Không nên gò ép khi tích tụ ruộng đất

Cập nhật 20/04/2009 13:20

Ông Tạ Hữu Nghĩa, Phó Phòng Kinh tế hợp tác và Trang trại (Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn), cho rằng quá trình tích tụ ruộng đất là quá trình lâu dài, cần có bước đi thích hợp phù hợp với quá trình phát triển kinh tế, không gò ép, vì bất kỳ sự ép buộc nào cũng dẫn đến méo mó, mâu thuẫn.

Ông Tạ Hữu Nghĩa trao đổi với Vietnamnet xung quanh những ý kiến đóng góp trái chiều khi Bộ NN&PTNT xin ý kiến về chủ trương tích tụ ruộng đất. Ông Nghĩa cho biết:

- Các nhóm vấn đề chính đang còn vướng mắc hiện nay như hạn điền, thời gian sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất, đất cho phát triển chăn nuôi tập trung, đất cho phát triển làng nghề... tất cả đang được xới xáo lên, dưới các góc độ khác nhau.

Ví dụ như hạn điền giao đất, hạn điền chuyển quyền sử dụng đất. Đa số ý kiến cho rằng, nên nới rộng hạn điền (6ha với cây hàng năm, 10 - 30 ha với cây lâu năm, 30ha đất lâm nghiệp).

Thời gian sử dụng đất cũng vậy, hầu hết ủng hộ việc nới rộng thời gian sử dụng lên 50 - 70 năm, thay vì mức cao nhất là 20 năm và 50 năm như quy định của Luật Đất đai hiện hành. Một số quan điểm lại trái chiều, chủ trương không nên giới hạn hạn điền và thời gian sử dụng đất.

Những ý kiến trái chiều này cần có sự thảo luận, nghiên cứu kỹ. Quan điểm của cá nhân tôi là phải có hạn điền và thời gian sử dụng đất; bởi hạn điền và thời gian sử dụng đất thể hiện vai trò quản lý của Nhà nước trong vấn đề ruộng đất. Ví như, dưới hạn điền, anh không phải nộp thuế, còn trên hạn điền thì phải nộp.

Đất như bảo hiểm lúc sa cơ lỡ vận

* Theo quy luật, tích tụ ruộng đất sẽ đưa nông dân thoát dần khỏi nghề nông. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, khi tổ chức sản xuất nông nghiệp quy mô lớn thì Việt Nam sẽ chỉ còn khoảng 5% nông dân. Theo ông, liệu điều này có trở thành hiện thực?

Ở Mỹ, đúng là nông dân chỉ còn 3% tổng số dân, bởi cách đây 80 năm, tỷ lệ nông dân của họ đã giảm theo quy luật. Tại Việt Nam, tôi cho rằng cần có quá trình dài. Việt Nam khác với các nước, bởi trong suy nghĩ về phát triển kinh tế, làm ăn bao giờ cũng phải tính toán chắc chắn và an toàn mới làm. Đó là an cư lạc nghiệp, ít nhất là có cái nhà, có mảnh đất.

Ví như tại Đồng bằng sông Hồng, nông dân đi miền Nam làm ăn nhưng đất vẫn để đó hay chỉ cho anh em, bà con mượn mà không bán. Họ coi đất như bảo hiểm, nhỡ sa cơ lỡ vận thì quay trở lại. Tâm lý đó chắc còn kéo dài.

* Trên thực tế, việc tích tụ ruộng đất đã diễn ra tại Việt Nam. Thời gian tới, quá trình này sẽ diễn ra mạnh mẽ ở vùng nào nhất, thưa ông?

Việt Nam hiện có hai nguồn đất vẫn có thể diễn ra tích tụ, đó là đất trống đồi trọc và đất mặt nước nuôi trồng thuỷ sản.

Quỹ đất trống đồi trọc có lẽ cũng còn tương đối lớn, có tiềm năng để trồng rừng, không chỉ bảo tồn khoanh nuôi tái sinh, rừng phòng hộ, du lịch sinh thái... mà còn trồng rừng sản xuất, phát triển cây công nghiệp.

Thứ hai là quỹ đất mặt nước, bãi bồi ven sông ven biển để nuôi thuỷ sản. Hiện nhiều địa phương vẫn chưa giao ổn định, lâu dài cho các hộ, mới là cho thuê, khoán. Còn quỹ đất cho sản xuất lúa đã giao ổn định, lâu dài.

Quá trình tích tụ sẽ xảy ra nhưng chậm hơn, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Hồng. Tại Nam Bộ, chúng tôi khảo sát ở An Giang thấy rằng, diện tích chuyển nhượng vào khoảng 40.000ha, có đến 70.000 hộ chuyển nhượng cho nhau.

Ở vùng Tứ giác Long Xuyên giao đất cho hộ di dân kinh tế mới, đây là vùng đất chua phèn giao cho mỗi hộ 3ha, nhưng những hộ này làm ăn không được, họ chuyển nhượng cho các hộ biết làm ăn lập trang trại, có hộ tích tụ được 70 - 80ha, hiện đất đã trở nên trù phú.

Còn đất đai màu mỡ như ở huyện Châu Thành, việc chuyển nhượng không diễn ra theo kiểu tích tụ như vậy, những người cần tiền thì chuyển nhượng bớt đất, tách hộ cho con. Do vậy, có một lượng số liệu chuyển đổi giấy tờ chuyển nhượng, thừa kế song không theo xu hướng tích tụ tích cực.

Không nhất thiết chỉ tích tụ


* Ở Đồng bằng sông Hồng, diện tích chuyển nhượng ít, việc tích tụ không có nhiều có phải do tình trạng đất đai ở khu vực này manh mún, nhỏ lẻ?

Vừa rồi một số địa phương ở Đồng bằng sông Hồng đã thực hiện tốt việc dồn điền đổi thửa như: quy mô là 7 - 8 thửa/hộ trước đó nay còn 3 - 4 thửa, tiếp đến sẽ tiếp tục khuyến khích nông dân dồn còn 1 - 2 thửa để có quy mô sản xuất lớn hơn, có thể hình thành hình thức canh tác "liền vùng, cùng trà, khác chủ".

Mục tiêu chính là để sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp, nhưng con đường tuỳ từng địa phương khác nhau, không nhất thiết chỉ tích tụ. Có thể thuê, góp vốn liên doanh, tập trung với nhau hình thành vùng sản xuất "liền vùng, cùng trà, khác chủ"... từng quá trình đó, cần xem khả năng quỹ đất còn bao nhiêu, xu hướng thế nào?

* Trong quá trình khảo sát, ông có vấp phải tình huống những hộ nông dân vẫn muốn bám trụ lấy đất đã phản đối chủ trương này?

Thực ra trong quá trình khảo sát, chúng tôi cũng chưa nghe kỹ những hộ ít đất đang không có việc làm nên chưa thấy có phản đối, còn hộ sản xuất hàng hoá lớn thì rất ủng hộ.

Các cấp chính quyền cũng ủng hộ tập trung tích tụ. Phản đối của nông dân, tôi cho rằng cũng có, nhất là với người chưa có việc làm, nếu tích tụ khiến họ có nguy cơ mất đất.

Nhưng cũng có ý kiến bênh vực, rằng nếu không có chủ trương tích tụ, bà con đã bị cản trở hay phải giấu giếm khi chuyển nhượng đất, nay việc này đã được công khai hoá và có khi người ta lại bán được với giá cao hơn.

* Chính vì vậy có nhiều ý kiến lo ngại việc tích tụ này chẳng khác gì thời kỳ trước đó, khi tất cả đất đai dồn vào dưới sự quản lý của một hợp tác xã. Có ý kiến còn nghi ngại việc hình thành các đại điền chủ dễ dẫn tới bần cùng hoá nông dân?

Quan điểm là quá trình tích tụ phải diễn ra từ từ. Chúng tôi chỉ khuyến khích tích tụ đất cho sản xuất nông nghiệp và không làm bần cùng hoá nông dân, nghĩa là luôn phải giải quyết vấn đề rút lao động ra trong quá trình tích tụ. Quá trình này cần diễn ra tự nhiên, không gò ép vì bất kỳ sự ép buộc nào cũng tạo ra sự méo mó, mâu thuẫn.

Đưa khuyến khích tích tụ ruộng đất vào Luật Đất đai sửa đổi?

* Mô hình thành lập DN sản xuất nông nghiệp, bà con nông dân tham gia góp vốn bằng đất cũng đã được triển khai ở một số nước và rất thành công. Việt Nam có nên thực hiện mô hình này?

Cái mà nông dân góp cổ phần là mô hình sản xuất tiên tiến, rất tốt. Điều chúng tôi băn khoăn là khi nông dân góp vốn rồi thì Nhà nước có cơ chế gì để khi DN phá sản, nông dân vẫn còn đất đó, nguyên vẹn.

Phải có quy định pháp luật đảm bảo quyền giá trị sử dụng đất mà người dân đóng góp vào. Còn việc thành lập DN cổ phần mà nông dân góp vốn như những cổ đông thì tốt quá, bởi họ vừa được hưởng phần chia lãi từ góp đất, vừa có công ăn việc làm.

Trên thực tế, chúng tôi cũng đã cất công tìm nhân tố mới và thấy Hà Nội đã có, nhưng lại không thành công. Có lẽ do cách tổ chức ban đầu chưa rõ ràng, cộng với tâm lý sợ mất đất của bà con.

* Còn quá nhiều vướng mắc như vậy, vậy bao giờ Việt Nam mới có quy định pháp lý về tích tụ ruộng đất?

Hiện còn rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu và thảo luận tiếp. Luật Đất đai nếu có sửa thì cũng ít nhất phải đến năm 2010. Để nghị định về tích tụ ruộng đất ra đời thì liên quan đến sửa Luật Đất đai.

Theo chúng tôi, chưa ra vội Nghị định, đợi thời điểm chín muồi (năm nay chưa phù hợp vì suy thoái làng nghề, KCN nên nhiều lao động trở về nông thôn nên hô hào tích tụ sẽ không tốt) hoặc đưa nội dung tích tụ ruộng đất vào sửa đổi Luật Đất đai. Có lẽ phương án sau hay hơn.

Thông thường, nhu cầu tăng quy mô cho sản xuất hàng hoá của các hộ tại các nước đều có sự chuyển dịch lớn.

Châu Á đất chật người đông, quy mô tăng chậm hơn, như Đài Loan từ 1ha lên 3ha, Nhật Bản cũng vậy.

Tại Mỹ, cách đây 50 năm, bình quân 1 trang trại 100ha giờ lên 180ha. Xu hướng mở rộng quy mô đất đai của hộ là quy luật.

Tại Việt Nam đã và đang diễn ra tích tụ ruộng đất, mà mô hình trang trại chính là thể hiện xu hướng đó.

Nhưng chuyển dịch ruộng đất phải gắn liền với chuyển dịch lao động thì mới đảm bảo an sinh xã hội.


DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet