Không có chuyện trục lợi gói 30.000 tỷ đồng

Cập nhật 20/08/2015 10:19

Trao đổi với ĐTTC về vấn đề trục lợi từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, nhiều chủ đầu tư các dự án bất động sản (BĐS) đã tỏ ra bất ngờ với những thông tin bán chênh, kiếm lời tại các dự án do họ đầu tư; đồng thời bày tỏ cần có cơ chế linh hoạt để thị trường BĐS phát triển lành mạnh, tránh lãng phí nguồn lực xã hội.


Bán chênh không dễ

Trước những thông tin về dự án tổ hợp tòa nhà The Pride xảy ra tình trạng bán chênh để hút khách từ gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng, ông Đào Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Hải Phát - chủ đầu tư dự án, khẳng định các dự án do công ty đầu tư chưa hề được hưởng vay ưu đãi bán nhà từ gói 30.000 tỷ đồng.

Cụ thể, tổ hợp tòa nhà The Pride là dự án nhà ở thương mại (NoTM), quy mô diện tích căn hộ 100-140m2 nên nằm ngoài phạm vi hỗ trợ của gói 30.000 tỷ đồng, nên không thể có chuyện bán chênh giá. Hải Phát vừa khởi công xây dựng dự án nhà ở xã hội (NoXH) The Vesta. Đây mới là dự án được hưởng ưu đãi từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng của Chính phủ. Theo đó, Hải Phát đã ký kết với VietinBank để hỗ trợ cho vay với người mua nhà tại dự án này.

Về thông tin lôi kéo khách hàng đến với dự án Thăng Long Victory từ cam kết hỗ trợ vay mua căn hộ từ gói 30.000 tỷ đồng, đại diện CTCP Đầu tư kinh doanh và Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Phúc Hà (Phúc Hà Group) - chủ đầu tư dự án - cho biết 80% số căn hộ của dự án thuộc diện vay ưu đãi mua nhà từ gói 30.000 tỷ đồng, giá bán được niêm yết công khai trên website của công ty.

Việc bán căn hộ tại dự án cũng được thực hiện thông qua sàn giao dịch của công ty và một số sàn ngoài công ty. Quy mô dự án Thăng Long Victory gồm 5 tòa chung cư T1, T2, T3, T4, T5 cao 25 tầng và 1 tầng hầm. Theo thiết kế, trung bình sàn của các tòa nhà được chia thành 20 căn hộ có diện tích 59m2, 69,8m2 và 93,3m2, với giá bán được niêm yết 13,5 triệu đồng/m2 đã bao gồm VAT và nội thất cơ bản. Vì thế Phúc Hà Group không hề có chủ trương bán giá căn hộ thấp cộng với khoản chênh lệch để khách hàng được hưởng ưu đãi mua nhà từ gói 30.000 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Huỳnh Vĩnh Hoàng, Giám đốc CTCP đầu tư xây dựng An Gia Hưng, thực tế các ngân hàng cũng cần giải ngân vốn khi người mua nhà đáp ứng yêu cầu. Nhưng hiện nay có quá nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS tham gia phân khúc NoTM, trong đó nhiều chủ đầu tư đã dự báo sai thị trường nên nhiều dự án rơi vào đình trệ, không bán được sản phẩm.

Mặt khác, nhiều dự án NoTM lại nằm ở vị trí không thuận lợi, thiếu kết nối hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội nên không bán được sản phẩm. Khi Ngân hàng Nhà nước có thông tư nới quy định về cho vay hỗ trợ mua nhà ở, trong đó cho phép cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động có thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở, khi mua NoTM tại các dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị không vượt quá 1,05 tỷ đồng, một số chủ đầu tư đã lách luật, chia tách hợp đồng, đưa giá trị hợp đồng mua nhà về dưới mức cho phép để hưởng lợi.

Ông Hoàng cho biết thêm tại dự án La Astoria (quận 2, TPHCM) do Công ty An Gia Hưng đầu tư với thế mạnh đầu tư các căn hộ có diện tích nhỏ 45-61m2, giá bán khoảng 17 triệu đồng/m2, đều được hưởng ưu đãi từ gói vay 30.000 tỷ đồng thông qua sự hợp tác giữa công ty và Chi nhánh VietinBank tại TPHCM, mức lãi suất ưu đãi khoảng 9%/năm. Tuy nhiên, đa số khách hàng mua căn hộ tại dự án này có nhu cầu để ở, thường đã có đủ tiền nên vay ngân hàng rất ít.

Cần chính sách cho vay linh hoạt

Báo cáo tình hình giải ngân gói tín dụng ưu đãi của Bộ Xây dựng cho thấy, đến nay thời hạn vay gói tín dụng ưu đãi đã đi được quá 2/3 chặng đường, dự kiến gói vay này sẽ kết thúc tháng 6-2016, nhưng hiệu quả giải ngân không như kỳ vọng. Nửa đầu năm nay, các ngân hàng thương mại đã cam kết cho vay 13.078 tỷ đồng, nhưng giải ngân mới đạt 7.155 tỷ đồng (23% tổng vốn).
 

Bình luận về thực trạng các chủ đầu tư lợi dụng gói 30.000 tỷ đồng để bán nhà thương mại, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng việc các chủ đầu tư tận dụng kẽ hở chính sách để bán NoTM không thuộc diện cho vay ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng cần được nhìn nhận khách quan. Kẽ hở này thuộc trách nhiệm của hệ thống ngân hàng, nơi thẩm định, quyết định hoạt động cho vay mua nhà, không nên chỉ đổ lỗi cho doanh nghiệp kinh doanh BĐS.

Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi cho vay mua nhà hiện nay đang hướng đến bên cung nhằm tạo ra nhà giá rẻ để bên cầu mua được nhà, nhưng không khó đảm bảo chắc chắn cho mục tiêu này. Hiện nay, không phải bất kỳ ai muốn vay vốn mua nhà thu nhập thấp, NoXH là có nhà để mua. Người mua vẫn phải xếp hàng chờ đến lượt được mua. Hơn nữa phần lớn NoXH đang được bán cho người có thu nhập trung bình. Vì vậy, cần xây dựng nhiều loại nhà để bán ra thị trường, bán cho bất kỳ ai có nhu cầu mua nhà.

Mặt khác, chính sách cần hướng đến đúng đối tượng, với cơ chế hiện nay người mua nhà "đang đi vay hộ mấy ông chủ đầu tư rồi lại nộp lãi vay thay họ". Chính sách cho vay mua nhà cũng cần được thực hiện linh hoạt hơn.

Cũng theo ông Liêm, nhiều chủ đầu tư đã đầu tư xây dựng NoTM những năm trước, khi có điều kiện phải tìm cách đẩy hàng ra thị trường. Chính sách đã ban hành cần được thực thi đúng, nhưng cũng cần có giải pháp hợp tình, hợp lý để thị trường BĐS phát triển lành mạnh hơn. Để tồn kho hàng hóa BĐS cũng là sự lãng phí nguồn lực xã hội.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư