Khác với nơi khác, UBND quận 7 chỉ đồng ý đăng bộ những hồ sơ chuyển nhượng nhà đất có bản vẽ mới.
Vợ chồng ông T.V.M vừa mua một căn nhà ở quận 7, TP.HCM. Mặc dù đã được công chứng hợp đồng mua nhà và nộp đủ thuế, vợ chồng ông vẫn phải thất thểu quay về vì không được UBND quận 7 đăng bộ. Hỏi lý do, cán bộ quận cho biết căn nhà đó đã được cấp “giấy hồng” theo bản đồ địa chính kỹ thuật số năm 2003 và đến nay đã quá sáu tháng. Muốn đăng bộ nhà, ông M. phải làm lại bản đồ hiện trạng vị trí mới với chi phí hơn 10.000 đồng/m2.
Ngại phát sinh tranh chấp
Theo tìm hiểu của PV Báo Pháp Luật TP.HCM, cán bộ tiếp nhận hồ sơ đã căn cứ theo Thông báo số 48 ngày 23-1-2009 của UBND quận 7 để đưa ra đòi hỏi trên. Theo thông báo này thì trước đây khi giải quyết các hồ sơ đăng bộ nguyên căn nhà hoặc trọn thửa đất, quận 7 không yêu cầu người dân phải nộp bản đồ hiện trạng vị trí đất. Từ chỗ đó, quận 7 gặp nhiều khó khăn do “đụng” phải những tranh chấp, khiếu nại của người dân liên quan đến ranh giới, vị trí quy hoạch của khu đất.
Để khắc phục, UBND quận 7 đưa ra hai phương án xử lý:
1. Những nhà đất đã được cấp “giấy hồng”, “giấy đỏ” theo tài liệu Bản đồ 299/TTg hoặc tài liệu Bản đồ 02/CT hoặc sơ đồ nền dựa theo tài liệu 02/CT phải lập lại bản đồ hiện trạng vị trí đất theo bản đồ địa chính kỹ thuật số năm 2003;
2. Trường hợp nhà đất được cấp giấy chứng nhận theo bản đồ địa chính kỹ thuật số năm 2003 nhưng quá sáu tháng hoặc hiện trạng có thay đổi thì phải lập lại bản đồ hiện trạng vị trí mới.
Quận khác vẫn giải quyết bình thường
Đáng lưu ý là các quận, huyện khác không làm như quận 7. Ông Nguyễn Hồng Lam, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường quận 8, khẳng định: “Chỉ những trường hợp có biến động thì chủ nhà mới phải vẽ lại theo bản đồ địa chính kỹ thuật số. Những trường hợp còn lại không cần vẽ mới”. Theo ông Lam, đối với nhà đất được cấp giấy chứng nhận theo tài liệu bản đồ cũ, người dân chỉ cần trích lục hồ sơ kỹ thuật thửa đất. Nếu nó trùng ranh với bản đồ kỹ thuật số năm 2003 thì không phải vẽ lại. “Quận 8 cũng đã từng xem xét đến việc lập bản đồ mới để tạo thuận lợi cho công tác quản lý. Nhưng rồi lãnh đạo UBND quận đã quyết định “khỏi vẽ mới” để hạn chế đến mức tối đa những thủ tục gây phiền hà cho người dân” - ông Lam cho biết thêm.
Tại huyện Nhà Bè, các trường hợp chuyển nhượng trọn nhà đất cũng không phải bổ sung bản vẽ mới. Bà Nguyễn Thị Nghi, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Nhà Bè, cho biết: “Người dân chỉ phải bổ sung bản vẽ mới khi chuyển nhượng một phần diện tích nhà, đất; hoặc trong trường hợp người nhận chuyển nhượng muốn đổi từ “giấy đỏ” theo Luật Đất đai năm 2003 sang “giấy hồng” mới. Ngoài ra, huyện cũng không giới hạn thời gian có hiệu lực của bản đồ kỹ thuật số”.
Vẫn theo bà Nghi, trước đây khi triển khai việc cấp giấy chứng nhận đại trà, huyện Nhà Bè có để xảy ra vài trường hợp đo vẽ sai số, nhầm lẫn về thửa đất, diện tích... Để chủ động sửa sai, huyện phối hợp với địa phương xác định lại tứ cận, nguồn gốc đất, lấy ý kiến những người sống xung quanh khu đất. Cạnh đó, quận cũng đo vẽ lại bản đồ hiện trạng vị trí đất để làm cơ sở giải quyết.
Quận 7 đã làm sai Quyết định 54?
Trở lại đòi hỏi “nghiệt ngã” nêu trên của UBND quận 7, tạm cho là các bản đồ cũ có một số hạn chế về kỹ thuật nhưng đâu hẳn tất cả đều sai đến mức phải đo vẽ lại đồng loạt, gây tốn kém không cần thiết. Nguyên cớ nào quận lại phủ nhận bản vẽ năm 2003 quá sáu tháng? Phải giải thích sao khi cùng loại hồ sơ mà các quận, huyện làm thế này, quận 7 làm thế khác?
Chưa kể là theo Điều 16 Quyết định 54 ngày 30-3-2007 của UBND TP.HCM, đối với những trường hợp chuyển nhượng toàn bộ nhà ở - đất ở hợp pháp, người nhận chuyển nhượng muốn cấp giấy chứng nhận chỉ cần nộp bộ hồ sơ gồm có: đơn, hợp đồng (hoặc văn bản) chuyển nhượng, giấy chứng nhận, bản vẽ sơ đồ nhà ở - đất ở. Nếu hiện trạng nhà ở và đất ở không thay đổi thì sử dụng bản vẽ cũ.
Theo chúng tôi, cách làm nêu trên của UBND quận 7 đã vi phạm Điều 16 Quyết định 54. Nhưng với mục đích làm rõ tính đúng, sai và hướng khắc phục, chúng tôi đã cố gắng liên hệ với hai cơ quan có thẩm quyền là Trung tâm Thông tin tài nguyên môi trường và đăng ký nhà đất TP.HCM (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) và Sở Xây dựng.
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc trung tâm Phạm Gia Hòa, vụ việc thuộc thẩm quyền xử lý của Sở Xây dựng. Về phía Sở Xây dựng, Phó Giám đốc Đỗ Phi Hùng lại cho rằng đó là chuyện của Sở Tài nguyên và Môi trường. Không còn cách nào khác, PV đã tiếp tục liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường và đang chờ câu trả lời từ sở này.
Các phòng công chứng không buộc vẽ mới
Các phòng công chứng tại TP.HCM cũng không yêu cầu người chuyển nhượng toàn bộ nhà đất phải làm lại bản vẽ mới. Ông Hoàng Xuân Hoan, Trưởng phòng Công chứng số 2 TP.HCM, cho biết: “Theo đúng quy định, nếu chuyển nhượng một phần nhà đất thì người dân mới phải vẽ lại để hoàn tất thủ tục tách thửa”.
Tương tự, ông Nguyễn Quang Thắng, Trưởng phòng Công chứng số 1 TP.HCM, cũng cho biết: “Trước khi xin cấp giấy chứng nhận, người dân đã phải làm bản vẽ và được cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Nay không lý do gì buộc họ làm bản vẽ mới khi họ chuyển nhượng toàn bộ nhà đất”.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP