Không cứu doanh nghiệp để cứu thị trường BĐS

Cập nhật 08/03/2013 10:22

Trong bản tin kinh tế mới nhất về tình hình kinh tế vĩ mô năm 2012 và tháng 1/2013, Ủy ban kinh tế Quốc hội tiếp tục đưa ra các khuyến nghị chính sách khá quyết liệt để xử lý nợ xấu. Trong đó có nợ xấu bất động sản và các giải pháp phá băng thị trường bất động sản.

Hạ giá sẽ phá băng thị trường


Nhanh chóng xử lý nợ xấu trong đó có nợ xấu bất động sản là 1 trong 4 chính sách được Ủy ban khuyến nghị thực hiện trong năm 2013 bên cạnh chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và tăng cường chi cho an sinh xã hội, đặc biệt là đối với người nghèo.

Sẽ không có sự giải cứu nào với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trung và cao cấp

Theo nghiên cứu của Ủy ban, nợ xấu trong 3 lĩnh vực quan trọng là thủy sản, năng lượng và bất động sản cần được ưu tiên giải quyết để thúc đẩy thị trường. Riêng với nợ xấu bất động sản, Ủy ban đề nghị Chính phủ cần có một thông điệp rõ ràng là sẽ không có một sự giải cứu nào với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trung và cao cấp mà hoàn toàn để thị trường quyết định đào thải. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đồng tình với đề xuất này bởi nó sẽ buộc các doanh nghiệp phải tính toán sớm hạ giá, phá băng và tạo thanh khoản cho thị trường.

Cũng theo phân tích của Ủy ban Kinh tế, quá trình điều chỉnh trên thị trường bất động sản có khả năng còn kéo dài do không ít các doanh nghiệp bất động sản vẫn găm giá để chờ một sự “giải cứu” từ phía Nhà nước. Tuy nhiên đây là một kỳ vọng hoàn toàn sai lệch, vì với quy mô hiện nay của nợ xấu trên thị trường bất động sản, Nhà nước không đủ khả năng giải cứu, kể cả nếu muốn.

Một giải pháp khác cần thực thi là Chính phủ ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng nhà xã hội và nhà ở thương mại giá  thấp để phục vụ người lao động thu nhập thấp, đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa giúp giải quyết tồn kho và giảm nợ xấu ở các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, cần minh bạch hóa và giám sát chặt chẽ việc thực thi. Để lành mạnh hóa thị trường bất động sản, Ủy ban đề xuất về lâu dài cần đánh thuế tài sản nhằm ngăn ngừa đầu cơ và tránh khủng hoảng nợ xấu trong tương lai.

Nợ xấu bất động sản ảnh hưởng tới hàng triệu lao động

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến thời điểm 30/9/2012, lĩnh vực bất động sản và hoạt động dịch vụ chiếm tỷ trọng nợ xấu cao thứ hai (khoảng 19,25%) sau lĩnh vực công nghiệp chế biến. Nợ xấu bất động sản kéo theo sự trì trệ của 2 ngành quan trọng là xây dựng và vật liệu xây dựng, ảnh hưởng tới đời sống và thu nhập của 3,3 triệu lao động. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang lâm vào tình trạng cụt vốn và phá sản, ảnh hưởng mạnh đến thanh khoản các ngân hàng, thậm chí uy hiếp an toàn của hệ thống các ngân hàng thương mại. 

Các nguyên nhân của nợ xấu do sai lệch lớn trong quan hệ cung cầu bất động sản về nhà ở và trong kỳ vọng của các doanh nghiệp bất động sản. Giá nhà đất đã tăng lên hơn 100 lần trong vòng 20 năm. Giá nhà ở trung bình cao hơn 25 lần so với thu nhập bình quân hàng năm của người lao động. Đồng thời, giá nhà ở Việt Nam lớn hơn gấp 5 lần so với các nước phát triển và gấp 10 lần so với nước chậm phát triển.

Kết quả dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2013 của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam là 5,31%, năm 2014 là 5,63% và năm 2015 (5,92%). Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra dự báo về tăng trưởng của Việt Nam từ ngắn đến trung hạn và cũng cho kết quả tương tự: năm 2013 (5,5%), năm 2014 (5,7%) và năm 2015 (6,0%). Về lạm phát, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam dự báo sẽ dao động trong khoảng từ 7,32% đến 8,84%, trong khi đó Ngân hàng ANZ dự báo trong khoảng từ 8-10%.


DiaOcOnline.vn - Theo Giao thông Vận tải