Kinh doanh bất động sản ngày càng khó khăn, nhiều dự án rơi vào tình trạng ế ẩm, nhất là các dự án mang nhãn hiệu "cao cấp". Khách hàng chủ yếu đến từ những người có nhu cầu ở thật, khiến giới đầu tư lướt sóng ngày càng khó kiếm tiền. Trong bối cảnh này, nhiều câu hỏi đặt ra: không đầu tư vào bất động sản, dòng tiền nhà đầu tư sẽ đi đâu?
Mới đây, theo báo cáo của công ty TNHH CBRE, quý III/2018, thị trường chung cư tại Hà Nội đón nhận 5.000 căn hộ hạng trung và đã bán được tổng số 90%. Tuy nhiên, 1-2 năm tới, thị trường sẽ chào đón hàng chục nghìn căn hộ hạng trung. Mặc dù phân khúc nhà trung cấp và bình dân đang khan hàng, nhưng đây vẫn là bài toán cho tiêu thụ sản phẩm này.
Đầu cơ ngày càng khó
Tham gia đầu tư "lướt sóng" kiếm lời từ ngày thị trường bắt đầu rơi vào khủng hoảng, chị Bích Ngọc – một nhà đầu tư ở Hà Nội, cũng đã "ôm" được nhiều mảnh đất và chung cư do các nhà đầu tư khác cắt lỗ. Đến năm 2015, thị trường hồi phục, với nguồn vốn đầu tư không phải đi vay, chị đã lãi hàng chục tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 tới nay, chị than thở "mình đã bỏ số vốn hơn 5 tỷ đồng vào mấy căn chung cư từ tháng 1 đến giờ mà vẫn chưa bán được. Thị trường bây giờ ít nhà đầu tư lướt sóng, kiếm lời mà chủ yếu đến từ nhu cầu thật".
Cùng cảnh, chị Nguyễn Phương Thuỷ cũng còn 5 căn hộ rải rác tại 5 dự án khác nhau trên địa bàn Hà Nội, nhận nhà từ năm 2017, nhưng đến nay chưa bán được, chị đành đưa 2 căn này vào sửa chữa để cho thuê "lấy mỡ nó rán nó".
Chị Thuỷ còn vướng vào cảnh trả lãi ngân hàng nên như ngồi trên "lửa đốt". "Có lẽ mình cần phải bán cắt lỗ để lấy tiền trả ngân hàng trong năm 2018, chứ với tình trạng này thì mình không thể lo trả lãi được", chị Thuỷ chia sẻ.
Riêng đối với thị trường nhà ở gắn liền với đất, dù cung không đủ cầu, nhưng cũng chủ yếu đến từ nhu cầu ở thật, ít nhà đầu tư "lướt sóng" thị trường này vì cần phải trường vốn và có mối quan hệ nhất định với chủ đầu tư để mua ưu đãi.
Những trường hợp như chị Thuỷ và chị Ngọc không phải là số ít. Ngay cả các chủ đầu tư cũng như các sàn môi giới bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn. Hàng ngày, nhiều chủ thuê bao điện thoại rất bức xúc khi nhận gần chục cuộc mời chào mua bán bất động sản từ nhà ở chung cư, nhà liền kề, khu nghỉ dưỡng…
Chưa hết, mỗi khi khách hàng đi qua các dự án đều được các nhân viên bán hàng chạy ra săn đón, giới thiệu về dự án và "bám riết " lấy khách hàng. Nhiều người cho rằng đó thực sự là những cơn "ác mộng", vì sản phẩm bất động sản bây giờ không khác gì bán mớ rau, con cá ở ngoài chợ, mặc dù giá không hề rẻ.
Theo một số chuyên gia bất động sản, thị trường đang gặp khó khăn chung. Chưa nói đến chu kỳ 10 năm xảy ra khủng hoảng bất động sản, nhưng chu kỳ bất động sản đang giảm giá là sẽ xảy ra, khi thị trường bão hoà nguồn cung, nguồn cầu chưa hấp thụ hết.
Dòng tiền đầu tư bất động sản có dấu hiệu sang chứng khoán
|