Không giải cứu bất động sản

Cập nhật 08/03/2013 08:16

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý ở Bản tin kinh tế vĩ mô do Ủy ban Kinh tế của QH chủ trì thực hiện (dựa trên cơ sở ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của các chuyên gia kinh tế).

Theo đó, dù thị trường bất động sản (BĐS) đã bị đóng băng suốt một thời gian khá dài, song không ít doanh nghiệp (DN) kinh doanh BĐS vẫn cho rằng khó khăn của thị trường BĐS - kể cả ở phân khúc nhà ở trung lẫn cao cấp, chỉ là tạm thời và giá cả đã chạm đáy nên sẽ chóng hồi phục. Về việc quá trình điều chỉnh trên thị trường BĐS có khả năng còn kéo dài do không ít DN trong ngành vẫn găm giá chờ nhà nước “giải cứu”, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh “đây là một kỳ vọng hoàn toàn sai lệch, vì với quy mô hiện nay của nợ xấu trên thị trường BĐS, nhà nước không đủ khả năng giải cứu, kể cả nếu muốn. Hơn nữa, nhà nước cũng không thể chấp nhận giải cứu vì điều này càng khuyến khích rủi ro đạo đức, làm cho các DN tiếp tục kinh doanh liều mạng vì “lãi bỏ túi, lỗ sẽ có nhà nước lo”, tạo ra mầm mống cho các cuộc khủng hoảng nợ xấu trong tương lai”.

Để giải quyết nợ xấu trong năm 2013, trong đó có nợ xấu BĐS, cơ quan trên cho rằng Chính phủ cần đưa ra một thông điệp rõ ràng là sẽ không có một sự giải cứu nào đối với DN kinh doanh BĐS trung cấp và cao cấp mà hoàn toàn để thị trường quyết định và đào thải. Điều này sẽ buộc các DN có liên quan phải tính toán sớm hạ giá, giúp phá băng và tạo thanh khoản cho thị trường, qua đó đẩy nhanh quá trình điều chỉnh về điểm cân bằng dài hạn. Ngoài ra, Chính phủ cần sử dụng nguồn lực hạn hẹp cũng như những ưu đãi chính sách để ưu tiên hỗ trợ các DN xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở giá thấp để phục vụ cho số đông người thu nhập thấp.

Ủy ban này đưa ra nhiều khuyến nghị như xem xét khả năng tiếp tục giảm thuế và phí đối với người dân và DN, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân có khả năng tiết kiệm...

Người dân phải tham gia vào quá trình thu hồi đất

Ngày 7.3, tại TP.HCM, Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến dự thảo luật Đất đai (sửa đổi). TS Phạm Văn Võ, Phó trưởng khoa Luật thương mại, ĐH Luật TP.HCM, cho rằng các quy định về cơ chế thu hồi đất được nêu trong dự thảo còn sơ sài, thiếu cụ thể: “Quyền nhà nước ở đây quá lớn, vừa có quyền giao đất, ra quyết định thu hồi đất, rồi cưỡng chế. Khi người dân khiếu nại quyết định thu hồi đất thì nhà nước lại dùng quyền lực của mình để xử lý, làm sao có thể công tâm?”. TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM, nêu ý kiến: “Chúng ta lâu nay nhầm lẫn điều 12 giữa quyền định đoạt của chủ sở hữu với quyền định đoạt của nhà nước. Nhà nước đại diện quyền quy hoạch, chính sách tài chính đất... để chống đầu cơ. Đây là quyền của nhà nước chứ không phải của quyền chủ sở hữu". Một số ý kiến khác cho rằng, nếu có cơ chế bảo đảm người có đất bị thu hồi tham gia một cách thực chất vào quá trình thu hồi đất sẽ tạo sự đồng thuận và hạn chế tình trạng khiếu nại...


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên