Không gian ngầm TP HCM: Đừng chậm trễ !

Cập nhật 02/10/2017 09:26

Phát triển không gian ngầm không chỉ giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông mà còn cải thiện cảnh quan, giảm áp lực trên mặt đất. TP HCM nên đẩy nhanh xây dựng, khai thác không gian này để tăng tốc phát triển

Quy hoạch và phát triển không gian ngầm trên địa bàn TP HCM tiếp tục là vấn đề thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và cơ quan chức năng. Nhiều chuyên gia về quản lý đô thị cho rằng mặt đất đang quá tải trong khi bên dưới còn rất nhiều tiềm năng. Vì vậy, TP HCM nên đẩy nhanh việc xây dựng, khai thác không gian ngầm để tăng tốc phát triển đúng nghĩa một đô thị hiện đại.

Xu thế phát triển tất yếu

Ông Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM, nhận định việc phát triển không gian ngầm là đòi hỏi tất yếu khi yêu cầu phát triển TP và nhu cầu xây dựng ngày càng cao tại khu vực trung tâm TP và nội thành cùng với sự khan hiếm diện tích đất xây dựng.

Tuy vậy, ông Tùng bày tỏ lo lắng rằng công trình ngầm có thể gây ra một số ảnh hưởng nhất định đến địa chất, thủy văn và các công trình trên mặt đất. Yêu cầu chung được đặt ra là khai thác không gian ngầm để tăng hiệu quả sử dụng đất đô thị nhưng hệ thống đó phải bền vững, thích ứng, hài hòa với điều kiện tự nhiên và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của TP. Do vậy, phải nghiên cứu kỹ lưỡng từ khâu quy hoạch để có các dự báo và định hướng sử dụng đất phù hợp với tình hình phát triển tương lai của đô thị.

Việc quy hoạch không gian ngầm đang triển khai nhưng đây là việc khó và cần thời gian để tổ chức thực hiện. "Quy hoạch trên mặt đất đã khó rồi, quy hoạch dưới đất còn khó hơn vì Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong quy hoạch không gian ngầm, do đó phải thận trọng" - ông Tùng nói.

Từ mấy năm qua, Nghị định 37/2010/NĐ-CP và Nghị định 39/2010/NĐ-CP đã quy định về quản lý, quy hoạch đô thị và quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị. Đây là điều kiện thuận lợi để xúc tiến nhanh hơn. Theo nhìn nhận của các nhà đầu tư hàng đầu trong nước, giá đất tại trung tâm TP HCM, Hà Nội vào hàng đắt nhất thế giới. Do vậy, nếu khai thác được không gian ngầm sẽ đem lại lợi ích rất lớn. Việc phát triển không gian ngầm đô thị Việt Nam nên đi theo hướng xây dựng những công trình ngầm đa chức năng, là tổ hợp gồm trung tâm thương mại, sinh hoạt công cộng, vui chơi giải trí...

Cứ nại khó hoài sẽ chậm chân

Các chuyên gia về quản lý đô thị cho rằng tại Việt Nam nói chung, TP HCM nói riêng, quy hoạch đô thị diễn ra muộn hơn, chưa có kế hoạch sử dụng đất hợp lý dẫn đến tình trạng lộn xộn và thiếu trầm trọng các khu không gian mở và đất giao thông. Vì vậy, nghiên cứu xây dựng ngầm là việc làm cấp thiết không chỉ giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông mà còn cải thiện cảnh quan, giảm áp lực trên mặt đất.

TS Trần Du Lịch - thành viên Tổ Tư vấn Chính phủ, nguyên Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM - cho rằng tại TP HCM, việc phát triển không gian ngầm đã đặt ra từ lâu nhưng vướng quy định về tài nguyên dưới mặt đất. Vì vậy cần sớm hoàn thiện quy hoạch phát triển không gian ngầm. "Phát triển các bãi giữ xe, trung tâm mua sắm, siêu thị ngầm ở TP là chuyện không thể dừng. Không gian ngầm sẽ là nơi san sẻ áp lực quá tải cho mặt đất" - ông Lịch nhấn mạnh.

Tương tự, chuyên gia giao thông Phạm Sanh nhìn nhận việc xây dựng trung tâm thương mại ngầm kết hợp với metro rất phù hợp và cấp thiết. Từ đó tạo sự kết nối, hình thành hệ thống trung tâm thương mại rộng lớn dưới lòng đất ở khu vực trung tâm TP. Hầu hết các TP lớn trên thế giới đều đã có hệ thống trung tâm thương mại ngầm kết hợp với các công trình công cộng hiện đại để phát triển thương mại, thu hút khách du lịch, tiết kiệm quỹ đất...

"Chúng ta phải xắn tay lên làm gấp rút. Phải làm nhanh vào, cứ nại khó khăn hoài sẽ chậm chân thêm và không giải quyết được thực trạng" - ông Phạm Sanh nói.


Người dân mua sắm tại Trung tâm Sense Market (nằm dưới lòng đất ở Công viên 23-9, quận 1, TP HCM). Ảnh: Hoàng Triều

Hệ thống hóa quy chuẩn

Việc xây dựng các công trình dưới lòng đất, tạo không gian ngầm cho các sinh hoạt cộng đồng văn minh, hiện đại sẽ đem đến nhiều tiện ích nhưng cũng gặp không ít thách thức. Đó là nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, độ rủi ro cao trong quá trình xây dựng. Hơn nữa, quá trình xây dựng thường bị chậm tiến độ, phần lớn tăng chi phí đầu tư so với dự kiến ban đầu. Mặt khác, khi tiến hành thi công đào xới thì đất đã bị thay đổi vĩnh viễn, dỡ bỏ hay thay đổi thiết kế các công trình ngầm không dễ dàng như đối với các công trình trên mặt đất.

Kế đến, các vấn đề như sự thông thoáng không khí, hệ thống chiếu sáng, chống ngập, thoát nước, cấp nước, phòng chống cháy nổ, khí độc… phải được nghiên cứu hết sức cặn kẽ, chính xác. Vì vậy, đòi hỏi có một hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến quy hoạch, quản lý xây dựng, thi công xây dựng, nghiệm thu và bảo trì công trình ngầm trong đô thị và các quy định cụ thể về quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng công trình ngầm.

Những khó khăn đó là tất yếu và TP HCM cũng như các đại đô thị trên toàn cầu đều phải vượt qua. Hiện nay, các hệ thống metro, các trung tâm thương mại trong quy hoạch gắn với các ga metro đều đã và đang hình thành. Một số không gian ngầm hiện hữu đã phát huy tác dụng như khu mua sắm Sense Market dưới lòng đất công viên 23-9 đưa vào sử dụng từ tháng 3-2017, thu hút đông đảo khách tham quan, mua sắm, chứng tỏ sức hấp dẫn của mô hình trung tâm thương mại dưới lòng đất. Chắc chắn trong tương lai, không gian ngầm của TP HCM sẽ phát huy tác dụng tốt nhất nếu được quy hoạch và triển khai nhanh chóng, đồng bộ, hiện đại.

Ga metro kết nối hệ thống trung tâm thương mại

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM cho biết TP đang trình Thủ tướng Chính phủ các dự án xây dựng trung tâm thương mại ngầm. Theo đó sẽ hình thành trung tâm thương mại ngầm tại khu vực nhà ga trung tâm Bến Thành và trung tâm thương mại khu vực công viên Tao Đàn (quận 1) thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Theo đề xuất của nhà đầu tư, trung tâm thương mại ngầm tại ga trung tâm Bến Thành có tổng diện tích 45.000 m2, kết nối với chợ Bến Thành hiện hữu, các cao ốc, cửa hàng và trung tâm mua sắm ở 2 bên đường Lê Lợi bằng các lối lên xuống…

Ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM, cho rằng các dự án trên sẽ đem lại tiện ích lớn, không chỉ là trung tâm thương mại tầm cỡ quốc tế, cải thiện cơ sở hạ tầng mà còn thu hút khách sử dụng tuyến metro.

Năm 2019 mới có bãi đậu xe ngầm quy mô lớn

Tình trạng khan hiếm bãi đậu xe ở khu vực trung tâm TP HCM ngày càng thêm trầm trọng. Một trong những giải pháp hữu hiệu là bãi đậu xe ngầm quy mô lớn. Thế nhưng, 8 dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm suốt nhiều năm vẫn ì ạch. Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, mới có 4/8 dự án này ở quận 1 có nhà đầu tư, gồm khu vực công viên Lê Văn Tám, công viên văn hóa Tao Đàn, sân khấu Trống Đồng và sân vận động Hoa Lư.

Tuy nhiên, bãi đậu xe ngầm tại công viên văn hóa Tao Đàn đang được lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Dự kiến thời gian thực hiện và đưa vào khai thác công trình này vào năm 2022. Công trình bãi đậu xe ngầm khu vực sân vận động Hoa Lư cũng tương tự, dự kiến đến năm 2020 sẽ đưa vào khai thác. Còn dự án bãi đậu xe ngầm tại sân khấu Trống Đồng hiện được nhà đầu tư và Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1 hoàn thiện phương án di dời, giải tỏa mặt bằng. Công trình này dự kiến khởi công cuối năm 2017 và đưa vào khai thác năm 2019.

Theo bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh, Chủ tịch Công ty TNHH Sản xuất Cơ khí và Cầu trục NMC (đơn vị được giao nghiên cứu thiết kế và triển khai hệ thống đỗ ô tô tự động), các dự án xây bãi đậu xe ngầm thường dành 70% diện tích để đỗ xe, còn lại dùng làm thương mại để nhà đầu tư thu hồi vốn nhưng hiện mặt bằng thương mại ở TP HCM đang bị bỏ trống khá nhiều. Trong khi đó, việc xây dựng bãi đậu xe ngầm có vốn đầu tư lớn nhưng TP áp dụng quy định khống chế mức phí giữ xe thấp hơn nhiều so với giá thị trường, dẫn đến rất khó thu hồi vốn và nhà đầu tư cũng không mặn mà. Bà Quỳnh cho rằng mức giá giữ xe cần phải điều chỉnh phù hợp mới có thể thúc đẩy thực hiện nhanh các dự án bãi đậu xe ngầm này.


DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ