Không để “bờ xôi, ruộng mật” bị quy hoạch thành… đất hoang

Cập nhật 30/01/2018 09:21

Vào ngày 03/01/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 01/CT/TTg “Về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai”.

Ảnh minh họa từ internet.

Chỉ thị đầu tiên của năm 2018 này đã chỉ rõ những bấp cập, tồn tại, yếu kém trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai, trên cơ sở đó đã đề ra những yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể đối với Chủ tịch UBND cấp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương cùng với các bộ, ngành liên quan.
Thực tế cho thấy, đất đai luôn luôn là điểm nóng trong thời gian gần đây. Khiếu kiện về đất đai chiếm phần lớn trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Xung đột có nguyên nhân từ đất đai xảy ra trong nội bộ nhân dân, trong gia đình, giữa cư dân địa phương với doanh nghiệp được giao đất, giữa dân với chính quyền các cấp trong cấp Giấy chứng nhận nhận quyền sử dụng đất, ở các dự án cho thuê đất và công tác đền bù, giải tỏa mặt bằng xây dựng,...

Đặc biệt chú ý là trong năm qua đã xảy ra những vụ trọng án do tranh chấp đất rừng xảy ra ở Tây Nguyên, các vụ tập trung đông người, chặn xe trên quốc lộ, bao vây trụ sở UBND,... đều có nguyên nhân xuất phát từ việc quản lý đất đai, vụ việc ở Đồng Tâm (Hà Nội) là một ví dụ điển hình.

Không ít cán bộ đã phải vướng vào lao lý vì buông lỏng quản lý đất đai hoặc có những sai phạm trong thực thi Luật đất đai, có vụ cả bộ sậu ngành Tài nguyên – Môi trường cùng các cán bộ lãnh đạo địa phương bị khởi tố trước pháp luật và không ít cán bộ ngành địa chính và lãnh đạo địa phương mất chức, bị kỷ luật vì “ăn đất”.

Nhức nhối nhất, đập vào mắt mọi người là những khu “đất vàng”, những “bờ xôi, ruộng mật” của nông dân bị thu hồi rồi bỏ hoang. Những cánh rừng bị tàn phá không thương tiếc bởi việc giao đất tùy tiện, nạn lấn đất, chiếm đất, lợi dụng dự án để thu hồi đất ngoài quy hoạch,... đã diễn ra ở tất cả các địa phương mà không được xử lý đến nơi đến chốn.

Đất đai là nguồn tài nguyên vô giá nhưng có hạn và lại là lĩnh vực kinh doanh mang lại món lợi nhuận khổng lồ. Vì thế, những biểu hiện của “lợi ích nhóm” thể hiện trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai là dễ nhận biết và khá phổ biến. Nếu không kịp thời chấn chỉnh thì hệ lụy xấu tất yếu sẽ xảy ra.

Đây là một Chỉ thị rất hợp lòng dân khởi đầu cho một năm mới tốt đẹp hơn. Vấn đề là ở chỗ triển khai và thực hiện hiệu quả.



DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật VN