Không có TPP, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn tiếp tục "nóng" nhất trong khu vực

Cập nhật 30/01/2017 09:11

Các chuyên gia đều cho rằng vẫn còn quá sớm để khẳng định Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có trở thành hiện thực hay không. Tuy nhiên, theo đánh giá, “có hay không có TPP thì kinh tế vĩ mô Việt Nam nói chung và bất động sản nói riêng trong giai đoạn 3 năm tới vẫn không có gì thay đổi, nếu như không muốn nói tiếp tục trở thành "điểm nóng" đầu tư của doanh nghiệp ngoại.


Theo ông Alex Carane, Tổng giám đốc công ty Cushman & Wakefield Việt Nam, trong khi Việt Nam có thể sẽ là một trong những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất khi gia nhập TPP, nhưng tâm lý ngành sản xuất của Việt Nam vẫn không hề suy giảm bất kể việc tân tổng thống Mỹ Donald Trump phê chuẩn rút khỏi hiệp định này.

Tuy nhiên, thời gian việc điều chỉnh môi trường đầu tư và nhiều chính sách liên quan của Việt Nam đã góp phần rất lớn sự cải thiện đáng kể niềm tin của nhà đầu tư và các công ty kinh doanh nước ngoài đã hoặc sẽ tìm cách thâm nhập thị trường Việt Nam.

Đáng chú ý, các nhà đầu tư lớn của châu Á đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore đã không bị lung lay trong suốt quá trình tạm ngưng TPP và các công ty Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi những cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Cho dù tương lai TPP có như thế nào, nhưng hiệp định này đã thực sự giúp cho Việt Nam chuyển mình và đã tạo nên một sự khác biệt.

Cũng theo ông Alex, trong năm qua, thông qua các nghiên cứu của Cushman & Wakefield cho thấy, lĩnh vực BĐS Việt Nam vẫn không có bất kỳ ảnh hưởng nào từ tác động của TPP. Chính các chính sách đầu tư ngày càng cỡi mở và thân thiện đã giúp cho dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh vào dự án BĐS, trong đó có những dự án quy mô vốn đầu tư khá lớn.

Trong năm 2016, Cushman & Wakefield đã dàn sếp thành công giao dịch cho thuê đầu tiên với tài sản được xây theo yêu cầu của khách thuê theo tiêu chuẩn quốc tế, điều mà trong quá khứ không thể làm được. Đây cũng chính là một trong những xu hướng mới trong đầu tư phát triển BĐS Việt Nam trong giai đoạn tới, đó là đầu tư dự án theo yêu cầu của bên thứ 2, thứ 3.

Còn theo ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc điều hành Savills Việt Nam, BĐS thương mại Việt Nam đang nằm trong số những thị trường có lợi suất đầu tư cao nhất toàn cầu với mức mua vào phải chăng và sự tăng trưởng của giá thuê, cho dù TPP có thành hiện thực hay không thì dòng vốn này vẫn tiếp tục chảy.

Đối với những nhà quản lý quỹ, sự có mặt của Việt Nam trong danh sách những thị trường mới nổi, mục tiêu để đầu tư không phải dễ dàng. Tuy nhiên, bức tranh đó đang dần thay đổi với nhiều cơ hội đầu tư trong năm 2017. Với số lượng hạn chế các công ty BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán, bên cạnh những hoài nghi về giá trị định giá, các nhà quản lý quỹ chỉ có thể đầu tư trực tiếp vào các doanh nghiệp BĐS hoặc tự mình thực hiện các dự án đầu tư BĐS dưới dạng các dự án phát triển hoặc mua lại các tài sản đang hoạt động.

Trong xu hướng cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, M&A dự án vẫn là con đường khả dĩ nhất, vì quỹ đất đã eo hẹp trong khi thủ tục đầu tư bất động sản ở Việt Nam là không đơn giản. Năm 2017 cũng chính là năm chờ đợi sự bùng nổ các thương vụ M&A trên thị trường địa ốc.

Theo đánh giá của vị chuyên gia này, thị trường nhà ở sẽ có sự tăng trưởng mạnh trong năm 2017 này, dù không đạt tốc độ "chóng mặt" như các năm qua. Các yếu tố hỗ trợ căn bản cho nguồn cầu nhà ở bao gồm quá trình đô thị hoá đang diễn ra nhanh chóng, quy mô hộ gia đình đang thu hẹp và sự tăng trưởng dân số ổn đinh. Cùng với đó là sự xuống cấp nhà ở tại hầu hết các thành phố và sự xuất hiện của mô hình sống độc lập.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh 2016 do Bloomberg tổ chức hồi cuối năm ngoái, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cho biết nói TPP không ảnh hưởng đến thị trường BĐS trong nước thì không đúng nhưng trên thực tế, những ảnh hưởng này không nhiều. Việt Nam hội nhập về bất động sản quốc tế nhưng chưa phải sâu rộng. Nó chỉ ảnh hưởng tới những doanh nghiệp chuẩn bị hạ tầng cho TPP, chẳng hạn như logistics hay hạ tầng công nghiệp thì có thể chịu tác động. Với bất động sản đô thị hay nghĩ dưỡng, ông Quyết cho rằng điều này không gây ra những tác động đáng kể.

Theo đó, với những chính sách và chủ trương đúng của nhà nước và đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế và am hiểu thị trường, thị trường bất động sản thương mại và đặc biệt là nghỉ dưỡng sẽ bùng nổ.

Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam thì cho rằng sự phát triển của bất động sản Việt Nam vẫn phụ thuộc vào chính nội lực của thị trường. Nội lực đó đến từ những hoạt động mạnh mẽ, tích cực của Chính phủ, sự linh hoạt, năng động của các doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là sức cầu rất lớn của thị trường.

“Nếu có TPP thì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tăng cường đầu tư vào khu công nghiệp tại Việt Nam. Các doanh nghiệp vào thì chuyên gia vào, công nhân vào, nhu cầu nhà ở tăng lên. Tuy nhiên cũng không nhất thiết phải nhờ TPP chúng ta mới có được điều đó. Nếu chính sách tốt, lao động rẻ, môi trường thuận lợi chúng ta vẫn thu hút được đầu tư nước ngoài như thường”, ông Nguyễn Trần Nam- Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam nói.

Cũng theo ông Nam, Việt Nam có 94 triệu dân, diện tích nhà ở trung bình theo điều tra tháng 9/2014 là 22 m2/người. Đây là con số rất thấp so với các thành phố lớn khác, ví dụ như Thượng Hải (30 m2/người), trong khi đó tâm lý người Việt Nam lại rất thích nhà, tỷ lệ sở hữu nhà tại Việt Nam lên tới 95%. 94 triệu dân với tỷ lệ diện tích nhà thấp và nhu cầu sở hữu cao chính là lực cầu lớn trong trung và dài hạn.

DiaOcOnline.vn - Theo Trí thức trẻ