Không có cách giúp nông dân, không cho lấy đất

Cập nhật 02/11/2011 09:10

Thảo luận tại tổ TP.HCM về kế hoạch và quy hoạch sử dụng đất trong 5 và 10 năm tới, ĐB Trần Du Lịch thẳng thắn ra điều kiện cho việc lấy đất nông nghiệp làm công nghiệp: phải có phương án cụ thể giải quyết đời sống cho nông dân mất đất.

Chưa lấp đầy vẫn cần thêm đất?

ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) đồng ý với yêu cầu của Chính phủ tăng diện tích đất cho các khu công nghiệp nhưng không khỏi băn khoăn khi với 70.000 ha hiện nay, tỉ lệ lấp đầy chưa quá 45%.

Bà Dung thấy cứ lấy đất của nông dân để làm sân golf, sân bay, khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng… khiến nhà nông gặp khó khăn mà lợi nhuận rơi vào túi một số ít người là điều “vừa bất công, vừa lãng phí”.

ĐB Trần Du Lịch còn gay gắt hơn. Ông đưa ra một loạt những “con số giật mình”: TP.HCM quy hoạch đến 2020 có 5.900 ha đất khu công nghiệp, đã san lấp và đang khai thác 14 khu công nghiệp với diện tích 2.500 ha, đang xây cơ sở hạ tầng và mở rộng khoảng 2.000 ha. Hiện mới khai thác 2.500 ha, công nghiệp thành phố đã đóng góp 28% giá trị sản lượng công nghiệp cả nước, vậy làm cho hết 70.000 ha cả nước đang có, hay 200.000 ha mà Chính phủ đề nghị cho tương lai, chưa kể một loạt các khu kinh tế ven biển và kinh tế cửa khẩu… thì giá trị sẽ là bao nhiêu?

“Theo tính toán, để lấp đầy số đất đang có hiện nay mất 50 năm, vậy cần thêm làm gì?”, ĐB này thắc mắc.

Vì thế, ông Lịch cho rằng đề nghị của Chính phủ chỉ có thể được thông qua nếu giải trình được các câu hỏi: 70.000 ha đất cho khu công nghiệp hiện nay đã được lấp đầy bao nhiêu? Vốn đầu tư trên một ha đất là bao nhiêu, để lấp đầy 70.000 ha này cần bao nhiêu vốn, lấp đầy 200.000 ha cần bao nhiêu vốn?

Quan trọng hơn, để được phép thu hồi đất nông nghiệp chuyển thành phi nông nghiệp, các nhà đầu tư và chính quyền phải giải cho được bài toán: lấy từng đó đất thì bao nhiêu người nông dân mất đất, phương án cụ thể giải quyết đời sống cho họ như thế nào?

“Không giải được bài toán đó thì không cho đất, chưa có phương án cụ thể thì không cho làm”, ĐB Trần Du Lịch kiến nghị nghiêm túc.

“Chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa không thể đối với người nông dân theo kiểu ‘tiền trao cháo múc’, ‘lấy đất trả tiền’, như thế là phi chính trị, phi xã hội và không thể phát triển bền vững, dẫn đến mâu thuẫn xã hội”, ông Lịch nhấn mạnh.

Theo ông, không trả lời được các câu hỏi trên mà cứ ra nghị quyết phê duyệt sẽ dẫn đến thùy tiện mở rộng khu công nghiệp và tăng quy hoạch "treo".

ĐB Trần Du Lịch: Chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa không thể đối với người nông dân theo kiểu ‘tiền trao cháo múc’, ‘lấy đất trả tiền’. Ảnh: Minh Thăng

Ai còn yên tâm giữ đất lúa?

Việc không ngừng lấy đất nông nghiệp cho các mục đích phi nông nghiệp cũng khiến các ĐB quan ngại về mục tiêu giữ cho được 3,8 triệu ha đất lúa.

ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) chỉ ra việc mở rộng các khu công nghiệp đang để lại hậu quả: những tỉnh đã kịp thời phát triển công nghiệp thì khá lên, những tỉnh như ở đồng bằng sông Cửu Long chưa kịp công nghiệp hóa thì vẫn nghèo, vẫn đi sau. “Chẳng nhẽ vì mục tiêu giữ đất lúa, họ sẽ không có cơ hội để bật lên?”, ông Phong băn khoăn.

ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) chia sẻ lo ngại này khi nhận định: “Phải giữ đất lúa bằng cơ chế chính sách, nhưng không chỉ là cơ chế cho các tỉnh vùng lúa trọng điểm. Ở các tỉnh không trọng điểm mà không có chính sách thì không ai yên tâm giữ đất lúa”.

Ông Niễn nêu ví dụ ở tỉnh mình, nông dân thấy lợi ích từ phát triển các loại cây khác như thanh long nhiều gấp 5 - 7 lần làm lúa sẽ “sẵn sàng bỏ đất lúa sang trồng thanh long”.

Những nơi còn giữ được đất lúa cũng không hẳn có thể yên tâm, như ĐB Trần Du Lịch phân tích về “sự biến dạng của đất nông nghiệp”: Trên giấy tờ vẫn kê khai là đất lúa để hưởng ưu đãi thuế, nhưng bên trong đã xây lên biệt thự nhà vườn.

“Chính tôi đã đi kiểm tra và thấy tình trạng này rất phổ biến”, ông Lịch nói.

Đất trường học, bệnh viện bị lấn

Lo cho đất lúa, các đại biểu thấy đất cho các mục đích văn hoá, xã hội khác cũng hoàn toàn bị “lép vế” trước nhu cầu cho công nghiệp.

ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) thấy trong cơ cấu sử dụng đất đô thị, tỷ lệ đất cho trường học, bệnh viện, cơ sở công cộng không nhiều. ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) thấy dân số gia tăng mà quỹ đất cho các công trình phúc lợi xã hội rất ít và không đạt chỉ tiêu.

ĐB Lê Văn Học (Lâm Đồng) thì bức xúc: “Các trường đại học, bệnh viện nhiều năm qua không những không được mở rộng thêm mà còn bị người dân, doanh nghiệp lấn thêm vào. Thủ tục xin mở rộng diện tích trường học, bệnh viện thì quá lâu, trong khi xin mở một gara ôtô lại quá nhanh và dễ dàng”.

“Quy hoạch chỉ nhìn thấy nhà cao tầng và khu công nghiệp, chưa có một trường đại học hay bệnh viện nào được quy hoạch cho đúng”, ông Học trăn trở. “Đó không phải mô hình phát triển của một đất nước”.

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet