Không được lựa chọn

Cập nhật 15/07/2014 11:02

Cuộc sống hiện đại, phụ nữ ngày càng biết chăm chút cho bản thân mình nhiều hơn, đặc biệt là đến các tiệm spa làm đẹp. Cùng lúc đó, trong quá trình đô thị hóa, nhiều người chọn giải pháp nhà ở chung cư và mong muốn một cuộc sống có chất lượng. Hai câu chuyện không liên quan đến nhau nhưng cùng một bản chất về nhu cầu cuộc sống. Tuy nhiên bi kịch ở chỗ: Phụ nữ có quyền lựa chọn dịch vụ làm đẹp theo túi tiền của mình, còn người ở chung cư lại không có quyền lựa chọn phí dịch vụ.

Sống ở chung cư vẫn có nhiều bất tiện. Ảnh: Hoàng Long

Câu chuyện này có thể hiểu theo nhiều hướng khác nhau. Nhu cầu làm đẹp của mỗi phụ nữ khi bước vào một spa  là hoàn toàn khác nhau về mức độ và tất nhiên giá cả cũng tùy theo mức làm đẹp, dù có thể chất lượng và mức độ làm đẹp của mỗi spa như nhau, nhưng giá tiền mỗi khách hàng phải bỏ ra lại có thể hoàn toàn khác nhau, bởi mỗi hình thức làm đẹp, mỗi thương hiệu, đẳng cấp, chất lượng… lại có những mức giá khác. Và phần đông phụ nữ họ tạm hài lòng về chuyện này, vì họ là người chủ động lựa chọn. 

Trong khi đó, nhà chung cư đang được xem là giải pháp hữu hiệu cho dân cư đô thị. Nhưng nghịch lý ở chỗ nếu đã ở chưng cư thì nghiễm nhiên người sử dụng sẽ phải chấp nhận một số thực trạng vốn đã trở thành "màu chủ đạo” của một bức tranh khá nhem nhuốc: nước, cầu thang máy và  loạn giá phí dịch vụ. Bất kể đó là chung cư nào từ cao cấp, trung lưu hay giá rẻ.

Cuối tuần qua, người dân ở nhiều khu chung cư của Hà Nội đã có những ngày không yên ả vì sự việc vỡ đường ống nước sông Đà lần thứ 8. Người ta gọi đó là sự cố. Nhưng có lẽ sự cố mang tên số 8 không được phép gọi là sự cố nữa mà phải được thay bằng hai từ thảm họa, vì không ai dám chắc sự cố này không lặp lại lần thứ n…

Anh Trương Minh Đức ở tòa nhà 17T4, Trung Hòa - Nhân Chính than thở, không có nỗi khổ nào bằng nỗi khổ mất nước, đã thế lại đúng vào hôm gia đình làm giỗ chạp. Nhà anh đã phải đặt toàn bộ thức ăn ở ngoài nhà hàng, bát đĩa, cốc chén đều là loại sử dụng một lần, kèm theo đó là mua 20 bình nước lọc…nhưng đến cuối bữa, nước sạch chỉ còn vài cốc ưu tiên cho trẻ con, người già. Anh em họ hàng muốn nán lại hàn huyên cũng không được, vì nước rửa tay, nước cho nhà vệ sinh không còn lấy một giọt. Từ trước đó vài ngày, cả gia đình đã phải khốn đốn vì không có nước sinh hoạt. Chủ nhân của căn hộ trên bày tỏ rằng, khi bỏ hơn 6 tỷ đồng để mua cùng một lúc hai căn hộ liên thông cũng đồng nghĩa với việc mong muốn hưởng một dịch vụ sống tốt thì hẳn anh cũng như nhiều người sống trong tòa nhà này đều có nhu cầu được chủ dự án chung cư "đối xử” tử tế. Đối xử ở đây chính là việc chủ dự án chung cư cần phải đồng hành cùng người dân trong việc xử lý các sự cố phát sinh. Sự cố vỡ đường ống thì đã xảy ra cả gần chục lần, nhưng lần nào dân cũng phải tự bươn chải đối phó… Chủ dự án chỉ biết thông báo và cuối tháng vẫn thu tiền phí dịch vụ đều đặn không thiếu một đồng.

Trong khi đó, tình trạng nước sạch bị nhiễm bẩn, ô nhiễm gây bức xúc nghiêm trọng. Đơn cử như câu chuyện ô nhiễm nước ở khu vực Mỹ Đình II. Sở Y tế Hà Nội đã phải công bố 100% mẫu nước được lấy tại Trạm cấp nước Mỹ Đình II đều có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng cho phép. Trạm cấp nước này cũng đã bị đóng cửa để khắc phục tình trạng trên. Nhưng hậu quả quá khôn lường. Từ sự việc Mỹ Đình II, dân chung cư bàng hoàng chợt nhận ra một điều, tháng nào chủ dự án hoặc ban quản lý chung cư cũng đăng kiểm nghiệm mẫu nước và tiền thu theo giá nước sạch, nhưng liệu nước có sạch thật thì không ai dám chắc?!

Lại một lần nữa, người dân phải tự cứu mình. Đó là câu chuyện cư dân CT2A Tân Tây Đô - Tân Lập, Đan Phượng (Hà Nội) đã phải chủ động đi xét nghiệm nước thì mới biết được mức Asen vượt tiêu chuẩn 5.6 lần. Từ rất lâu, nước ở các khu chung cư của khu Linh Đàm có vấn đề đến mức nhìn thấy được, ngay cả bây giờ khi hệ thống nước đã được chủ đầu tư thông báo là sạch hoàn toàn thì nhà nào nhà nấy vẫn phải trang bị một chiếc máy lọc nước để "chắc ăn”. Vì vẫn là nước đó, nếu không qua bộ lọc chỉ cần đun sôi để nguội qua một ngày là nổi cặn bẩn.

Thang máy xuống cấp ở một số chung cư cũ hiện nay cũng đang là bài toán chưa có lời giải. Chỉ mới đây thôi, một chung cư ở trên đường Hoàng Đạo Thúy, Trung Hòa-Nhân Chính, vì thang máy bị kẹt nên một người dân đã tử nạn khi bước hụt vào thang máy.

Cho nên chẳng lấy làm ngạc nhiên khi nhiều người ở chung cư hằng ngày, vào mỗi buổi tối vẫn phải rao giảng cho các thành viên trong gia đình mình những bài học "kỹ năng sống” ở chung cư,  đặc biệt là cho người già, người giúp việc và trẻ em. Chưa kể chuyện chung cư không có không gian vui chơi, giá phí gửi xe ô tô, xe máy thì loạn như cào cào. Như vậy, với mức tiền bỏ ra hàng tháng và những gì người dân chung cư đang nhận được liệu có xứng đáng? Trong khi tiền phí dịch vụ cứ đến kỳ là  đóng đầy đủ, chưa kể loạn giá ở mỗi nơi. Dù nhiều văn bản pháp lý được ban hành nhưng vẫn chẳng ai trong số những người sống ở chung cư có quyền lựa chọn cho mình một dịch vụ tương xứng. Cho nên, từ vấn đề thu phí dịch vụ đã xảy ra rất nhiều vấn đề khiến cư dân lẫn chủ đầu tư không thống nhất được quan điểm dẫn đến xảy ra tranh chấp.

Câu chuyện về phí dịch vụ chung cư xem ra vẫn còn nhiều vấn đề cần phải bàn. Có lẽ lúc này, vấn đề chính không phải là chuyện đắt hay rẻ nữa, cái mà người dân quan tâm lúc này là dịch vụ phải tương xứng, đặc biệt thu chi phải minh bạch và thước đo nào đo đếm được việc thu phí. Đây cũng được xem là mấu chốt quan trọng, khiến việc vận hành chung cư tại các nước tuy chỉ dựa trên sự thỏa thuận của khách hàng và đơn vị cung cấp dịch vụ song không hề nảy sinh mâu thuẫn, mà không cần bất kỳ một văn bản pháp lý nào.


DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn kết