Sống cảnh tạm bợ, nhà cửa xập xệ, thiếu thốn đủ bề… là thực trạng dai dẳng mà nhiều người dân ở những khu vực bị quy hoạch “treo” đang phải đối mặt ngày này qua ngày khác…
Tại kỳ họp chuyên đề về quy hoạch đô thị của HĐND TP. Hồ Chí Minh khóa VIII vừa qua, lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh đã “xin nghiêm túc tiếp thu”, nhận khuyết điểm, trách nhiệm vì đã để xảy ra những vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và cam kết sẽ rà soát toàn bộ dự án “treo”… Người dân sẽ thêm một lần được… hứa?
Ngán ngẩm phận dân quy hoạch “treo”
Tại kỳ họp chuyên đề “Công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị” này, theo báo cáo của Sở Quy hoạch – Kiến trúc (QH-KT) TP. Hồ Chí Minh, tính đến ngày 10/9/2012, TP. Hồ Chí Minh có gần 30 khu quy hoạch “treo”.
Điển hình là khu đô thị sinh thái Bình Quới – Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh) với diện tích 450ha, được Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hồ Chí Minh phê duyệt từ năm 1992 nhưng “giậm chân tại chỗ” từ đó đến nay.
Khu vực nhà “ổ chuột” ngay sát cây cầu nhỏ bắc ngang con kênh nước đen từ đường Nguyễn Xuân Ôn qua đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, nằm trong quy hoạch treo |
Hay tại ấp Doi (khu phố 8, phường 15, quận Gò Vấp) được quy hoạch từ năm 1998 với diện tích hơn 40ha làm “khu cây xanh”, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn “trắng toát”; hồ sinh thái Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) đã được quy hoạch 14 năm, nhưng đến nay vẫn “treo”; khu đô thị Thanh niên Văn Thánh tại các phường 17, 19, 22, quận Bình Thạnh từ năm 1992 vẫn chưa có “sản phẩm”…
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh Đào Anh Kiệt, nguyên nhân dẫn tới tình trạng “treo” các dự án, là do một số chủ đầu tư không có năng lực vốn, năng lực về quản lý điều hành dự án, chỉ tham gia đầu tư theo phong trào nên dẫn đến dự án chậm hoặc không triển khai.
Thậm chí, có doanh nghiệp chỉ lập thủ tục để được thu hồi – giao đất nhưng không triển khai đầu tư mà sau đó tìm cách chuyển nhượng dự án nhằm hưởng chênh lệch…
Trong khi đó, nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc tràn lan các dự án “treo” như hiện nay có nguyên nhân do chưa đảm bảo được sự hài hòa lợi ích giữa người dân – chính quyền và nhà đầu tư. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng chưa có kế hoạch sử dụng đất rõ ràng và quá trình lập quy hoạch chưa tính được tính khả thi…
Tuy vậy, có đi thực tế đến một số khu dân cư nằm trong các dự án quy hoạch “treo” mới thấy được rằng dù là nguyên nhân gì đi nữa thì hằng ngày hằng giờ người dân vẫn phải sống trong tình cảnh nơm nớp, tạm bợ, khó khăn thiếu thốn đủ bề, muốn đi không được, ở cũng không xong…
Ông L.V. Đảo ở phường 28, quận Bình Thạnh có nhà ngay sát bờ sông Sài Gòn nằm trong dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa (với 450ha, được xem là khu dân cư quy hoạch “treo” lâu nhất TP. Hồ Chí Minh với thâm niên hơn 20 năm và ảnh hưởng đến hơn 4.000 hộ dân) chán ngán cho biết:
“Nhà tôi ở đây từ năm 1976 tới giờ – sau giải phóng 1975 cơ quan đã cấp đất diện tích khoảng 2.000m2 cho bố tôi ở đây. Lâu nay tôi biết là khu này được thành phố quy hoạch là khu du lịch hay đô thị gì đó nhưng nó cứ lằng nhằng mãi…”.
Ngoài dự án “nổi tiếng bậc nhất” này thì vẫn còn khá nhiều dự án quy hoạch “treo” khác gây bức xúc cho người dân.
Chẳng hạn như khu vực ấp Doi, phường 15, quận Gò Vấp. Từ năm 1998, UBND TP. Hồ Chí Minh đã phê duyệt quy hoạch 1/500 làm đất cây xanh, sau đó thành phố nhiều lần điều chỉnh quy hoạch nhưng đến nay quy hoạch vẫn chỉ nằm trên giấy, khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân nơi đây cũng bị “treo”…
Khu vực này hiện nổi bật với những ruộng rau muống và những căn nhà xập xệ lưa thưa, có cảm giác cuộc sống của người dân nơi đây cứ như tách biệt với sự náo nhiệt, năng động của thành phố này.
Thêm một trường hợp quy hoạch “treo” dai dẳng ngay trong trung tâm thành phố, đó là khu dân cưở hai bên bờ kênh (đường Nguyễn Xuân Ôn – đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh) giữa phường 2 và phường 15 có từ năm 1998 đến nay cũng lâm vào tình cảnh vô cùng bi đát.
Có lẽ không quá nếu nói con đường nhỏ Nguyễn Xuân Ôn, phường 2 này là con đường ngập nước bẩn nhất TP. Hồ Chí Minh, nhà hai bên đường đều được nâng nền nhiều lần trong mấy năm gần đây mà ngập vẫn hoàn ngập, muốn đập đi xây mới cũng không ai dám làm…
Quả thật, nỗi thống khổ của người dân sống tại những khu quy hoạch “treo” đã đến hồi cùng cực, và có lẽ không ai là không hiểu được thực trạng này, dù vẫn biết việc quy hoạch là rất cần thiết đối với một đô thị phát triển.
Hãy để người dân cùng tham gia vào việc giải quyết quy hoạch “treo”!
Do đó, ngay sau kỳ họp chuyên đề về quy hoạch đô thị, UBND TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu tổng rà soát tất cả các đồ án, dự án còn bị “treo” trên địa bàn và xác định đây là vấn đề cấp bách về quản lý đô thị.
Theo đó, thành phố yêu cầu Sở Quy hoạch – Kiến trúc cùng các sở, ngành và UBND các quận, huyện liên quan, thẩm định đồ án điều chỉnh quy hoạch chung (tỷ lệ 1/5.000 và 1/10.000) để trình UBND phê duyệt trước ngày 31/12/2012. Đồng thời, tổ chức thẩm định gần 200 hồ sơ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 tại các quận, huyện, trình thành phố phê duyệt trước 30/9/2013.
UBND thành phố cũng sẽ thành lập các tổ công tác liên ngành để tổng rà soát, đánh giá việc thực hiện các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 trên địa bàn từ nay đến cuối năm. Những đồ án quy hoạch không còn phù hợp hoặc không khả thi sẽ được điều chỉnh, thậm chí xóa bỏ luôn. Các đồ án này sẽ được công bố công khai, thông tin cho cộng đồng dân cư trong khu quy hoạch.
Riêng đối với những trường hợp qua rà soát, xem xét mà thấy phải giữ lại vì mục tiêu phát triển lâu dài của thành phố thì phải công bố công khai về lộ trình, đảm bảo quyền lợi cho người dân trong khu vực bị quy hoạch…
Trao đổi chung quanh vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Sở QH-KT TP. Hồ Chí Minh, cho rằng phải tìm ra được đúng nguyên nhân chính thì mới giải quyết được. Theo ông cần phải rà soát lại các đồ án quy hoạch, hệ thống đồ án quy hoạch có vấn đề là một nguyên nhân chính gây ra hiện tượng quy hoạch “treo”.
Có một vấn đề nữa mà hiện nay chúng ta chưa quan tâm lắm, đó là bài toán kế hoạch phát triển đô thị. Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân gây khó khăn cho các dự án, vì kế hoạch phát triển đô thị là bài toán cân đong đo đếm giữa vấn đề tài chính đô thị và vấn đề phát triển dự án như thế nào, vấn đề an sinh xã hội…, chúng phải cân bằng với nhau.
Do đó, bài toán kế hoạch phát triển đô thị với TP. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh thành khác phải rõ ràng và phải có kế hoạch căn cơ. Kế hoạch đó sẽ giúp chúng ta vừa tiết kiệm công sức, nguồn lực phát triển, vừa tiết kiệm được đất đai đô thị…
Nếu không làm được như vậy, tôi nghĩ cũng có lúc chúng ta phải nghĩ đến việc không phát triển đô thị nữa, bởi vì chúng ta không giải được bài toán an sinh xã hội, bài toán công ăn việc làm của người dân… Chúng ta không thể phát triển đô thị bằng mọi giá”.
PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa còn nhấn mạnh việc chính quyền phải đặt niềm tin vào người dân – hãy để người dân tham gia vào việc cùng giải quyết quy hoạch treo.
“Trong đợt tổng rà soát điều chỉnh đồ án quy hoạch, thậm chí cả kế hoạch phát triển đô thị, tôi nghĩ nên cho người dân tham gia. Tất nhiên tiếng nói không phải của một người dân cụ thể, đây có thể là một cộng đồng dân cư, một tổ chức xã hội, như Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân hay một hiệp hội nào đó, thậm chí một cộng đồng dân cư có thể thuê một công ty tư vấn để phản biện dự án…”.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo DNSG