Không quản được thì cấm?

Cập nhật 03/02/2014 14:21

Sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chấm dứt hình thức đầu tư BT (xây dựng - chuyển giao) thanh toán bằng tiền vì các công trình đội vốn quá cao, các chuyên gia về đầu tư cho rằng cần phải phòng tránh và tháo gỡ các rủi ro thay vì không quản được thì cấm.

Đường Phạm Văn Đồng (dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi) được đánh giá là một trong những dự án BT triển khai thành công. Ảnh: Thanh Tao.

Dự án đầu tư BT nâng cấp quốc lộ 20 (đường từ TPHCM lên Đà Lạt) được khởi công. Dự án này có tổng vốn đầu tư trên 4.110 tỉ đồng, được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) kết hợp BT (xây dựng - chuyển giao). Trong đó, phần kinh phí BT đã chiếm trên 2.727 tỉ đồng. Phần vốn này sẽ được Chính phủ hoàn trả toàn bộ gốc và lãi cho nhà đầu tư từ năm 2018-2022.

Trong khi, trước đó tại cuộc họp trực tuyến giữa Chính phủ và các địa phương vào cuối tháng 12-2013, sau khi một số địa phương ở Đông Nam bộ đề xuất cho khởi công một số dự án trong năm 2014 thì Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã cảnh báo và đề xuất Chính phủ dừng ngay hình thức đầu tư BT (xây dựng - chuyển giao) trả bằng tiền cho nhà đầu tư.

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải, hình thức hợp đồng BT thực chất là hình thức Nhà nước vay rồi trả ngay, nên nhiều doanh nghiệp có thời điểm thiếu vốn chủ sở hữu vẫn vay vốn với lãi suất đến 17%/năm để đầu tư. Với mức vay này khi ký hợp đồng xây dựng một con đường sẽ phải trả thành hai con đường. Vì thế, cần chấm dứt hợp đồng BT dưới dạng thanh toán tiền cho nhà đầu tư để nhận chuyển giao dự án.

Việc đề xuất bỏ hình thức BT thanh toán bằng tiền không phải không có lý, bởi trong những năm qua nhiều dự án hạ tầng đã đội giá lên gấp đôi. Thống kê của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, chỉ trong vòng 3-6 năm qua, tổng mức đầu tư của các dự án qua quá trình thực hiện đã tăng trung bình 180% so với tổng mức được duyệt (100%). Con số này cao hơn rất nhiều so với khoản dự phòng 10% của dự án. Tại Hà Nội, vào cuối tháng 12-2013, chính quyền thủ đô đã quyết định không triển khai 41 dự án BT đã được duyệt trước đây. Còn tại TPHCM, một số dự án BT như Nhà máy Xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát, dự án cầu đường Bình Tiên hiện tại vẫn đang gặp nhiều vướng mắc trong việc hoàn vốn.

Cho dù, đề xuất bỏ hình thức đầu tư BT thanh toán bằng tiền nhận được sự ủng hộ của Chính phủ nhưng các chuyên gia về đầu tư cho rằng cần phải xem xét thấu đáo các rủi ro để phòng tránh và tháo gỡ thay vì không quản được thì cấm, bởi hình thức BT là hình thức thu hút nhà đầu tư nhất từ trước đến nay.

Trao đổi với TBKTSG, luật sư Lê Nết, Công ty Luật LNT & Partners, phân tích các rủi ro liên quan đến BT thường tập trung ở hai điểm là không quản lý được thời gian và không quản lý được chi phí.

Ông phân tích, về thời gian phía Nhà nước thường bàn giao mặt bằng chậm, chủ đầu tư phải vay vốn và trả lãi để thực hiện dự án, vì thế chủ đầu tư yêu cầu điều chỉnh giá và khi ấy Nhà nước phải chấp nhận. Ví dụ khi lãi suất lên 17%/năm, công trình thi công chậm ba năm, riêng việc bù lãi suất đã gần 60%, còn lại là bù trượt giá (lạm phát vào khoảng 10%/năm) như vậy là từ một công trình thành ra hai công trình. Đó là chưa kể đến việc công trình chậm trễ do chủ đầu tư không đủ năng lực hay không tìm được nguồn vốn vay.

Về chi phí bao gồm chi phí xây dựng công trình và chi phí đất (nếu thanh toán giá trị công trình bằng đất). Việc kiểm định các chi phí cũng chủ yếu thực hiện theo bản tự khai của chủ đầu tư và các định mức tổng dự toán. Vì vậy, khả năng chủ đầu tư tự kê giá thành xây dựng lên cao hơn so với thực tế là có thể xảy ra. Không những thế, do giá trị đất được dùng để thanh toán cho công trình cũng không được đấu giá nên giá đất được định thấp hơn giá thị trường, do vậy Nhà nước bị thiệt hại.

Còn ông Lương Văn Lý, Trưởng bộ phận thương mại và đầu tư Công ty Việt Long Thăng, cũng chỉ ra rằng trong số các hình thức đầu tư, chỉ có hình thức BT là nhiều bất trắc nhất đối với Nhà nước. Phải chăng vì thế mà BT bị loại bỏ? Trong khi nếu thực sự muốn tạo sự hấp dẫn tối đa cho nhà đầu tư thì không nên loại bỏ hình thức nào, nhất là những hình thức mà các nước cạnh tranh thu hút đầu tư với Việt Nam đều có. Vấn đề ở chỗ làm sao giải quyết được trở ngại chính đối với dự án BT là vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng. Việc giải tỏa đất để giao cho nhà đầu tư rất gian nan và đều không kịp so với tiến độ đã cam kết trong hợp đồng đã ký.
Việc chậm trễ về thời gian do chậm bàn giao mặt bằng có thể khắc phục được bằng cách Nhà nước chỉ cho phép chủ đầu tư khởi công khi đã hoàn tất giải phóng mặt bằng, bởi Luật Đất đai 2013 đã cho phép Nhà nước cưỡng chế thu hồi đất để thực hiện dự án BT.
 

Từ những dự án BT thành công trước đây như dự án đại lộ Nguyễn Văn Linh, dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi hay mới đây là cầu Sài Gòn 2, có thể thấy những hạn chế của hình thức BT thanh toán bằng tiền hoàn toàn có thể kiểm soát được.

Theo ông Nết, việc chậm trễ về thời gian do chậm bàn giao mặt bằng có thể khắc phục được bằng cách Nhà nước chỉ cho phép chủ đầu tư khởi công khi đã hoàn tất giải phóng mặt bằng, bởi Luật Đất đai 2013 đã cho phép Nhà nước cưỡng chế thu hồi đất để thực hiện dự án BT. Đối với chủ đầu tư, cần phải có quy chế và tiêu chí tuyển chọn chặt chẽ, có quy định về bảo lãnh thực hiện dự án. Trong trường hợp dự án bị chậm trễ do lỗi của chủ đầu tư thì chấm dứt hợp đồng BT và thu hồi cả khu đất hoán đổi lẫn dự án hạ tầng mà chủ đầu tư đang xây dựng.

Mọi dự án đầu tư phải được một công ty thẩm định giá tiến hành thẩm định. Khi bắt đầu tham gia dự án chủ đầu tư phải giải trình thu xếp vốn và phải có ngân hàng cam kết cho vay đủ số vốn cần thiết. Vì thế, việc chấm dứt đầu tư dự án theo hình thức BT dù chỉ là hình thức thanh toán bằng tiền cũng cần thận trọng. “Nếu bỏ phương án này, e rằng các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) sẽ còn ít hơn nữa. Vấn đề không phải ở hình thức dự án đầu tư, mà là ở cách phòng tránh rủi ro và lựa chọn nhà đầu tư có được coi trọng đúng mức”, ông Nết nói.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG