Không để bong bóng bất động sản xảy ra như hồi 2007 – 2008

Cập nhật 29/10/2016 12:37

Trên đây là nhận định của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa trong cuộc họp chiều ngày 28/10 tại TP.HCM. Ông cũng cho rằng trong năm 2017 tình hình sẽ không có biến động lớn.


Ông Trần Trọng Tuấn – Giám đốc sở Xây dựng cho rằng báo chí cần cẩn trọng khi thông tin về thị trường bất động sản.

Báo cáo tại buổi họp, ông Trần Trọng Tuấn – Giám đốc sở Xây dựng đánh giá rằng hiện đang có ý kiến cho rằng thị trường bất động sản (BĐS) đã chững lại và mất căn bằng.

Tuy nhiên theo ông, vấn đề này “có đến mức lo lắng hay không thì chúng ta phải rất cẩn trọng trong thông tin và cả giải pháp”.

“Nếu lấy con số 6 tháng đầu năm 2016 thì thị trường (TP.HCM) có số căn hộ tung ra là hơn 47 ngàn căn, chào bán được 14 ngàn căn (khoảng 31%). Nếu nhìn vào 31% thì thấy giảm, con số tuyệt đối cũng giảm.

Nhưng đó mới chỉ là số liệu 6 tháng, mà chúng ta đang ở thời điểm 10 tháng, cho nên chúng tôi đang rà soát, tổng hợp lại để có đánh giá chứ không vội vàng. Trong thông tin báo chí cũng cần cẩn trọng để ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường” – ông Tuấn nói.

Cũng theo ông, từ giờ đến cuối năm xu hướng thị trường giao dịch căn hộ sẽ cao lên.

Qua phân tích về huy động vốn mà các chủ đầu tư gửi đến, Sở Xây dựng đưa ra dự báo rằng năm 2017 số lượng căn hộ đưa ra thị trường khoảng gần 58 ngàn căn, trong đó phân khúc bình dân sẽ tăng 9%.

“Hiện có 39 dự án nhà ở xã hội, tính đến 2020 sẽ có khoảng 47.000 căn. Như vậy lo lắng về cung vượt cầu về nhà ở cao cấp là có, nhưng bằng các biện pháp thúc đẩy, hỗ trợ cho nhà ở xã hội thì sẽ thúc đẩy cho thị trường cân bằng” – ông Tuấn cho hay.

Nói thêm về vấn đề này, ông Lê Văn Khoa – Phó chủ tịch UBND TP cho biết trong tuần vừa rồi Thường trực Chính phủ có mời các bộ cùng Hà Nội và TP.HCM ra để nhận định về tình hình bất động sản.

Là người tham gia hội nghị này, ông đã truyền đạt lại ý kiến của Chính phủ nhấn mạnh rằng cần “cố gắng không để bong bóng BĐS xảy ra như hồi 2007 – 2008”, vì hậu quả rất nặng nề tiêu cực đối với kinh tế chung.

“Có 4 đến 5 yếu tố hình thành nên bong bóng BĐS. Qua trao đổi các bên xác định những yếu tố này hiện nay vẫn kiểm soát được” – ông Khoa nói.

“Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế chúng ta không còn nóng. Thứ hai, dòng tín dụng vào BĐS được kiểm soát tốt. Thứ ba, phân khúc thị trường dù hiện nay cả TP.HCM và Hà Nội đều lệch nhưng cái lệch đó có thể xem xét khắc phục được. Thứ tư, dòng đầu tư thứ cấp mà nhiều hơn thì chúng ta lo, hiện nay theo thống kê ta có khoảng 50%, trong khi thứ cấp lúc bong bóng cao là khoảng 70 đến 80%” – ông Khoa phân tích.

Ông Lê Văn Khoa - Phó chủ tịch UBND TP.HCM.

Sau đó, tuy nhận định rằng 2017 tới đây tình hình sẽ tương đối bình thường, không có biến động lớn, nhưng ông Khoa vẫn đề nghị theo dõi sát sao tình hình cung cầu, bởi bong bóng còn có nguyên nhân là cung nhiều cầu ít.

“Chúng ta phải xem phần nào thuộc thẩm quyền của TP có thể tính toán bằng quy hoạch, phần nào thuộc Trung ương thì kiến nghị bằng cơ chế, chính sách tín dụng” – ông Khoa cho hay.

Về phân khúc thị trường, sau cuộc họp với Chính phủ cả Bộ Xây dựng, TP.HCM và Hà Nội đều thống nhất rằng căn hộ cao cấp đang nhiều hơn so với nhu cầu, và “đây cũng là vấn đề cần quan tâm”.

“Trong phiên họp đó chúng tôi đề nghị sẽ nghiên cứu các công cụ về thuế, chính sách để thực hiện và kể cả chính sách về ngân hàng. Chính phủ sẽ nghiên cứu các đề nghị của TP và ra quyết định” – ông Khoa thông tin, và nhấn mạnh Sở Xây dựng cùng Ngân hàng nhà nước TP.HCM cần có sự phối hợp để mối quan hệ giữa doanh nghiệp BĐS và ngân hàng thật sự lành mạnh”.

“- Tuần tới báo cáo cho UB các chung cư cấp độ D (cấp độ nguy hiểm). Thủ tướng đã cho chúng ta chỉ định nhà đầu tư rồi, tôi muốn có danh sách này là để xắn tay tìm ngay nhà đầu tư.

- Lên danh sách các chung cư cải tạo chứ không xây mới trong 474 chung cư hư hỏng. Các chung cư sẽ phải tháo dỡ xây dựng mới thì chúng ta đã giải quyết được vấn đề rất quan trọng là tính toán được công thức để áp vào chỉ số quy hoạch cho các chung cư này, đó là điều kiện để mời gọi đầu tư tiếp theo.

- Phải phân nhóm chung cư trên từng địa bàn. Nếu không có chính sách thì doanh nghiệp chỉ tham gia cái thuận lợi mà bỏ qua không thuận lợi. Như vậy phải phân nhóm và mời gọi đấu thầu theo cơ chế đó thì các chung cư mới được xử lý hết”.

Ông Lê Văn Khoa chỉ đạo Sở Xây dựng về vấn đề cải tạo chung cư cũ.

DiaOcOnline.vn - Theo Infonet