Không thể đánh thuế chồng thuế!

Cập nhật 14/03/2012 08:10

“Bán nhà, đất giùm người khác mà phải nộp thuế thì vô lý quá!”. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia pháp luật và bạn đọc sau bài “Thu thuế ủy quyền bán nhà đất: Rối!”

TS NGUYỄN THỊ THỦY, Trưởng bộ môn Luật tài chính - ngân hàng, khoa Luật thương mại, ĐH Luật TP.HCM: Khác gì thừa nhận giao dịch chui!

Không thể phủ nhận là trong thực tế có xảy ra trường hợp lợi dụng hợp đồng ủy quyền để chuyển nhượng bất động sản mà không phải nộp thuế. Đây là lý do ra đời của Công văn 3373 ngày 20-9-2011 của Tổng cục Thuế nhằm chống thất thu thuế. Tuy nhiên, nếu việc trốn thuế là bất hợp pháp thì việc ủy quyền lại là hợp pháp. Cơ quan nhà nước không được quyền gộp cái bất hợp pháp vào cái hợp pháp để xử lý chung.

Về mặt pháp lý thì người được ủy quyền không phải là chủ sở hữu tài sản. Số tiền có được từ việc chuyển nhượng bất động sản cũng không phải của bên được ủy quyền, vậy tại sao lại thu thuế đối với họ? Cách thu thuế như vậy không đảm bảo về mặt căn cứ pháp lý và cũng không thuyết phục được người dân. Bởi vì khi người dân ủy quyền cho người khác chiếm hữu, quản lý, sử dụng, định đoạt… bất động sản là họ đang thực hiện quyền của mình, được Bộ luật Dân sự cho phép.

Đặt trường hợp người dân lợi dụng hợp đồng ủy quyền để mua bán chui mà Nhà nước lại thu thuế thì càng không hợp lý. Nhà nước chỉ thu thuế đối với những hoạt động hợp pháp. Nếu Nhà nước thu thuế đối với trường hợp ủy quyền thì có nghĩa là Nhà nước mặc nhiên đi thừa nhận cái chui, cái bất hợp pháp. Chưa kể hướng dẫn của Tổng cục Thuế giao cho chi cục thuế xác minh hợp đồng ủy quyền có thật hay không dễ làm nảy sinh những vấn đề tiêu cực, tùy tiện.

Luật sư TRƯƠNG THỊ HÒA, Đoàn Luật sư TP.HCM: Không thể để người tốt bị vạ lây

Theo Văn bản 3373 ngày 20-9-2011, Tổng cục Thuế giao nhiệm vụ cho các chi cục thuế “phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương để tiến hành kiểm tra, điều tra xác minh làm rõ nội dung của hợp đồng ủy quyền để xác định nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân của các đối tượng ủy quyền và nhận ủy quyền”. Dựa trên hướng dẫn này, các chi cục thuế tiến hành thu thuế đối với những trường hợp chuyển nhượng bất động sản thông qua hợp đồng ủy quyền.

Theo tôi, cách thu như vậy là khập khiễng về mặt pháp luật. Bên được ủy quyền chỉ thực hiện các quyền về tài sản nhân danh bên ủy quyền chứ họ không phải là chủ của tài sản. Việc thu thuế phải tính trên hành vi cụ thể, chứ không được suy đoán. Nếu họ có hành vi bán bất động sản thì thu thuế chuyển nhượng bất động sản. Đằng này họ chỉ làm thay người ủy quyền và có nghĩa vụ giao lại cho bên ủy quyền những lợi ích thu được theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật thì thu thuế trên cái gì?

Cán bộ phòng Tuyên truyền Cục Thuế TP.HCM (bìa trái) đang giải thích chính sách thuế cho người dân. Ảnh: ÁI PHƯƠNG

Nếu đủ cơ sở xác định được hai bên làm hợp đồng ủy quyền giả tạo để che giấu việc mua bán nhằm mục đích trốn thuế, thì cơ quan chức năng có thể xử lý về hành vi trốn thuế, gian lận thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế. Thậm chí, nếu số tiền thuế lớn thì có thể xử lý hình sự.

Về thông tin Bộ Tài chính sẽ đưa trường hợp ủy quyền vào Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi, tôi cho là không hợp lý. Thứ nhất, do căn cứ thu thuế không ổn, như đã phân tích ở trên. Thứ hai, tuy có nhiều trường hợp lợi dụng hợp đồng ủy quyền để trốn thuế nhưng trường hợp ủy quyền thật phải luôn luôn nhiều hơn ủy quyền giả. Trong một xã hội thì người tốt phải luôn luôn nhiều hơn người xấu. Không thể vì một nhóm người xấu mà lại đặt ra những quy định nhằm hạn chế quyền của đại đa số người tốt.

Sao lại thu hai lần thuế?

Trong việc mua bán nhà thường thì rủi ro hay rơi vào phía người mua nên tôi cho rằng sẽ là sự liều lĩnh nếu ai đó đi mua nhà bằng hợp đồng ủy quyền. Lý do: bên ủy quyền tức chủ nhà đất có thể đột ngột chết và khi đó thì hợp đồng ủy quyền đương nhiên chấm dứt; khi vẫn tiếp tục đứng tên nhà, đất thì bên ủy quyền có thể đổi ý bất cứ lúc nào. Để tự bảo vệ quyền lợi của mình, đa số người mua nhà, đất đều làm hợp đồng mua bán. Về phía người bán, để tự bảo vệ quyền lợi của mình, cần thiết lắm thì họ mới ủy quyền cho ai đó thật đáng tin cậy thay mặt họ làm thủ tục bán nhà.

Xem ra, ủy quyền giả để trốn thuế mua bán không nhiều lắm. Vậy có nên vì những thiểu số này mà Nhà nước thu hai lần thuế đối với người chủ nhà, đất khi họ ủy quyền nhờ người khác bán nhà đất giùm mình. Trong trường hợp này người được ủy quyền lấy đâu ra tiền nộp thuế, thay vào đó người ủy quyền phải nộp một lần cho mình và nộp thêm một lần nữa cho người được ủy quyền.

NGỌC HÀ (TP.HCM)

Có thể một số người đã làm hợp đồng ủy quyền giả tạo để che giấu giao dịch mua bán nhà, đất. Thế nhưng theo tôi được biết việc xác định là giao dịch giả tạo bị vô hiệu phải do các bên tham gia giao dịch thừa nhận hoặc theo quyết định, bản án của tòa án. Do vậy, Tổng cục Thuế không được chỉ đạo các cơ quan thuế địa phương suy đoán đó là giả tạo rồi đồng thời tự thay mặt tòa án phán luôn hợp đồng vô hiệu để thu thuế bằng được.

MINH THUẬN (Đồng Nai)

Không để người dân qua mặt Nhà nước


Do chưa xem Văn bản 3373 nên tôi không có ý kiến về nội dung cũng như cách triển khai. Tuy nhiên, thực tiễn vừa qua cho thấy có những trường hợp lách thuế bằng hợp đồng ủy quyền cho người khác được toàn quyền cho tặng, chuyển nhượng, định đoạt… bất động sản, gây khó khăn cho cơ quan thuế trong quản lý, thu thuế.

Do đó, quy định về việc thu thuế đối với hoạt động ủy quyền bất động sản sẽ được bổ sung vào Luật Thuế TNCN sửa đổi. Bao giờ cũng vậy, quyền và nghĩa vụ phải đi liền với nhau, ai chuyển nhượng bất động sản, có thu nhập thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Luật phải bình đẳng, không thể để người dân qua mặt Nhà nước được!

Ông NGUYỄN VĂN PHỤNG, Vụ phó Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính



DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP