Không đồng bộ cũng là lãng phí

Cập nhật 09/07/2009 13:20

Cầu Thủ Thiêm đã thông xe từ lâu, nhưng đến nay xe cộ lưu thông vẫn gặp khó khăn do đầu cầu phía Bình Thạnh đang thi công phần cầu dẫn. Ảnh: Lê Toàn

Tình trạng đầu tư, phát triển không đồng bộ ở Việt Nam diễn ra hầu như trên mọi lĩnh vực và có xu hướng ngày một nhiều hơn. Đầu tư như vậy, tuy ít nhiều tạo ra động lực phát triển cho nền kinh tế, nhưng nó cũng để lại những hậu quả tai hại khôn lường.

Cầu Thủ Thiêm, nối liền hai bờ đông và tây của sông Sài Gòn, là một trong những cây cầu được trông đợi nhất ở TPHCM. Thế nhưng, kể từ khi cây cầu được đưa vào sử dụng cho đến nay, lượng xe cộ qua lại hàng ngày rất thưa thớt.

Ở phía quận Bình Thạnh, sau hơn một năm rưỡi kể từ khi khánh thành cầu chính, vẫn còn là công trường ngổn ngang và đến nay nhà thầu vẫn chưa thể hoàn tất phần móng của đường và cầu dẫn. Còn phía quận 2, đoạn đường nối từ cầu Thủ Thiêm tới đại lộ Đông - Tây, chủ yếu được người dân sử dụng làm nơi thả diều, tập thể dục. Chính vì giao thông ở hai đầu còn nhiều ách tắc, nên nhiều người dân vẫn chọn phà làm phương tiện qua lại giữa quận 2 và khu trung tâm.

Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều ví dụ về tình trạng đầu tư không đồng bộ, vốn đang diễn ra hầu như trên tất cả các ngành, các lĩnh vực ở Việt Nam từ nhiều năm qua.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, cho rằng vấn đề đầu tư, phát triển không đồng bộ gần đây có xu hướng tăng lên nhiều. Hàng loạt những dự án lớn trong ngành luyện cán thép, sản xuất xi măng… ra đời mà không tính đến yếu tố tương thích của cơ sở hạ tầng kỹ thuật, khả năng cung cấp năng lượng cũng như nguồn nhân lực. Ông nói: “Nhiều năm trước đây, mặc dù kinh tế Việt Nam kém phát triển, trình độ quản lý thấp, nhưng công tác kế hoạch hóa được thực hiện tốt hơn hiện nay nhiều”.

Trước đây, việc đầu tư, phát triển thiếu đồng bộ thường có nguyên nhân thiếu vốn và thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản phải xét duyệt kéo dài qua nhiều cấp. Nhưng hiện nay, nguồn vốn đã dồi dào hơn, quy trình thủ tục hành chính được rút gọn và phân cấp mạnh mẽ cho các chủ đầu tư, nhưng tình hình chẳng những không được cải thiện, mà còn có chiều hướng xấu hơn.

Ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng đây là hậu quả của cơ chế phân cấp quá nhanh. Ông khẳng định: “Phân cấp là cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta tiến hành phân cấp quá nhanh và rộng, trong khi bộ máy của những nơi tiếp nhận chưa đủ năng lực để làm, thiếu nguồn nhân lực. Các điều kiện về cơ chế ràng buộc, chế tài chưa đủ, nên phản tác dụng”.

Có thể nói, năng lực của bộ máy quản lý ở các cấp không theo kịp với tốc độ tăng đầu tư của nền kinh tế.Năng lực điều hành, tổ chức thực hiện kém cộng với yếu kém trong khả năng phối hợp giữa quản lý ngành và quản lý theo lãnh thổ càng làm cho sự thiếu đồng bộ trở nên nghiêm trọng.

“Tôi tin rằng khi cấp phép cho các dự án luyện cán thép, các địa phương đã không tham khảo ý kiến của tập đoàn Điện lực về khả năng cung ứng và phát triển nguồn điện”, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh khẳng định. Cũng vậy, khi lập kế hoạch xây dựng đường, ngành giao thông vận tải đã không phối hợp được với các ngành viễn thông, cấp nước, điện lực… nên mới xảy ra tình trạng đào lên lấp xuống lộn xộn.

Điều đáng nói là tình trạng không phối hợp được với nhau còn diễn ra cả ở những dự án chỉ có một chủ đầu tư. Cuối năm ngoái, khi Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc thực hiện chương trình mua sắm thiết bị dạy học tại các cơ sở thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã phát hiện không ít trường hợp mua thiết bị về để trong kho, vì chưa có chỗ để lắp đặt, gây thiệt hại nhiều tỉ đồng.

Bên cạnh đó, vì một lý do nào đó, chủ đầu tư chủ động chia dự án lớn thành nhiều dự án nhỏ. Đến khi triển khai, việc kết nối giữa các dự án lại không được thực hiện tốt, nên không thể hoàn thành các dự án một cách đồng bộ.

Cũng theo ông Trần Xuân Giá, ngoài các nguyên nhân kể trên, tình trạng đầu tư thiếu đồng bộ còn do trình độ tư vấn, thiết kế kém, không tính toán được đầy đủ các hạng mục và chi phí cần thiết của công trình, phải mất nhiều thời gian bổ sung, điều chỉnh; khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, nên nhiều chủ đầu tư có xu hướng chọn giải pháp giải tỏa được đến đâu, giao cho nhà thầu làm đến đó.

Đây có lẽ là nguyên nhân chính của tình trạng làm cầu xong nhưng chưa có đường, hoặc đường làm mãi nhưng không thông xe được, vì bị “da beo”.Ngoài ra, năng lực kém cỏi của nhà thầu, cộng với trình độ quản lý và tổ chức thực hiện yếu của chủ đầu tư làm cho dự án bị kéo dài, dẫn đến thiếu vốn do giá cả vật tư trên thị trường leo thang.

“Đầu tư thiếu đồng bộ, tuy có đóng góp chút ít vào tăng trưởng GDP, nhưng nó sẽ để lại hậu quả khôn lường cho nền kinh tế”, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh khẳng định. Ông nói: “Nó làm tăng mất cân đối giữa cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội và yêu cầu phát triển của nền kinh tế, gây ra căng thẳng về cung - cầu năng lượng, đường sá bị tắc nghẽn, hệ thống cảng bị quá tải; nguồn nhân lực không phát triển kịp với nhu cầu; môi trường bị tàn phá ngày càng nghiêm trọng”.

Đáng ngại hơn, tình trạng này còn làm suy giảm nguồn lực tài chính, vốn còn rất eo hẹp, của Việt Nam. Lẽ đương nhiên, một công trình không được đầu tư đồng bộ, sẽ không bao giờ phát huy được công suất như thiết kế, gây ra lãng phí lớn, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp, làm tính cạnh tranh của nền kinh tế giảm, còn nguy cơ lạm phát cao.

“Ai cũng biết đây là bất cập lớn của nền kinh tế, cần được khắc phục sớm. Việc giải quyết tưởng chừng rất đơn giản, nhưng thực tế rất khó khăn”, ông Trần Xuân Giá nói. Theo ông, có “hàng núi” vấn đề liên quan phải giải quyết nhằm khắc phục tình trạng đầu tư không đồng bộ, từ năng lực của nhà thầu, trình độ điều hành và tổ chức thực hiện của chủ đầu tư, cho đến công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, vấn đề phân cấp, khả năng phối hợp quản lý theo ngành và theo lãnh thổ, chiến lược phát triển nguồn nhân lực và các cơ chế chính sách có liên quan.

Ông nhấn mạnh: “Nguồn nhân lực là yếu tố rất quan trọng. Muốn phát triển lĩnh vực nào hay thực hiện một cơ chế mới (chẳng hạn như việc phân cấp), thì phải chuẩn bị nguồn nhân lực từ trước đó nhiều năm. Tôi lấy một ví dụ, mãi đến năm 1971 miền Bắc mới có truyền hình, nhưng từ năm 1960 nhà nước đã cử người sang Liên Xô để đào tạo, trong đó có học cả về truyền hình màu. Điều này phần nào cho thấy, thời bao cấp chúng ta làm kế hoạch về nguồn nhân lực bài bản và tốt hơn so với hiện nay”.

 

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG