đợi

Cập nhật 03/10/2009 15:30

Một góc khu công nghiệp Việt Nam - Singapore. Ảnh: Lê Toàn.

Các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX)… đang gặp rất nhiều khó khăn do suy giảm kinh tế. Và các nhà quản lý KCN đang phải áp dụng nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho cả hai phía.

Rút lui và trì hoãn

Năm 2009, Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM (Hepza) đặt chỉ tiêu thu hút vốn đầu tư vào các KCN, KCX của thành phố khoảng 681 triệu đô la Mỹ, bằng với năm 2008. Đến nay, sau tám tháng thực hiện, theo một đại diện của Hepza, chỉ cần đạt xấp xỉ chỉ tiêu này đã là thành công, nói gì đến vượt chỉ tiêu. Hiện nay dù tỷ lệ lấp đầy tại các KCN, KCX ở mức cao, tuy nhiên vì nhiều lý do, các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp mới đầu tư, luôn trì hoãn việc triển khai hoạt động, có doanh nghiệp còn rút lui, vị đại diện này cho biết.

Trong 15 năm qua, Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC), quận 12, TPHCM, được xem như một kiểu mẫu ở TPHCM và cả nước trong việc thu hút doanh nghiệp đến hoạt động. Số doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại QTSC tăng từng năm cả về chất lẫn lượng. Tuy nhiên, theo ông Chu Tiến Dũng, Giám đốc QTSC, trong hai năm qua, nhất là năm 2009, mức tăng đã chậm đi do khủng hoảng tác động mạnh.

Ông Dũng cho biết từ đầu năm đến nay, có 11 doanh nghiệp ngừng hoạt động, bằng cả năm 2008. Hiện QTSC còn khoảng 102 doanh nghiệp hoạt động. “Số đăng ký mới hiện nay cũng chỉ là 10 doanh nghiệp, giảm hơn nhiều so với năm ngoái trong khi các doanh nghiệp mở rộng hoạt động rất ít, thậm chí có những doanh nghiệp thu hẹp phạm vi hoạt động”, ông nói. Theo ông Dũng, ảnh hưởng nặng nhất là các doanh nghiệp Nhật hoặc doanh nghiệp có liên quan đến thị trường Nhật.

Giải thích cho tình trạng này, ông Dũng cho biết ngoài lý do thường thấy là các doanh nghiệp phần mềm hoạt động dưới năm năm thường có những thay đổi thì khủng hoảng làm cho những thay đổi này xảy ra trầm trọng hơn. Ông dự đoán tình hình trong khu công nghiệp của ông năm 2009 sẽ khó hơn nhiều so với năm 2008 “vì dù sao năm ngoái còn nhờ năm 2007 sôi động vớt vát qua”.

Các KCN ở các tỉnh cũng nằm trong tình cảnh tương tự, thậm chí còn tệ hơn. Ông Hàng Vay Chi, Tổng giám đốc Công ty Việt Hương, chủ đầu tư KCN Việt Hương 1 và Việt Hương 2 tại huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, cho biết từ giữa năm 2008 đến nay, việc thu hút đầu tư cũng như triển khai hoạt động tại hai KCN này giảm đến 50%. Nếu Việt Hương 1 rộng 47 héc ta đã được lấp đầy từ lâu với 52 doanh nghiệp thì tình hình khó khăn nằm ở Việt Hương 2 rộng 250 héc ta ở ngay bên cạnh, hiện chỉ có hơn 30 doanh nghiệp đăng ký thuê đất và nhà xưởng kinh doanh.

“Các KCN chủ yếu thu hút các doanh nghiệp sản xuất trong ngành công nghiệp chvà một khi ngành này đi xuống thì tình hình kinh doanh cũng đi xuống”, ông Chi nói. Ông cho biết hơn 10 doanh nghiệp trong KCN Việt Hương 2 hiện đã hoàn tất mọi thủ tục nhưng chưa thể đi vào hoạt động vì những nguyên nhân khác nhau, trong đó có vấn đề không đủ công nhân làm việc.

Trong khi đó, KCN Việt Nam-Singapore (VSIP) I và II, được đánh giá là hoạt động rất tốt trong thời gian qua, cũng có những khó khăn nhất định. Ông Nguyễn Chí Tòan, trợ lý giám đốc tiếp thị của Công ty liên doanh đầu tư và phát triển KCN Việt Nam-Singapore, cho biết trong thời gian qua, công ty chỉ tiếp đón khoảng 20 đoàn khách, giảm phân nửa so với thời gian trước khi xảy ra khủng hoảng. “Khi nhà đầu tư ký thư bảo đảm thì họ đặt cọc 10%, nhưng trong thời kỳ kinh tế khó khăn, họ xin gia hạn thêm một năm hay hai năm trước khi tiếp tục làm những thủ tục tiếp theo”, ông Tòan nói. Ông cho biết thời gian qua có 15% dự án đã ký kết xin gia hạn, trong đó có một trường hợp khách hàng hủy bỏ luôn dự án dù đã ký thư bảo đảm.

Hỗ trợ và chờ đợi

Ông Tòan cho biết để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, công ty đã có những biện pháp hỗ trợ, nhất là trong vấn đề lệ phí, để tránh tối đa khó khăn cho cả hai phía. Chẳng hạn công ty cho khách hàng thanh toán tiền thuê đất theo bốn giai đoạn (ký thư bảo đảm, cấp phép, hợp đồng chính thức và bàn giao đất) và có thể kéo dài trong một năm. Hoặc tùy trường hợp, công ty có thể cho khách hàng trì hoãn đóng phí dịch vụ trong vòng 3-6 tháng đối với các doanh nghiệp mới hoạt động.

Ông Chi cho biết từ khi KCN Việt Hương chính thức hoạt động đến nay, không có chuyện doanh nghiệp chây ỳ, nợ phí thuê đất và cơ sở hạ tầng. “Với cơ sở rộng 10.000 mét vuông, một năm chỉ đóng tiền thuê đất 1.500 đô la Mỹ thì các doanh nghiệp nợ làm gì”, ông nói. “Tuy nhiên, chúng tôi cũng hiểu rằng trong tình hình khó khăn này, việc kéo dài là khó tránh. Do vậy, chúng tôi gia hạn thời gian trả nợ tối đa là hai năm cho những khách hàng gặp khó khăn”.

Bên cạnh đó, Công ty Việt Hương cũng đang cố gắng giúp đỡ các doanh nghiệp trong KCN giải quyết một số khó khăn, trong đó có việc tuyển công nhân. Hiện nhiều tỉnh đã mở KCN, KCX, nhiều công nhân đã quay trở lại quê để được làm gần nhà, tiết kiệm chi phí ăn ở.

“Chúng tôi đang triển khai một số hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, giúp họ giảm bớt chi phí và nâng cao chất lượng giao dịch khách hàng”, ông Dũng ở QTSC cho biết. Theo đó, QTSC miễn phí sử dụng văn phòng và phí dịch vụ trong 3-4 tháng đầu, tăng thêm băng thông và đường truyền Internet, hỗ trợ từng thời điểm cho những ai nợ các khoản phí…

Tuy không thể đưa ra những đánh giá chính xác về hiệu quả của những hỗ trợ trên đem lại cho tình hình hoạt động tại các KCN, nhưng những người quản lý đều cho rằng nếu không kịp thời chia sẻ cùng doanh nghiệp, trong thời gian dài, thì tình hình nhiều khi còn tệ hại hơn.

Ông Dũng cho biết QTSC đang tính đến việc cải thiện và đầu tư các dịch vụ cộng thêm như giải khát, ăn uống, thể dục thể thao, nhà hàng và khu mua sắm vì đây là xu hướng tất yếu sắp tới.


DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG