Không mở rộng Tân Sơn Nhất ra phía bắc là bế tắc

Cập nhật 01/03/2018 08:54

Đề xuất của công ty tư vấn đến từ Pháp về việc nên mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía nam, không xây đường băng thứ 3 trái ngược hoàn toàn với nhóm chuyên gia nghiên cứu 4 phương án mở rộng sân bay của TP.HCM.


Chưa đồng thuận trong đề xuất mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT

Dự đoán không có căn cứ

Tại cuộc họp báo cáo cuối kỳ về quy hoạch, mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất với Bộ GTVT diễn ra chiều 27.2, Công ty tư vấn ADPi Engineering dự báo đến năm 2025, số lượt cất hạ cánh qua Tân Sơn Nhất là 301.000 lượt, tương đương 51 triệu khách và 960.000 tấn hàng.

Với phương án công suất 50 triệu khách/năm, tư vấn đề nghị không xây dựng mới đường băng mà giữ nguyên 2 đường băng hiện tại, có cải tạo. Về việc xây thêm nhà ga hành khách mới, ADPi đưa ra khuyến cáo nếu xây nhà ga ở phía bắc (phần sân golf) sẽ làm tăng chi phí vận hành vì 2 nhà ga tách rời, chi phí xây dựng, giải phóng mặt bằng lớn. Phương án ưu tiên là xây dựng nhà ga mới ở phía nam cạnh nhà ga hiện nay để kết nối 2 nhà ga. Ở phía bắc, phần sân golf sẽ được giải phóng làm khu đỗ máy bay, ga hàng hóa, khu bảo dưỡng, sửa chữa máy bay (giai đoạn sau 2025).

Quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất được xây dựng từ năm 1994, được Thủ tướng phê duyệt vào năm 1995 nêu rõ diện tích sân bay là 1.120 ha bao gồm diện tích mặt bắc, kết nối giao thông phía bắc.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống
 

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không Trường ĐH Bách khoa TP.HCM - trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu 4 phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất của TP.HCM, cho rằng ADPi đã sai ngay từ cách tiếp cận khi không có thông tin về dự báo nhu cầu hành khách, không tham khảo dự báo quốc tế đã có sẵn trước đó nên dự báo lưu lượng sân bay Tân Sơn Nhất tăng 44 triệu khách năm 2020 lên 51 triệu khách vào năm 2025, ứng với mức tăng trưởng 2,87% mỗi năm, sau đó tăng 1,5% mỗi năm. Trong khi đó, thực tế sân bay Tân Sơn Nhất tăng trưởng 12,38% mỗi năm trong 20 năm qua và 14% trong 10 năm trở lại đây.

Tương tự, ADPi dự báo tăng trưởng GDP của VN từ 7 - 7,5% trong 10 năm tới trong khi thế giới chứng minh tăng trưởng hàng không luôn hơn khoảng 2 lần so với tăng trưởng GDP. Hiệp hội Hàng không quốc tế cũng đã dự báo đến năm 2025, Tân Sơn Nhất sẽ phải cung ứng nhu cầu cho 79 triệu khách.

Kẹt xe tăng nếu mở rộng theo hướng nam

Theo ông Nguyễn Thiện Tống, chính những lệch lạc từ việc tiếp cận vấn đề dẫn đến những sai lầm trong giải quyết. Cụ thể, tư vấn chỉ chú ý việc kết nối giao thông ra phía nam, từ sân bay nối ra các đường Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ… mà không quan tâm đến kẹt xe đang là vấn nạn của giao thông khu vực này. Loạt đường Trường Chinh, Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, đường Trường Sơn từ khu vực Gò Vấp qua Lăng Cha Cả lúc nào cũng kẹt cứng, cản trở khách ra vào sân bay dù TP đã liên tục đưa ra các giải pháp “cấp cứu”. Chưa kể khách đến sân bay không chỉ là người dân TP mà còn từ các vùng ngoại thành, nếu chỉ kết nối giao thông phía nam thì những người này vào sân bay sẽ tốn thời gian đi qua khu vực trung tâm, “chèn” vào mạng lưới giao thông đô thị, dẫn đến ách tắc nghiêm trọng.

Trưởng nhóm tư vấn của TP.HCM nhấn mạnh: Đối với sân bay Tân Sơn Nhất, không kết nối ra phía bắc là bế tắc. Thu hồi sân golf, mở ga hành khách, mở rộng sân bay về phía bắc là phương án cần thiết và thuận tiện nhất để sân bay này có thể đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân đến năm 2030. Khi đó, phương tiện từ các khu vực xung quanh đi theo quốc lộ 1 qua đường Quang Trung, đường Tân Sơn trực tiếp tới sân bay, tiết giảm thời gian, chi phí, giảm ách tắc cho giao thông đô thị.

Với lập luận mở rộng sân bay về phía bắc sẽ rất tốn kém vì chi phí giải phóng mặt bằng ô nhiễm tiếng ồn, chi phí vận hành cao… mà tư vấn Pháp đưa ra, PGS-TS Tống nói thẳng: “Mở rộng về phía bắc tốn kém hơn bao nhiêu, mở rộng về phía nam tiết kiệm hơn bao nhiêu? Tiết kiệm hơn nhưng hiệu quả mang lại có hơn không? Hay hậu quả do kẹt xe, ách tắc còn lớn hơn nhiều? Tất cả mới chỉ là định tính, không phải định lượng”, và yêu cầu các đơn vị nghiên cứu phải so sánh chi phí và lợi ích.

Theo ông Tống, không thể lấy mục tiêu chờ sân bay Long Thành để hạn chế khả năng khai thác của Tân Sơn Nhất. Bởi khả năng cao đến 2025 vẫn chưa thể có Long Thành nên nhất thiết phải khai thác sân bay Tân Sơn Nhất đến mức tối đa. Trừ khi chứng minh được sân bay này tăng trưởng không hiệu quả, không có lợi về kinh tế thì mới cho ngừng tăng.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên