Đơn vị quản lý trực tiếp là Cục Thuế Gia Lai lại khẳng định không có việc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai chây ì thuế.
Tổng cục Thuế và đại diện Bộ Tài chính tuyên bố Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai nợ thuế; đơn vị quản lý trực tiếp là Cục Thuế Gia Lai lại khẳng định không có việc chây ì thuế.
Trong khi đó, người trong cuộc "sốc" đến mức định cách chức tất cả các cán bộ liên quan đến mảng thuế tại công ty cũng như phải đối mặt với hàng loạt cuộc điện thoại chất vấn của cổ đông, đối tác và các nhà đầu tư trên cả nước... về "sức khỏe" của tập đoàn. Để làm rõ nghi án "chây ì thuế" đang gây xôn xao dư luận,Phóng viên Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL).
Dự án 25.000 ha cao su của Hoàng Anh Gia Lai tại tỉnh Attapeu (Lào) - Ảnh: N.Sơn
* Ông có thể nói rõ sự thật "chây ì thuế" của HAGL đang gây xôn xao dư luận hiện nay?
Ông Đoàn Nguyên Đức: Tôi khẳng định không có "cái sự thật" nào về việc HAGL chây ì nộp thuế cả. Chỉ có một sự thật chúng tôi luôn là doanh nghiệp nộp nhiều nhất, nhanh nhất, đúng hẹn nhất ở tỉnh Gia Lai. Thậm chí có năm HAGL còn ứng trước tiền thuế để Cục Thuế Gia Lai hoàn thành chỉ tiêu thu thuế. Điều này các bạn có thể kiểm tra tại Cục Thuế tỉnh Gia Lai. Cuối tháng 7.2011, chúng tôi đã có tờ trình gửi chi cục Thuế tỉnh Gia Lai xin gia hạn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2010 đến tháng 3.2012 và được chấp thuận cho giãn thời gian nộp thuế đến ngày 31.3.2012. Trong thời gian gia hạn này, chúng tôi vẫn phải chịu tính phạt chậm nộp theo đúng quy định. Chúng tôi không có gì sai phạm, càng không có chuyện chây ì nộp thuế.
Theo quy định, đến hạn mà không nộp thuế, tự động tài khoản của DN sẽ bị phong tỏa. Nếu tôi thực sự chây ì thuế, tại sao tài khoản của tôi không bị phong tỏa? Không có căn cứ, không kiểm tra mà đã thông tin lên các phương tiện truyền thông thế này thì khác nào giết DN. |
* Trước đó, công ty ông đã bao giờ xin gia hạn nộp thuế chưa?
Ông Đoàn Nguyên Đức: Đây là lần đầu tiên chúng tôi xin gia hạn nộp thuế và đã được Cục Thuế tỉnh Gia Lai chấp thuận.
* Ông vẫn tuyên bố HAGL có 2.400 tỉ đồng trong tài khoản ngân hàng, tại sao lại phải xin gia hạn thuế khi số tiền thuế chưa tới 167 tỉ đồng?
Đúng thế, hiện tại HAGL vẫn đang có trong tài khoản khoảng 2.400 tỉ đồng và điều này hoàn toàn có thể kiểm chứng được. Vì lượng tiền này chúng tôi dự định sử dụng cho một số kế hoạch của công ty nên mới xin gia hạn thuế. Nếu không được, chúng tôi sẵn sàng nộp thuế. Nhưng được gia hạn và còn cả tháng nữa mới tới hạn, không thể nói chúng tôi chây ì nộp thuế được.
Ông Đoàn Nguyên Đức: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi xin gia hạn nộp thuế và đã được Cục Thuế tỉnh Gia Lai chấp thuận".
* Theo ông, tại sao lại xảy ra việc này?
Tôi không biết nhưng tôi rất khó hiểu khi thông tin thiếu chính xác này lại được phát ra từ cơ quan có thẩm quyền. Ngày nay, việc kiểm tra các thông tin tài chính của một DN không khó. Với công ty niêm yết như chúng tôi lại càng dễ hơn vì báo cáo tài chính, tài khoản... của chúng tôi đều có trên mạng. Theo quy định, đến hạn mà không nộp thuế, tự động tài khoản của DN sẽ bị phong tỏa. Nếu tôi thực sự chây ì thuế, tại sao tài khoản của tôi không bị phong tỏa? Không có căn cứ, không kiểm tra mà đã thông tin lên các phương tiện truyền thông thế này thì khác nào giết DN.
* Phản ứng của ông thế nào khi nhận được tin này?
Tôi đã sốc đến mức định cách chức tất cả các cán bộ có liên quan nếu thực sự để xảy ra việc này. Bởi với tôi, bị gọi là “chây ì thuế” là cực kỳ nhục nhã. Nhưng anh em đưa ra văn bản chấp thuận của Cục Thuế Gia Lai, kiểm tra lại tài khoản vẫn có 2.400 tỉ đồng thì không thể trách họ.
* Sau khi tin chây ì thuế lan truyền, ông đã phải đối mặt với điều gì?
Rất nhiều cổ đông, quỹ đầu tư, đối tác... liên tục gọi điện cho tôi. Do đây là thông tin từ Tổng cục Thuế nên không thể dễ dàng thuyết phục để họ tin. Đó là lý do tôi phải lên tiếng chính thức. Tôi nói thật, trong bối cảnh nhạy cảm hiện nay, thông tin kiểu này mà rơi vào công ty nhỏ thì chắc chết rồi. Sở dĩ chúng tôi trụ lại được vì chúng tôi có căn cứ, có cơ sở cụ thể để chứng minh. Hơn nữa, HAGL là một DN làm ăn đàng hoàng, có uy tín và phát triển bền vững nên không dễ "dập" được chúng tôi bằng cách như thế này.
* Ông nói không dễ "dập" HAGL, phải chăng ông nghi ngờ có động cơ gì đằng sau việc này?
Có gì đằng sau tôi không biết nhưng phát biểu thế này là quá vội vàng. Những phát ngôn kiểu này có thể giết chết DN. Chúng ta đều biết, nếu là tin đồn thì còn có hoài nghi nhưng thông tin từ đơn vị quản lý thuế thì ai cũng nghĩ chắc chắn phải có cơ sở, phải chính xác. Giả sử các cổ đông chiến lược, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước và hàng ngàn nhà đầu tư bỏ chạy, công ty sẽ phá sản. Như vậy, có phải đẩy chúng tôi vào chỗ chết? Hiện nay HAGL có khoảng 20.000 lao động, mỗi năm nộp cả ngàn tỉ đồng tiền thuế... nên không chỉ DN chết, hàng vạn người lao động bị mất việc mà còn tiêu diệt cả nguồn thu của ngân sách.
* HAGL đã có phản hồi gì với nơi phát đi thông tin này chưa, thưa ông?
Cục Thuế Gia Lai, nơi chúng tôi xin gia hạn thuế không phát đi thông tin này nên chúng tôi không có phản ứng gì. Tôi nghĩ để họ (Tổng cục Thuế) tự suy nghĩ, tự rút kinh nghiệm. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, theo tôi những phát biểu liên quan đến uy tín của DN phải hết sức thận trọng để không đẩy họ vào tình thế không sửa sai được. Tôi có đầy đủ bằng chứng, tôi không sai luật, tôi cũng không ngại nói thẳng, không ngại va chạm nhưng sẽ có rất nhiều trường hợp khác không thể lên tiếng mà phải âm thầm gánh hậu quả.
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Tài chính: Không nộp thuế mới bị phạt tiền chậm nộp
HAGL chậm nộp thuế, không đúng thời hạn, điều này thể hiện rõ nhất qua con số hơn 2 tỉ đồng tiền DN bị cơ quan thuế xử phạt do chậm nộp. Việc ông Nguyễn Tùng Khánh, Phó cục trưởng Cục Thuế Gia Lai ký quyết định đến 31.3.2012 là quyết định sẽ cưỡng chế, nếu DN không chịu nộp.
Ở đây phải hiểu rằng, đến ngày đó mà không nộp cơ quan thuế sẽ tiến hành phong tỏa tài khoản, cưỡng chế tài sản để thu nợ thuế về ngân sách. Vì biết DN khó khăn, nên từ tháng 7.2011 đến nay cơ quan thuế chỉ gửi thông báo tiền nợ thuế và tiền phạt do chậm nộp, chứ không quyết định cưỡng chế, để tạo điều kiện DN ổn định sản xuất, kinh doanh. Nếu quá thời hạn và việc đốc thúc, thông báo không hiệu quả, thì phải sử dụng đến biện pháp cưỡng chế.
Bà Nguyễn Thị Hà - Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Gia Lai: Tập đoàn HAGL không hề chây ì
Ngày 26.7.2011, HAGL có tờ trình xin được giãn thời gian nộp thuế của năm 2010. Cục Thuế Gia Lai đã có văn bản chấp thuận thời gian nộp thuế của tập đoàn này đến 31.3.2012. Theo đó, số tiền nợ thuế của HAGL đã được Cục Thuế Gia Lai cho phép, không hề có sự chây ì như một số thông tin của dư luận thời gian qua. Theo phân loại của Cục Thuế Gia Lai, đây là khoản nợ bình thường. Ngoài HAGL, nhiều DN trên địa bàn vẫn nợ thuế, chậm nộp thuế, đây là thực trạng chung khi kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn. Hằng năm, HAGL đều được các cơ quan chức năng cấp T.Ư cũng như địa phương tuyên dương vì có thành tích trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế cho nhà nước.
Trần Hiếu
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên