Tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu với Bộ Xây dựng ngày 17.2, vấn đề quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng và trật tự đô thị được bàn thảo sôi nổi.
Đô thị Hà Nội manh mún, lộn xộn nhìn từ trên cao
|
"Đại gia nhảy vào, công viên thành khu dân cư ngay"
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh Thủ tướng đặc biệt lưu ý Bộ Xây dựng trong việc thực hiện nghiêm túc quy hoạch. "Thủ tướng nhận xét rằng một số nơi chủ đầu tư xin điều chỉnh quy hoạch, thậm chí điều chỉnh luôn cơ quan quản lý địa phương, dồn nén dân cư vào khu đô thị cũ, phá vỡ quy hoạch ban đầu", ông Dũng nói.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đồng tình: Nước ngoài phố rộng bao nhiêu thì nhà cao bấy nhiêu, nhưng ở ta, đường bé mà nhà cao tầng chất đầy. Ông Thừa cho rằng quy hoạch đô thị hiện chất lượng thấp, định hướng yếu và tắc đường tại các TP lớn hiện nay chính là hệ quả của việc này. "Người dân rất bức xúc vì phân cấp nhưng thiếu giám sát nên vì lợi ích của doanh nghiệp, vì cái lợi ngắn hạn trước mắt của địa phương như nguồn thu mà điều chỉnh quy hoạch. Bên cạnh đó, công khai thực hiện quy hoạch còn yếu, chỉ khi có dư luận thì thanh tra vào mới kết luận có vấn đề".
Ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, chỉ ra rằng các quy định của luật Quy hoạch chưa đủ sức ngăn chặn tiêu cực, dẫn đến tình trạng "đại gia nhảy vào thì công viên thành khu dân cư ngay" mà không thể nào ngăn cản được.
Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận: "Phương thức điều chỉnh quy hoạch có thể không sai nhưng cách làm chưa đúng. Vì khi xây dựng quy hoạch thì theo quy trình chặt chẽ, với nhiều bên tham gia, thẩm định kỹ nhưng đến khi điều chỉnh thì có khi chỉ một ít người làm thôi và không loại trừ biểu hiện lợi ích nhóm, áp lực từ nhà đầu tư ở thời điểm nào đó".
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng một lần nữa nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng: "Không để nhà đầu tư luồn lách điều chỉnh quy hoạch".
"Thủ tướng biết rất rõ"
Một nội dung quan trọng không kém mà Thủ tướng kỳ vọng sẽ có chuyển biến lớn là Bộ Xây dựng sẽ quản chặt đơn giá xây dựng trong các công trình vốn ngân sách.
Theo ông Lê Mạnh Hà, hiện định mức kỹ thuật rất cao dẫn đến tiêu cực lớn, gây tốn kém cho ngân sách. Dẫn chứng câu chuyện một số doanh nghiệp công ích TP.HCM từng chia lương cho lãnh đạo 2,5 tỉ đồng/năm mà nguyên nhân chỉ vì... thừa tiền do hưởng định mức cao. "Đáng ra việc ấy đơn giá chỉ 1 đồng thì lại cho phép 3 đồng. Cho nên nhiều doanh nghiệp bảo chỉ cần trúng thầu là chắc chắn có lãi", ông Hà nói.
"Thủ tướng cũng từng ở địa phương nên nắm việc này rất kỹ. Thủ tướng nhắc đừng để nhà thầu can thiệp điều chỉnh định mức, đơn giá xây dựng. Vì chỉ cần hệ số đào đắp đất mà địa phương làm cao hơn của Bộ 0,25 thôi là ngân sách mất tiền tỉ ngay", Bộ trưởng Dũng nói.
"Nhiều người cũng nói với tôi sao đường cao tốc nước ngoài chỉ làm từng này tiền mà VN lại cao hơn", Bộ trưởng Xây dựng chia sẻ, và thừa nhận có một số quy chuẩn, tiêu chuẩn được hình thành từ bao cấp, nên đã lạc hậu, cần bổ sung sửa đổi. "Đơn giá cũng vậy. Nếu sửa, tôi tin rằng sẽ giảm vốn đầu tư của ngân sách và xã hội đi nhiều", ông Phạm Hồng Hà nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên