Không nên đẩy bến xe khỏi trung tâm

Cập nhật 31/08/2018 09:42

Các ý kiến đều cho rằng đẩy bến xe ra xa là gây khó khăn cho người dân, lãng phí xã hội.

Di dời Bến xe miền Đông ra xa trung tâm sẽ gây khó khăn cho hàng chục ngàn hành khách mỗi ngày. Ảnh: CAO THĂNG

Được kỳ vọng là giải pháp tích cực để lập lại trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đô thị, thế nhưng, việc đưa bến xe ra khỏi trung tâm đã bị nhiều chuyên gia kịch liệt phản đối tại Hội thảo Cơ chế quản lý vận tải đường bộ do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô tô tổ chức ngày 30-8. Trong đó, các ý kiến đều cho rằng đẩy bến xe ra xa là gây khó khăn cho người dân, lãng phí xã hội.

Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, trong khi làm quy hoạch, hầu hết các địa phương đều có chung quan điểm đẩy bến xe ra khỏi trung tâm thành phố, lý do là để đảm bảo trật tự ATGT, tránh ùn tắc.

Ví dụ, tại đồ án quy hoạch bến xe, bãi đậu xe Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Hà Nội sẽ xóa bỏ hầu hết các bến xe liên tỉnh hiện nay như Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Nước Ngầm. Thay vào đó là các bến xe mới, nằm tại cửa ngõ đường vành đai 4 cách trung tâm thành phố 10-20 km. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng, giải pháp này không những không giúp địa phương đảm bảo trật tự, ATGT mà còn gây lãng phí xã hội, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Cụ thể, nếu 4 bến xe ở Hà Nội chuyển ra ngoại thành, hành khách sẽ phải sử dụng tới 30.000 phương tiện các loại/ngày để đi và đến các bến xe, việc này làm tăng mật độ giao thông trong đô thị và gây ùn tắc giao thông, thậm chí có nguy cơ gây tai nạn giao thông. Không những thế, việc đẩy bến xe ra xa trung tâm còn tạo điều kiện cho xe dù, bến cóc phát triển, do chi phí từ nhà đi đến bến xe nhiều hơn chi phí tuyến chính, nhất là khi giao thông công cộng hiện tại không tốt, và trong tương lai gần, chúng ta cũng chưa đủ kinh phí để đầu tư đồng bộ. Về sự lãng phí xã hội, theo tính toán của Hiệp hội Vận tải ô tô, giả sử Hà Nội đưa bến xe Giáp Bát, Nước ngầm, Mỹ Đình về nơi cách các bến xe hiện nay 7-12km, với lượng khách trung bình 120.000 lượt người/ngày, tổng chi phí di chuyển của hành khách đi và đến các bến xe Hà Nội sẽ khoảng 7,2 tỷ đồng/ngày và 1 năm con số này lên tới trên 2.600 tỷ đồng.

Tương tự ở TPHCM, chỉ tính riêng bến xe miền Đông, 1 hành khách di chuyển từ bến xe miền Đông ra bến xe mới tại quận Thủ Đức với cự ly là 19km chỉ cần tính chi phí bình quân là 100.000 đồng/người/lượt thì với 55.000 lượt người, tổng chi phí cũng phải trên 5,5 tỷ đồng/ngày.

Đồng quan điểm với Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, nên giữ nguyên vị trí các bến xe hiện nay. Quỹ đất dành cho giao thông chỉ chiếm 7% - 8%, trong khi yêu cầu là 20% - 25%, đây là nguyên nhân cơ bản khiến vấn nạn ùn tắc và tai nạn giao thông ngày càng trầm trọng. Đặc biệt, cần phải ngăn chặn ý đồ muốn tận dụng các vị trí đắc địa của các bến xe hiện nay để xây dựng các khu nhà cao tầng. Lấy lý do để chống ùn tắc nhưng thực tế việc làm này lại khiến ùn tắc và tai nạn gia tăng, do phá vỡ trật tự quy hoạch kiến trúc, tăng thêm áp lực tại khu vực trung tâm. Đã có nhiều mảnh đất vàng dành cho giao thông đã biến thành các chung cư, khách sạn, nhà hàng, ví dụ như bến xe Kim Liên, bến xe Lương Yên, khu đất Cống Vị và hàng trăm hécta đất dự định làm bãi đậu xe...

Thậm chí, đại diện Hiệp hội Vận tải Đà Nẵng chia sẻ một cách gay gắt, việc quản lý bến xe đã được các cơ quan quản lý nói rất nhiều nhưng làm chưa được bao nhiêu, nhiều nơi làm không vì mục tiêu phục vụ nhân dân, nên trật tự vận tải ngày càng lộn xộn. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, bến xe là một địa chỉ mang tính lịch sử, văn hóa, không thể tùy tiện di chuyển. Tại nhiều nước trên thế giới vẫn duy trì các bến tàu, bến xe trong lõi đô thị, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cần giữ nguyên các vị trí bến xe như hiện nay, có thể đầu tư theo hướng xã hội hóa các bến xe ngầm hoặc bến xe cao tầng để có thể tăng hiệu suất phục vụ, tăng tính kết nối với các phương tiện công cộng khác. Các thành phố lớn cần hình thành những cụm đầu mối giao thông, bao gồm bến xe khách, bến xe buýt, bến tàu, điểm đậu taxi…

Tại những khu vực có mật độ dân cư đông, cần duy trì bến xe trung tâm và bến xe vệ tinh, cho phép các xe từ bến xe trung tâm vào bến xe vệ tinh để đón khách. Về lâu dài, để chống ùn tắc, các địa phương phải đầu tư mạnh mẽ cho giao thông công cộng để giảm phương tiện cá nhân.


DiaOcOnline.vn - theo Báo Sài Gòn Giải Phóng