Chiến lược phát triển của Thủ đô Hà Nội trong tương lai gắn liền với hai quyết sách: phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch đô thị, đều đã được Chính Phủ thông qua. Điều này đồng nghĩa đã mở ra những cơ hội lớn cho các nhà đầu tư. Bây giờ, sẽ không còn chuyện "đón đầu”, "tâm lý bày đàn” hay xu thế số đông... mà những nguồn đâu tư đã biết tìm tới đâu để cho hiệu quả cao nhất.
Đầu tư bất động sản song hành cùng quy hoạch
Theo quy hoạch, Thủ đô Hà Nội sẽ phát triển theo hướng chùm đô thị, bao gồm đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Ngoài ra, Hà Nội sẽ có các trục giao thông gồm các đường cao tốc hướng tâm, các tuyến vành đai 1, 2, 3, 4 và 5, các tuyến đường liên đô thị vệ tinh, tuyến đường liên thành phố, đặc biệt trục Hồ Tây – Bà Vì cũng được tính tới trong tổng thể phát triển từ nay tới năm 2050.
Hà Nội cũng có thêm 8 cây cầu mới bắc qua sông Hồng, xây dựng và hoàn thiện 2 cầu qua sông Đuống và xây thêm 2 cầu mới qua sông Đà. Đáng chú ý, quyết định phê duyệt quy hoạch đặc biệt trú trọng vào việc phát triển đô thị hai bên sông Hồng, với các trùm đô thi hiện đại, kết hợp với trục vành đai xanh. Song song đó là việc cải tạo chung cư, phát triển đô thị phía Đông vành đai 4, đô thị tại Đông Anh, các trục giao thông hướng tâm như Nhật Tân – Nội Bài, Tây Thăng Long, Đỗ Xá – Quan Sơn, các dự án giao thông công cộng, các dự án cơ sở hạ tầng về điện, cấp, thoát nước, giao thông tĩnh... sẽ được đầu tư ưu tiên.
Rõ ràng, đây thực sự là cơ hội vàng của các nhà đầu tư bất động sản khi tổng thể quy hoạch sẽ tính tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn các dự án lớn, vừa và nhỏ đã, đang và sẽ hình thành. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn, trong lễ công bố quy hoạch, đã khẳng định, việc thông qua đồ án sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản. Người dân sẽ bám theo quy hoạch "thực” để đầu tư, thay vì "chạy theo quy hoạch ảo” như trong thời gian vừa qua.
"Khi mọi thứ đã bày ra trước mắt, sẽ làm cho chủ đầu tư lẫn khách hàng đều yên tâm vào khu vực đầu tư. Những nhà đầu tư bất động sản có thực lực sẽ tồn tại, đồng nghĩa sẽ dần loại bỏ những nhà đầu tư chỉ tát nước theo mưa, manh mún”, ông Toàn nói.
Như vậy, đây chính là lúc để các nhà đầu tư phải đặt ra những dự tính dài hạn cho lĩnh vực đầu tư, cũng như vùng đầu tư vì thời hạn gần 40 năm, hoặc có thể lâu hơn nữa sẽ "đánh” thẳng vào khả năng tài chính của họ. Một chuyên gia kinh tế đánh giá, bây giờ sẽ không còn câu hỏi đầu tư vào đâu, mà sẽ là câu hỏi tìm nguồn vốn như thế nào. Với quy hoạch trên, xu thế tập đoàn bất động sản, và liên minh tư nhân thành tập đoàn sẽ hình thành trong thời gian tới.
Sự lên ngôi của các tập đoàn kinh tế?
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết, Chính phủ vẫn sẽ chủ trương thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt và giữ tăng trưởng tín dụng ở mức không quá 20%, đồng thời kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản ở mức thấp. Theo đó, các ngân hàng sẽ xem xét đến những dự án có tính khả thi cao để được cân nhắc cho vay.
Thông điệp này cho thấy, nguồn vốn cho thị trường bất động sản sẽ không mấy khởi sắc, ít nhất trong thời điểm này. Chính vì vậy, các nhà đầu tư vừa và nhỏ, sẽ khó có thể tiếp cận các khoản vay, đối với những dự án lớn. Đây chính là cơ hội cho các tập đoàn kinh tế nhà nước, tư nhân thỏa sức vào cuộc, với nguồn vốn huy động trong và ngoài nước, bên cạnh nguồn vốn của thành phố.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Đặng Hùng Võ đánh giá, quy hoạch Thủ đô có nêu mức tài chính đô thị có thể khả thi, trong đó một phần từ nguồn ngân sách nhà nước, các nguồn vốn nước ngoài, một phần từ nhà đầu tư, người dân và đặc biệt là phải xã hội hóa. Nhưng "xã hội hóa” không đồng nghĩa với việc trao toàn bộ"đặc quyền” cho một nhóm đối tượng (là các tập đoàn kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, mà không xem xét ký lưỡng tới nguồn vốn, năng lực ...
Xin nhắc lại câu chuyện hầm vượt qua sông Hồng là một ví dụ về việc đổi đất lấy dự án được nhắc tới thời gian vừa qua. Liệu sẽ có bao nhiêu lời "đề nghị” xây dựng và hoàn thành dự án, song đổi lại là những dự án "phẩy” có lợi cho chủ đầu tư? Nên nhớ, sự lũng đoạn của tập đoàn kinh tế nhà nước và tư nhân ở Hàn Quốc, Hong Kong, Nhật Bản trong thập niên 90 cuối thế kỷ trước, và những trả giá sau đó, là bài học cho Việt Nam, khi xu thế "xã hội hóa”, thực chất là "chính quyền hóa” đang trở thành "siêu quyền lực” trong các hoạt động kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản. Ngăn cách giàu – nghèo một phần cũng từ nguyên nhân ấy.