Không gian đô thị chung tại TPHCM: Chưa đẹp, chưa hấp dẫn

Cập nhật 07/04/2009 10:10

Nặng nề, nhàm chán và không hiệu quả, đó là những từ mà nhiều kiến trúc sư dùng để mô tả nhiều không gian đô thị chung tại TPHCM. Theo các kiến trúc sư, không gian đô thị chung của TPHCM vừa thiếu, vừa bị biến dạng, vừa không được quan tâm đúng mức nên mới có hậu quả như vậy.

Thiếu và thiếu

Cái thiếu nhất là mảng xanh, công viên cho người dân thư giãn. Rất nhiều mảng xanh trong các khu dân cư mới thực chất chỉ là những mảnh đất “thừa” mà người ta không thể xây dựng được. Ở các khu dân cư cũ, mảng xanh lại đang bị làm biến dạng.

Theo Kiến trúc sư Hồ Viết Vinh, giảng viên Đại học Kiến trúc TPHCM, giới chuyên môn cũng đang băn khoăn về tính hiệu quả của việc sử dụng công viên 30-4. Công viên tuyệt đẹp này ngoài vai trò “làm lá phổi” cho trung tâm thành phố thì chưa thực sự là một không gian công cộng hấp dẫn mọi tầng lớp người dân đến sinh hoạt, vui chơi thư giãn, nhất là vào buổi tối. Các kiến trúc sư cho rằng, nếu được lắp thêm một số đèn chiếu sáng nghệ thuật, bố trí thêm một số công trình nghệ thuật thì người dân sẽ đến đây nhiều hơn.

Công viên dọc sông Sài Gòn trong cái nóng nực của miền nhiệt đới, đáng lẽ phải là một trong những không gian công cộng được người dân yêu thích và tìm đến nhiều nhất thì hiện chủ yếu chỉ có xe dừng, đậu. Nhiều đoạn của công viên còn bị chiếm dụng làm bãi giữ xe, nhà hàng.

TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, cho rằng: Những năm qua, TPHCM có hàng chục cây cầu mới được xây dựng. Thế nhưng, ngoài tiện ích về giao thông, chúng hầu như chưa đóng góp được gì cho kiến trúc đô thị. Phần lớn trong số đó chỉ là những khối bê tông nặng nề, to lớn, xám xịt với gầm cầu là một không gian tối tăm - nơi tụ tập của rác, của nhiều loại tệ nạn xã hội.

Tại nhiều nước trên thế giới, cầu được xây dựng như một công trình kiến trúc tiêu biểu cho thành phố. Vẻ đẹp này được thể hiện ở nhiều góc độ: kiểu dáng của cầu, kiểu dáng lan can, kiểu dáng đèn, cách chiếu sáng trên cầu hoặc thậm chí là những bức phù điêu gắn ở hai bên thân cầu… Ở TPHCM cũng có vài cây cầu được ngành chức năng quan tâm làm cho đẹp hơn như cầu Thủ Thiêm, cầu Khánh Hội… nhưng cũng mới chỉ dừng lại ở việc tạo kiểu dáng cho đèn, lan can…

Phải có sự chung tay của chính quyền và người dân

Tất nhiên, trong 2 đối tượng này thì chính quyền phải đi trước một bước. Chính quyền phải chủ động gìn giữ và quyết liệt tạo thêm không gian công cộng cho người dân. Người dân đi sau nhưng chính người dân mới là người tạo nên “cái hồn” cho không gian công cộng.

Kiến trúc sư Hồ Viết Vinh cho biết, ở nhiều nước, người dân được chủ động và cùng nhau làm đẹp không gian công cộng quanh mình. Họ có thể cùng nhau sơn lại một tháp nước hay vẽ một bức tranh lên thành cầu để xóa đi cái xám xịt, nặng nề của các khối bê tông... Có rất nhiều phương thức để làm cho không gian công cộng sống động và có hồn như có thể vẽ tranh, sơn mới lại một tháp nước như đã nêu và cũng có thể là tổ chức những buổi hội chợ, biểu diễn âm nhạc, hội họa, điêu khắc.

TS Nguyễn Trọng Hòa cho biết, ở nhiều nước châu Âu, vào những ngày nghỉ, sinh viên các trường nhạc, họa… thường hay ra công viên, quảng trường hay một không gian công cộng nào đó để biểu diễn. Động thái này vừa tạo thêm thu nhập cho sinh viên vừa là một nét văn hóa đáng yêu của các nước ấy. Việc tổ chức hội chợ hay dạ tiệc từ thiện… cũng là một cách thu hút người dân đến sinh hoạt, vui chơi và làm cho cuộc sống người dân thêm phong phú.

Tất nhiên, muốn tạo ra không khí này, không ai khác, chính quyền phải có cơ chế và động thái khuyến khích người dân tham gia vào. Như vậy, ngoài việc “giữ đất” cho các khoảng không gian đô thị, chính quyền còn phải tạo điều kiện cho người dân tạo ra hồn của các không gian đô thị. Một thành phố có nhiều khoảng không gian đô thị hấp dẫn không những làm cho chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên mà còn làm cho thành phố thêm hấp dẫn trong mắt du khách. Hoạt động du lịch phát triển cũng là một cách tạo thêm nguồn thu cho thành phố và như thế, rõ ràng đầu tư cho các khoảng không gian đô thị là một khoản đầu tư cực kỳ có lợi.

Tuy nhiên, tiếc rằng hiện nay nhiều nhà chuyên môn trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc lại đang than thở rằng: “Chúng tôi đang phải “đấu” với các nhà đầu tư địa ốc trong rất nhiều dự án phát triển đô thị để giành lại từng khoảng không gian đô thị công cộng cho người dân”.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng