"Vụ Tiên Lãng cho thấy người nông dân đầu tư rất nhiều công sức, tiền của vào đất để tạo lợi nhuận, khi bị thu lại thì họ không còn cửa sống và liều lĩnh phản kháng", ông Đặng Hùng Võ trao đổi với VnExpress.
* Sau vụ Tiên Lãng, nhiều người đã nhìn ra sự bất cập về thời hạn giao đất trong Luật Đất đai. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
- Bất cập lớn nhất của Luật Đất đai đúng là nằm ở thời hạn sử dụng đất. Luật Đất đai 1993 đưa ra chế định về thời hạn cho đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản là 20 năm, đất trồng cây lâu năm và rừng sản xuất là 50 năm. Như vậy cứ hết hạn thì xã hội nông thôn sẽ náo loạn vì chuyện phải xin được giấy chứng nhận sử dụng đất hiệu quả để được tiếp tục sử dụng đất. Điều đó dẫn tới nguy cơ về tham nhũng, nguy cơ về lộn xộn, khó khăn cho người nông dân.
Đấy là phức tạp mà khi xây dựng Luật Đất đai 2003 đã nhìn ra, nhưng lúc đó ý tưởng giải quyết khi hết thời hạn giao đất là khác nhau. Một luồng ý tưởng cho rằng hết thời hạn phải chia lại vì mặt bằng lao động đầu và cuối thời hạn khác nhau, lực lượng lao động khác nhau (có người chết đi, người sinh ra, người chuyển đi nơi khác…).
Luồng ý kiến thứ hai, hết thời hạn đương nhiên tiếp tục kéo dài, thậm chí kéo tới vô hạn. Tất nhiên tiếp tục kéo dài thì chuyện đặt thời hạn là vô nghĩa. Kéo dài thời hạn cũng chỉ là "hoãn binh chi kế". Hai luồng ý kiến này ngẫu nhiên tỷ lệ rất ngang nhau, chính vì vậy không quyết định được hết thời hạn thì sẽ làm gì khi xây dựng Luật Đất đai 2003.
Gần 10 năm qua, người nông dân rất lo lắng. Đáng nhẽ chúng ta phải đi đến cùng của sự việc và phải có phán quyết gì đấy về xử lý thời hạn trong luật 2003.
* Là người ủng hộ phương án xóa thời hạn, ông nghĩ như thế nào về việc cần sớm điều chỉnh thời hạn giao đất trong Luật Đất đai để tránh lặp lại vụ việc đáng tiếc?
- Nhiều người đưa ra ý kiến thảo luận nhưng thực tế họ không sống ở nông thôn, không hiểu người nông dân và không hiểu nông dân đang cần gì. Sự thực nông dân cần đất, cần sự ổn định dài hạn. Người ta sẽ bỏ tiền đầu tư, vay tiền đầu tư thậm chí tìm mọi cách để đầu tư làm sao để có năng suất và sản lượng cao. Đấy là suy nghĩ của người nông dân ham làm nông nghiệp.
Nếu chúng ta chỉ đứng trên phương diện thảo luận vĩ mô về sự công bằng thì sẽ không thấy được điều đó. Từ vụ Tiên Lãng, chúng ta thấy rằng một người nông dân đầu tư rất nhiều công sức, tiền của vào đất để tạo lợi nhuận mà thu lại thì họ làm gì còn cửa để sống. Khi không còn cửa để sống thì họ phải liều lĩnh trong hành vi phản kháng. Đấy là cảnh mà chính quyền đã dồn người nông dân vào cùng quẫn. Nếu không xử lý tốt thì tôi tin là còn nhiều vụ Tiên Lãng sẽ xảy ra. Lúc này, vụ Tiên Lãng là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người còn lơ mơ trong tư duy về mục tiêu xây dựng pháp luật đất đai, chưa hiểu rõ nông dân đang cần gì. Khẩu hiệu "người cày có ruộng" của Đảng ta từ năm 1930 vẫn đang rất thời sự trên các cánh đồng nước ta.
* Như ông nói, phương án chia lại đất đảm bảo sự công bằng về sử dụng đất nông nghiệp, tại sao không được thống nhất?
- Phương án này có thể đảm bảo được sự công bằng về sử dụng đất nông nghiệp, đảm bảo được quỹ đất nông nghiệp cứ một thời gian ngắn thì dàn đều. Tuy nhiên, cách làm như vậy có rất nhiều cái hại. Thứ nhất là liên tục cứ 20 năm, 50 năm lại làm cải cách ruộng đất một lần. Cái đó gây náo loạn nông thôn nhiều hơn là việc lấy giấy xác nhận sử dụng đất có hiệu quả. Chia lại thì có hệ quả là tham nhũng còn nhiều hơn việc xin giấy xác nhận sử dụng đất có hiệu quả vì có đất tốt, đất xấu, đất gần thủy lợi, xa thủy lợi…
Cái hại thứ hai là không khuyến khích được đầu tư. Ai cũng nhăm nhăm nếu mình có được đất thì cũng chỉ có được 20 năm, 50 năm. Trong thời hạn, người ta sẽ cố gắng vét cạn, vắt kiệt sức của đất, mặc kệ người dùng tiếp theo tính thế nào thì tính. Như vậy, năng suất và sản lượng không bao giờ nâng cao được, động lực sử dụng đất nông nghiệp cạn dần còn đất đai không có đầu tư và bồi bổ nên chẳng mấy chốc mà thành xơ xác.
Đối với phương án thứ hai, gia hạn tự động, ai có thế nào thì hết thời hạn cứ tự động chuyển sang thời hạn tiếp theo. Phương án này tương đương xóa thời hạn. Còn nếu làm theo cách tiếp tục tăng thời hạn dài hơn, chưa cần tính đến hết thời hạn làm gì thì đó là một giải pháp "cải lương". Cuối cùng thì chúng ta vẫn phải trả lời câu hỏi "hết thời hạn chúng ta làm gì?"
Tôi cho rằng phương án đúng hơn cả là hãy xóa bỏ thời hạn. Xóa thời hạn thì được cái lợi cơ bản là người nông dân có tâm lý ổn định, dám đầu tư dài hạn, đầu tư lớn. Người nông dân dám đầu tư để nâng thật cao năng suất, sản lượng nhằm làm giàu trên đất đai. Chắc chắn đây là cách thức để ta tạo được động lực mới trong nông nghiệp, nông thôn và cho nông dân.
* Nhưng nếu thực thi phương án xóa thời hạn, chúng ta sẽ phải đối mặt với nạn đầu cơ đất, phân hóa giàu nghèo... Ông nghĩ sao?
- Tất nhiên, nhiều ý kiến đặt ra là những tiêu cực kèm theo có thể có. Ví dụ, nếu bỏ thời hạn thì tạo điều kiện cho đầu cơ đất đai, sẽ hình thành lớp “địa chủ” mới, sẽ cũng làm những việc trước đây giai cấp địa chủ trong các chế độ phong kiến đã từng làm. Hoặc có thể tạo ra những người có đất nhưng không đưa vào sử dụng mà mang tính chất đầu cơ sinh lợi, chờ giá đất lên… Có thể xảy ra tình trạng phân hóa giàu nghèo ngay trong khu vực nông thôn.
Nhưng phải nhìn nhận là nhược điểm ấy có thể dùng thời hạn để khống chế được không? Khi người giàu có tiền để "đút lót" lấy được giấy xác nhận về sử dụng đất có hiệu quả thì họ cũng vượt qua được thời hạn để tiếp tục sử dụng. Vì vậy, với việc đưa ra thời hạn chưa chắc chúng ta quản lý được việc không hình thành lớp “địa chủ mới”. Chúng ta nên dùng các chế tài khác tốt hơn như đánh thuế cao người không trực tiếp sản xuất mà có nhiều đất, đánh thuế cao vào người có đất nhưng không sử dụng, thậm chí có thể "sung công" đất đối với người có hành vi phát canh thu tô...
* Nếu đất đã giao ổn định lâu dài thì những người sinh sau đẻ muộn lấy đâu ra đất để sản xuất?
- Tôi có thể giải thích ngay, hiện 70% dân số chúng ta sống dựa vào nông nghiệp. Thế nhưng khi ta trở thành nước công nghiệp thì nhiều nhất chỉ còn 50% ở nông thôn. Khi là nước công nghiệp phát triển thì dân số ở nông thôn chỉ còn 10% là cùng. Vậy thì chúng ta đừng bắt con em nông dân phải là nông dân tiếp. Chúng ta hãy nghĩ đến việc đào tạo con em nông dân không làm nông dân nữa mà chuyển sang làm ở lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ.
Bây giờ chúng ta đang ép dân số ở khu vực nông thôn từ 70% xuống còn 30% trong những năm 2020-2030 theo lộ trình đô thị hóa. Tất nhiên, một số con em nông dân làm nông nghiệp giỏi thì phải khuyến khích tiếp tục làm nông nghiệp...
Ông Đặng Hùng Võ: "Nếu không xử lý tốt thì tôi tin là còn nhiều vụ Tiên Lãng sẽ xảy ra". Ảnh: Nguyễn Hưng. |
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress