Nếu những trường hợp xây tạm, quy mô không nhỏ trở thành phổ biến, quản lý đô thị sẽ gặp nhiều khó khăn.
Như đã thông tin, UBND TP.HCM vừa đồng ý về chủ trương cho phép nhà nằm trong quy hoạch lộ giới được cấp phép xây dựng tạm với quy mô tối đa không quá ba tầng (Pháp Luật TP.HCM ngày 13-6). Điều này có thể sẽ tháo gỡ cho nhiều trường hợp đang bị ách tắc. Tuy nhiên, các nhà quản lý và chuyên gia lại lo ngại về lâu dài việc thực hiện quy hoạch đô thị sẽ bị ảnh hưởng xấu. Chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến.
Cam kết chỉ mang tính tượng trưng
Thực tế đã có không ít quy định yêu cầu người dân cam kết, họ cũng cam kết nhưng không thực hiện, để lại hậu quả pháp lý kéo dài. Sau 5-10 năm nữa, ai còn giữ bản cam kết này? Hoặc trường hợp chuyển nhượng nhà đất thì người sau lại là chủ thể mới, không phải là người cam kết, bắt họ thực hiện có được không?
Ngoài ra, cơ quan nhà nước cũng rất khó xác định điều kiện “quy hoạch lộ giới chưa có kế hoạch thực hiện trong thời gian ít nhất năm năm”. Bản chất của quy hoạch là mang tính định hướng, còn việc thực hiện quy hoạch lại dựa vào các điều kiện kinh tế-xã hội. Không ai có thể chắc chắn về việc này vì còn phụ thuộc vào thu chi ngân sách, sự ổn định của kinh tế trong nước, thế giới… Gắn hai thứ này với nhau thì không phải lúc nào cũng đưa ra đáp số phù hợp. Một tuyến đường liên quận, theo quận này thì năm năm nữa sẽ thực hiện nhưng quận khác lại cho rằng 10 năm thì giải quyết ra sao?
ÔngNGUYỄN HỒ HẢI, Phó Chủ tịch UBND quận 8
Đừng phát triển đại trà
Vừa qua quận 12 có cấp phép xây dựng tạm quy mô năm tầng cho nhà ở nằm trong quy hoạch “treo”, một số trường hợp khác thì xin phép xây tạm 1-2 tầng. Xét về mặt xã hội, việc giải quyết như vậy là nhằm tránh lãng phí đất đai và thiệt thòi quyền lợi người dân khi quy hoạch treo không biết khi nào thực hiện. Tuy nhiên, chỉ lác đác thì không sao, còn nếu những trường hợp xây tạm, quy mô không nhỏ trở thành phổ biến thì sẽ khiến giai đoạn thực hiện dự án sau này gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các công trình công cộng.
Hẻm 107 đường Phạm Văn Hai, phường 3, quận Tân Bình rộng 4 m, đã khá thông thoáng nhưng vẫn được quy hoạch mở rộng thành 6 m. Vì vậy, nhiều người dân trong hẻm đang gặp khó khi thực hiện thủ tục xây dựng nhà. Ảnh: MINH HIẾU
|
Bước lùi trong quy hoạch
Chủ trương của TP sẽ gỡ cho không ít trường hợp ách tắc của người dân. Nhưng điều đáng nói là số phận của nhiều con hẻm vẫn chưa biết đến khi nào thực hiện. Liệu tới đây, khi người dân thi nhau xây dựng nhà cửa làm phát sinh hàng loạt hệ lụy khác, TP có phải tiếp tục “gỡ bí” bằng cách ban hành thêm những quy định mới theo kiểu giải quyết tình thế như vậy nữa chăng? Đó là chưa nói đến chuyện rất nhiều tiền của người dân (cũng là của xã hội) sẽ trở nên lãng phí khi nhà xây lên rồi phải đập đi trong thời gian ngắn.
Việc giải quyết số phận nhà trong lộ giới không phải mới mẻ mà đã tồn tại hàng chục năm nay. Nếu ngay từ đầu chúng ta có một bản quy hoạch với lộ trình thực hiện rõ ràng, khoa học thì ngày nay đã không phải tìm cách giải quyết cái gọi là “quy hoạch treo” như thế. Như vậy, chủ trương TP vừa đưa ra suy cho cùng là một bước lùi, một sự thất bại của công tác quy hoạch do vẫn không thể giải quyết những tồn tại bao năm qua của quá trình phát triển đô thị.
Với việc xử lý nhà trong lộ giới, nên chăng TP cần có sự linh động trong việc áp dụng đối với từng tuyến hẻm cụ thể. Theo đó, không phải hẻm nào cũng được phép xây nhà trong lộ giới. Những hẻm có ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức giao thông cũng như đảm bảo sự thông thoáng cho TP thì dứt khoát phải giữ nguyên trật tự để sớm mở rộng theo quy hoạch. Những con hẻm nếu việc xây dựng sẽ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân (như cấp cứu, phòng cháy chữa cháy) thì phải cân nhắc kỹ việc cho phép xây dựng. Còn với những con hẻm mà việc mở rộng hoặc xây dựng không ảnh hưởng nhiều đến bộ mặt đô thị, chính quyền có thể giải quyết linh động cho người dân (thậm chí có thể xóa cả quy hoạch “treo”).
KTSVÕ KIM CƯƠNG, nguyên Phó KTS trưởng TP:
Chỉ nên áp dụng cho các trường hợp đặc biệt
Theo đúng nguyên tắc, Nhà nước phải bồi thường trước cho người dân về phần diện tích nằm trong lộ giới, đổi lại yêu cầu họ không được xây dựng mới để thuận lợi khi mở đường. Điều đó mới gọi là không gây thiệt thòi cho người dân. Đừng vì quy hoạch “treo” kéo dài không biết đến bao giờ, cho nên gỡ bằng cách cho người dân xây nhưng lại đưa ra điều kiện họ phải chấp nhận tháo dỡ không bồi thường.
Thực tế, việc cam kết của người dân không phải lúc nào cũng thực hiện được. Thậm chí có những trường hợp không có cam kết, tự lấn chiếm mà Nhà nước cũng phải bồi thường khi tháo dỡ. Theo tôi, việc cho phép xây dựng tạm chỉ nên áp dụng trong trường hợp hết sức đặc biệt, không nên phát triển thành quy định chung phổ biến.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP