"Không có lý do gì để làm trục Thăng Long"

Cập nhật 15/06/2010 10:10

Trao đổi với phóng viên sáng 14/6, ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN cho rằng, Hà Nội đã có trục đường Láng Hòa Lạc, quốc lộ 32 để liên kết vùng. Nếu xây dựng trục Thăng Long có thể phá hỏng cảnh quan môi trường.

* Là chuyên gia từng nhiều lần góp ý kiến cho Đồ án Quy hoạch chung Hà Nội, ông có nhận xét gì báo cáo cuối cùng của Đồ án này?



Ông Nguyễn Tấn Vạn. Ảnh: Đoàn Loan.
Tôi thấy cơ quan thực hiện đưa ra những tính toán không khoa học, từ dân số đến đất đai. Trước đây, họ đưa ra tỷ lệ đô thị hóa là 40%, sau khi có nhiều góp ý thì điều chỉnh xuống còn 30%. Quy mô dân số lúc trước là 15 triệu dân rồi lại điều chỉnh xuống còn trên 9 triệu người. Thu nhập ban đầu định là 20.000 USD nay đã xuống còn 10.000 USD. Các con số này đưa ra không có căn cứ.

Tôi thấy quy mô dân số này vẫn là quá lớn. Tôi cho rằng không thể tính toán dân số dựa vào diện tích đất đai mà phải dựa vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030 của Hà Nội. Trong khi chưa có quy hoạch phát triển kinh tế xã hội thì đồ án quy hoạch chung đến năm 2030 vẫn là cảm tính.

* Với ý tưởng xây dựng Trung tâm hành chính quốc gia đặt tại Ba Vì, ông có suy nghĩ gì?

Trung tâm hành chính quốc gia, trục Thăng Long là ý tưởng của những con người trong phòng kín, không theo nhu cầu, động lực phát triển của xã hội. Ban đầu, tư vấn tìm 5 vị trí để xây dựng trung tâm hành chính quốc gia, cuối cùng lựa chọn Ba Vì.

Theo tôi, chế độ ta là đồng nhất thể chế, Trung tâm hành chính là một bộ phận của Trung tâm chính trị quốc gia thì không nên tách rời nhau. Trung tâm hành chính cũng là nơi hội tụ dân chúng, nên không được đặt tại Ba Vì. Vùng này không có tính giao lưu, hướng ra bên ngoài.

Khi các bộ ngành di chuyển là dân đi theo, song cơ sở khoa học lựa chọn vùng đất không đúng. Tôi băn khoăn rằng sao các bộ ngành không chuyển đến khu Tây hồ Tây mà lại để vị trí đẹp này cho Hàn Quốc kinh doanh. Chúng ta phải sắp xếp lại diện tích đất để làm việc, không nên chú trọng xây dựng nhà ở, trung tâm thương mại.


Trục Thăng Long trong đồ án quy hoạch chung thủ đô. Ảnh chụp từ clip.

* Với quy hoạch trục Thăng Long nối từ trung tâm Hà Nội tới Ba Vì gợi cho ông suy nghĩ gì?

Khi chúng ta sử dụng Chính phủ điện tử thì không có lý do gì để tách rời các bộ ngành và người dân, không nên để một vài bộ lên Ba Vì để xa dời người dân. Trong khi, khu vực Sơn Tây, Hòa Lạc là vùng đất cát sỏi, khí hậu nóng, cây cối không phát triển được nên khó thu hút người dân đến sinh sống. Tôi biết nhiều người mua đất ở Ba Vì hàng năm nay không thể trồng cây gì.

Do vậy, không có lý do gì để trục Thăng Long sinh ra. Chúng ta đã có các trục đường Láng Hòa Lạc, quốc lộ 32 để liên kết vùng. Nếu xây dựng trục Thăng Long có thể còn phá hỏng cảnh quan môi trường khu vực này.

* Vậy ý tưởng của ông cho quy hoạch chung thủ đô đến năm 2030 là gì?

Hà Nội phải là thành phố có đặc trưng riêng, không thể là trở thành đô thị lưỡng tính, không được biến thành siêu đô thị mà phải khống chế quỹ đất cho đến dân số. Hà Nội phải tinh tế, là thủ đô văn minh văn hiến, có bản sắc chứ không thể trung tâm kinh tế nhộn nhịp, không thể thành trung tâm kinh tế, du lịch của khu vực và thế giới.

Để tránh Hà Nội trở thành siêu đô thị thì nên hướng quy hoạch không dồn về Hà Nội. Cần phát triển các vùng xung quanh như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam với quy mô dân số thấp, kinh tế chưa phát triển để hình thành các đô thị phát triển. Mô hình này hay hơn là dồn về Hà Nội. Quy hoạch chung Hà Nội phải gắn kết với quy hoạch vùng thủ đô.

Quy hoạch phải công khai, có ý kiến cộng đồng, không là quyền lực của một nhóm người nào đó. Thành công của đồ án quy hoạch phải từ phân tích thực trạng, đặc trưng của khu vực, không phải là nơi áp đặt ý tưởng cá nhân.

* Đô thị trung tâm Hà Nội nên phát triển như thế nào trong tương lai?


Hội Kiến trúc sư VN đã đề xuất phát triển đô thị trung tâm về phía bắc sông Hồng, nơi tập trung quỹ đất đồi, địa chất công trình tốt, có sân bay quốc tế Nội Bài, có quốc lộ và cảng nước sâu, cửa khẩu quốc tế, hơn là "cơi nới" đô thị về phía tây, vùng ven sông Nhuệ - sông Đáy, nơi có địa chất công trình xấu.

Tôi thấy các vùng như Mê Linh và Phú Xuyên cũng là vùng có điều kiện không thuận lợi, không nên phát triển quá lớn như Tư vấn đã đề xuất (Mê Linh là 600.000 dân, Phú Xuyên là 250.000 dân).

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress