Không "đẻ" được đô thị mới vì vướng thủ tục

Cập nhật 15/03/2008 08:00

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam trong cuộc tiếp xúc với báo giới đã khẳng định, nhiều đánh giá vội vã cho là thị trường nhà đất nơi nóng, nơi nguội đều là cảm tính. Thứ trưởng cũng cho biết, sở dĩ nguồn cung nhà đất ở Hà Nội còn hạn chế vì nhiều năm nay, hầu như chưa có thêm dự án khu đô thị mới nào khởi công do vướng thủ tục.

Giá BĐS ở VN chưa lọt hàng "top ten"

* Vậy nếu bỏ qua những thông tin không chính thống đang bủa vây thị trường BĐS, nhận định của Thứ trưởng về thị trường này hiện nay thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: - Tôi cho rằng thị trường BĐS của chúng ta hiện nay cơ bản phát triển tốt, nhiều nhu cầu, sôi động, được cả người dân lẫn đông đảo doanh nghiệp trong, ngoài nước quan tâm. Mặc dù, bên cạnh đó vẫn có những yếu tố bất thường như: đầu cơ, đẩy giá lên quá cao, mua bán trao tay... nhưng đó là những diễn biến tất yếu, phải điều chỉnh dần.

Về BĐS, quan trọng số 1 là vị trí. Chẳng hạn, dự án ở các đường phố đẹp, nội đô hoặc khu mới... không thể có chuyện đóng băng không bán được; nhưng nhiều nơi khuất nẻo, hoặc dự án chọn sai "địa lợi" - không hấp dẫn thì không thể đổ cho tình hình chung!

Tôi không tán thành thông tin cho rằng hiện nay BĐS Việt Nam có giá cao nhất thế giới. Chúng tôi có số liệu cụ thể đây: thị trường BĐS Việt Nam còn kém xa nhiều thị trường khác trên thế giới, thậm chí chưa được xếp hạng trong 10 thị trường giá nhà đất cao vào loại "top ten".

Thị trường cao nhất xấp xỉ 50 ngàn USD/m2, trung bình cũng 7 - 8 ngàn USD/m2. Việt Nam đã có vị trí căn hộ nào 4 - 5 ngàn USD/m2 đâu, mới chỉ có trên 2 ngàn USD/m2 là cao nhất!

* Cho dù các thông tin có được bung ra thế nào thì thực tế cung nhà ở hiện nay vẫn được tính toán là chưa đáp ứng đủ cầu, Thứ trưởng có cho là đúng như vậy không và định hướng giải quyết trước mắt?

Cung - cầu nhà ở hiện nay đang mất cân đối lớn. Tuy nhiên, khoảng 2 năm nữa, tình hình sẽ khác! Hiện nay, các doanh nghiệp tham gia vào thị trường BĐS rất nhiều, số lượng dự án cũng rất nhiều, lượng vốn đổ vào đây rất lớn.

Các chính sách cũng đang được xây dựng cho thông thoáng hơn, cụ thể hơn, tạo điều kiện tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Chỉ đến 2010, số lượng nhà ở sẽ được hoàn thiện thành hàng hóa cung cấp cho thị trường khá lớn.

Song, dự báo đến năm 2020, số dân đô thị sẽ tăng gần gấp đôi. Theo tôi, đóng một vai trò không nhỏ để giảm áp lực thiếu nguồn cung BĐS, các cơ quan truyền thông, ngôn luận rất nên hướng người dân tới một tư duy mới về nhà ở: thuê nhà thay cho sở hữu.

Việc mỗi gia đình, hoặc thậm chí hộ độc thân cũng sở hữu 1 nhà ở là rất khó ngay cả đối với những quốc gia giàu có, phát triển lâu năm. Khi thuê nhà, việc thay đổi chỗ ở, thay đổi nơi làm việc... sẽ diễn ra hết sức nhẹ nhàng! Khi chưa có điều kiện, ta cứ nên bằng lòng với việc thuê đến khi đủ điều kiện thì sở hữu, không cần thiết phải sở hữu bằng mọi giá!

Bên cạnh đó, rất nhiều biện pháp giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân cũng đang được thực hiện. Đối với nhà ở cho người nghèo, Bộ chúng tôi đã đề xuất, trình Chính phủ hỗ trợ bằng tiền: ngân sách Trung ương hỗ trợ mỗi hộ 8 triệu đồng, ngân sách địa phương hỗ trợ đối ứng thêm 2 triệu đồng, dân vùng sâu vùng xa được thêm 1 triệu nữa là 11 triệu đồng - để họ lo một nơi ăn chốn ở tối thiểu.

Tại đô thị, đối với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, công nhân... chương trình nhà ở xã hội đang được triển khai theo hướng Nhà nước bỏ kinh phí ra xây nhà cho thuê phù hợp với khả năng chi trả.

Các dự án đang chịu "mê hồn trận" thủ tục!

* Thưa Thứ trưởng, nguyên nhân vì đâu mà nguồn cung mãi vẫn hạn chế, chưa đáp ứng đủ cầu về nhà ở?

Tôi muốn nhấn mạnh: số lượng doanh nghiệp sẵn sàng hoạt động trong lĩnh vực này rất nhiều. Mà khi số lượng doanh nghiệp nhiều thì số lượng dự án cũng rất nhiều. Vốn có thể huy động nhiều nguồn. Thế nhưng, riêng tại Hà Nội, nhiều năm nay, hầu như chưa có thêm dự án khu đô thị mới nào khởi công!

Việc này tôi đã báo cáo Chính phủ. Lý do chủ yếu là do thủ tục, trình tự xét duyệt, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng, cấp đất, cấp phép xây dựng, đấu thầu, thỏa thuận qui hoạch kiến trúc... kể cả về Luật Đầu tư - đều rất phức tạp, kéo dài.

Theo kinh nghiệm của tôi, quá trình một dự án từ khi chuẩn bị đến lúc khởi công phải mất 3 năm, trong khi sau đó thi công xây dựng chỉ mất 2 năm! Xin nọ, trình kia, thỏa thuận, đấu nối, phòng cháy, chữa cháy.... lằng nhằng như "mê hồn trận"!



Một dự án khu đô thị 840ha tại Hà Tây vừa được giao
nghiên cứu qui hoạch dịp cuối 2007 (Ảnh tư liệu).


* Nhà ở thương mại còn "chịu trận" như vậy, lấy đất, vốn và người ở đâu ra để kiên trì làm nhà ở xã hội, thưa Thứ trưởng?

Việc đầu tiên phải đi từ qui hoạch. Trước đây chúng ta hay có qui hoạch chung về đất ở (trong đó có đất xây nhà ở thương mại và nhà ở xã hội) mà chưa có qui hoạch riêng. Thời gian tới, sẽ phải qui hoạch riêng: trong tổng diện tích đất ở tại các đô thị sẽ phải dành 30% xây nhà ở xã hội; còn 70% quỹ đất dành cho các dự án nhà thương mại lại phải dành tiếp 20% nữa cho nhà ở xã hội.

Thêm nữa, sẽ có một tổng công ty trực thuộc Trung ương hoặc chính quyền địa phương làm công ích để tiếp nhận các khu đất này, phát triển quỹ nhà xã hội. Chính doanh nghiệp công ích này sẽ dựa trên tiêu chí đặt ra mà tổ chức ký hợp đồng, thu tiền của người thuê nhà; tổ chức bảo dưỡng, dịch vụ; có trách nhiệm bảo toàn vốn và tái đầu tư...

Hiện chúng tôi đang tổng hợp số liệu về nguồn vốn, dự kiến từ nay đến 2010 sẽ phải chi khoảng 35 nghìn tỉ đồng để phát triển nhà ở xã hội. Đây là một lượng vốn rất lớn trong tình hình hiện nay nhưng dù đi vay cũng vẫn phải làm!

Mở rộng ra Hà Tây: siết chặt quy hoạch

* Trong khi Hà Nội đã lâu im ắng chưa khởi công nổi một khu đô thị mới nào thì Hà Tây ngay sát cạnh thời gian qua nở rộ khởi công nhiều khu đô thị mới, cũng như hơn 100 dự án được giao nghiên cứu. Tuy nhiên, các nhà đầu tư chưa kịp mừng trước thông tin Hà Nội "ôm" trọn Hà Tây thì đang vô cùng lo lắng vì "lệnh" tạm ngừng giao đất dự án chờ rà soát, e sẽ ảnh hưởng tiến độ triển khai, làm đình trệ các dự án?

Mục tiêu, chủ trương của việc mở rộng địa giới Hà Nội được khẳng định là đúng đắn, về lâu dài sẽ tạo nên một Thủ đô hiện đại, văn minh, xứng tầm khu vực. Việc mở rộng này đương nhiên tăng quỹ đất phát triển đô thị Hà Nội vốn đang căng thẳng, lượng dân ở quá đông. Mà có đất thì thị trường BĐS sẽ có cơ hội sôi động hơn vì quan trọng nhất để phát triển thị trường BĐS là gắn liền với đất. Nhất là, đối với đất mới ở Hà Tây, việc qui hoạch sẽ bài bản hơn xét trên tất cả các phương diện: giao thông, môi trường, nhà ở...

Tuy nhiên, trước lượng dự án được phê duyệt, cấp đất tăng đột biến vào nửa cuối 2007 và nhất là dư luận có thông tin rằng các dự án ở Hà Tây tranh thủ để được duyệt, được cấp đất trước khi nhập về Hà Nội - vừa qua Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Xây dựng thành lập đoàn kiểm tra. Đến lúc này, đoàn kiểm tra đã được lập và chia làm 2 nhóm kiểm tra tại Hà Nội - Vĩnh Phúc và Hà Tây - Hòa Bình.

Việc kiểm tra này trước hết nhằm đối chiếu với qui hoạch hiện tại, đối chiếu với định hướng qui hoạch Thủ đô, ít nhất phải phù hợp! Ví dụ, các dự án về sản xuất, công nghiệp thì đã nằm trong qui hoạch tổng thể, có lẽ không vấn đề gì nhưng các dự án khu dân cư, nhà ở... sẽ được Bộ Xây dựng đối chiếu với qui hoạch hiện tại, đối chiếu với định hướng qui hoạch trong tương lai.

Thời gian tới, qui hoạch sẽ được tập trung làm thật nhanh để có cơ sở đối chiếu, không làm đình trệ các dự án. Sau đó, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định xem dự án nào được tiếp tục, dự án nào tạm phải ngưng.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Thứ trưởng Nam nói một cách hình tượng: "Vài thày lang bắt mạch được khu này giao dịch đang nguội lạnh, khu kia đang nóng ran, có thể ở vùng đó nguội hoặc nóng thật - nhưng tổng quan có nguội hay nóng thế không, hay chỉ ở những địa điểm, phân khúc và thời điểm nhất định thôi?

Có thông tin trên báo nhận định khu vực này nguội vì 2 ngày nay lượng giao dịch giảm hẳn, nhưng thật ra đó chỉ là thông tin lấy từ một văn phòng, trung tâm môi giới nhà đất nhỏ, có khi chỉ 2 nhân viên, 1 cái điện thoại và 1 cái bàn! Có tuần trung tâm này may mắn môi giới thành công được 3 cái nhà thì bảo là sốt, có lúc mấy hôm liền chưa ai hỏi (vì nhiều lý do) thì bảo đóng băng!".


Theo VietNamNet