Để từng bước khắc phục ùn tắc giao thông, phải không cho phép tiếp tục xây dựng nhà cao tầng trong khu vực trung tâm thành phố.
Đó là một trong những giải pháp được Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đưa ra tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác an toàn giao thông quý I/2018, ngày 30/3.
Để từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP.HCM, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải tiến hành chỉnh trang đô thị, tập trung xây dựng hạ tầng hiện đại như cầu vượt, hầm chui, phát triển các khu đô thị vệ tinh, bố trí lại lực lượng dân cư lao động để giảm áp lực cho Hà Nội và TP.HCM.
“Có tính toán, nghiên cứu cho những năm tiếp theo, phải ứng dụng công nghệ thông minh để điều hòa giao thông, xây dựng các trung tâm điều hành, lắp đặt camera giám sát tổng hợp phục vụ cho cả an ninh trật tự, an toàn giao thông”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Không nên tiếp tục xây nhà cao tầng ở trung tâm Hà Nội và TPHCM |
Đây cũng không phải lần đầu tiên quyết tâm hạn chế xây dựng nhà cao tầng trong nội đô được đề cập đến.
Ngày 23/1/2017, làm việc với TP HCM về các giải pháp chống ùn tắc giao thông, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tình trạnh ùn tắc giao thông không phải một sớm một chiều là có thể giải quyết được. Các nước trong khu vực cũng đang đối mặt với tình trạng này.
"Một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông là số lượng phương tiện tăng quá nhanh; ôtô, xe máy xen lẫn nhau. Không phải cấm quyền tự do nhưng về lâu dài phải có lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân.
TP HCM cần phải hạn chế xây nhà cao tầng ở trung tâm khi chưa giải quyết đồng bộ vấn đề hạ tầng", Thủ tướng nói thêm.
Ngày 16/1/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng triệu tập cuộc họp với lãnh đạo TP Hà Nội và các bộ ngành bàn giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Thủ tướng yêu cầu Hà Nội quản lý tốt quy hoạch đô thị, “chưa xây dựng nhà cao tầng khi phương án giao thông chưa có lối ra”.
Theo Thủ tướng, chung cư “tập trung mật độ cao quá ở trung tâm thì dứt khoát ùn tắc” và cần có biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân.
“Trước mắt trong 5 năm tới, phải cơ bản hạn chế, chống ùn tắc bằng các biện pháp hết sức cụ thể và tập trung”, Thủ tướng nói và đồng tình với việc Hà Nội xã hội hóa mạnh mẽ nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên huy động nguồn lực trong nước để không làm tăng nợ công.
Thủ tướng nhấn mạnh đây là nhiệm vụ quan trọng để phát triển Thủ đô bền vững và từ kinh nghiệm của Hà Nội, Chính phủ sẽ làm việc với TP HCM để giải quyết tình trạng ùn tắc.
Năm 2010, UBND thành phố Hà Nội đã từng có Công văn 4280 gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị 4 khu vực đặc thù, không xây dựng cao tầng gồm: Khu trung tâm chính trị Ba Đình; khu phố cổ; khu hồ Gươm và phụ cận; khu Thành cổ.
Bên cạnh đó còn có 5 khu vực cần "kiểm soát đặc biệt", hạn chế xây dựng nhà cao tầng. Thành phố Hà Nội cũng sẽ kiểm soát nhà cao tầng theo dạng lòng chảo, cao tầng phía ngoài đường vành đai 2 và thấp dần vào trung tâm..
Còn nhớ, tháng 12/2009, Thủ tướng đã có chỉ đạo dừng ngay việc xây nhà cao tầng trong khu vực trung tâm TP Hà Nội.
Tiếp đó, UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng của thành phố thực hiện ngừng cấp phép xây dựng đối với nhà cao tầng tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt