Trả lời phỏng vấn báo giới bên lề Hội nghị bất thường của HĐND tỉnh Hà Tây về việc hợp nhất với Hà Nội, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tây Chu Văn Thưởng nói: "Cần làm rõ vùng vành đai xanh của Thủ đô". Ông cũng cho rằng chỉ những vùng được quy hoạch ở những địa thế nhất định mới trở thành thị trường bất động sản.
Làm gì để Thủ đô có thực phẩm an toàn?
* Thưa ông, với tư cách là người đứng đầu ngành nông nghiệp của Hà Tây, ông cho rằng nên tập trung vào công việc gì đầu tiên sau khi tỉnh nhà sáp nhập vào Hà Nội?
Tôi cho rằng cần làm rõ vùng vành đai xanh của Thủ đô, kết hợp với Vĩnh Phúc, Hưng Yên thì sẽ có điều kiện đầu tư chiều sâu, "ra tấm ra miếng".
Tuy nhiên, những vấn đề đáng lo ngại là làm thế nào để khu vực nông nghiệp ven đô chuyển dịch cơ cấu giữa nông nghiệp, công nghiệp và đô thị, giải quyết vấn đề nông thôn, nông dân. Tôi nghĩ cần những chuyên đề bàn sâu về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, về kinh tế ven đô, về thực phẩm an toàn cho Thủ đô Hà Nội.
Ngay chiều nay (31/3 - PV), lãnh đạo hai Sở của Hà Nội và Hà Tây sẽ gặp nhau, nếu hợp nhất được thì sẽ mạnh hơn và sẽ có sự hòa hợp giữa hai sở.
* Ai cũng có thể nhìn thấy những thuận lợi của một Hà Nội mở rộng, kỳ vọng cũng nhiều, nhưng có hay không đối tượng bị ảnh hưởng tiêu cực, theo ông?
Tôi sợ nhất là khi Thủ đô mở lớn quá, vùng sâu, vùng xa sẽ không được chú ý đến. Bà con nông dân vùng Ba Vì, Mỹ Đức băn khoăn là ngay cả Sóc Sơn, Đông Anh của Thủ đô nhưng vẫn nghèo, vẫn là làng quê giữa phố, cái đó lãnh đạo sẽ phải suy nghĩ.
Đối tượng lo nhất là dân ở vùng khó khăn, họ sợ nhất bị "bỏ rơi". Đã có ý kiến nói một số vùng khó khăn trong lòng Hà Nội, Hà Nội chưa khắc phục được, bây giờ lại ôm cả Hà Tây vào, liệu có khắc phục được không.
* Về chuyển đổi đào tạo nghề, đâu sẽ là giải pháp để giải quyết việc làm cho nông dân có đất bị thu hồi?
Theo tôi, việc làm phải được giải quyết tại chỗ là chủ yếu. Hiện lao động của Hà Tây di chuyển khá nhiều, không ổn định, bền vững. Cơ cấu lao động chưa đáp ứng được. Ngành nông nghiệp phải nỗ lực để lao động nông nghiệp cũng được đào tạo nhất định, nhưng đào tạo ấy chỉ đối với lớp trẻ thôi, chứ với trung niên là rất khó. Sắp tới sẽ phải chú trọng tiểu thủ công nghiệp, làng nghề.
Hiện đất nông nghiệp của Hà Tây có trên 10 vạn hecta, chiếm xấp xỉ 1/2 diện tích tự nhiên của tỉnh.
Không để các dự án bị gián đoạn
* Cá nhân ông nghĩ gì khi sẽ không còn khái niệm “Hà Tây quê lụa”?
Tất nhiên là có vấn vương vì khái niệm này ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Hà Tây, đặc biệt là những bài hát, thơ ca. Nhưng đấy cũng là một thời, chúng ta phải chấp nhận trong giai đoạn chuyển đổi để có những cái bứt phá rộng hơn, lớn hơn. Dù sao Hà Nội với Hà Tây liền kề với nhau đã bàn nhau, kết hợp nhiều chương trình với nhau rồi.
* Điều Hà Tây băn khoăn, trăn trở nhất khi sáp nhập vào Hà Nội?
Trăn trở nhất của Hà Tây là trong các bước đang đi, đang làm thì tới đây phải hòa nhập nhanh vào guồng, không bị gián đoạn, nhất là các chương trình, các dự án đúng theo quy hoạch Vùng Thủ đô. Theo tôi, nếu không chỉ đạo tốt thì sẽ có khoảng cách gián đoạn.
* Ông nghĩ gì về ý kiến của đại biểu HĐND Hà Nội lo ngại rằng việc mở rộng tới đây sẽ biến Hà Tây thành thị trường bất động sản mới?
Tôi cho rằng sẽ có hiện tượng đó, nhưng không phải toàn bộ. Không phải tất cả Hà Tây chuyển thành thị trường đất bất động sản. Điều này chỉ có ở những vùng được qui hoạch ở những địa thế nhất định thôi.
* Theo ông, Thủ đô Hà Nội mới sẽ phải làm gì để khắc phục những khó khăn, làm sao để đưa chủ trương mở rộng đạt hiệu quả như mong muốn?
Tôi cho rằng cần làm thế nào sớm có được hòa nhập giữa hai bên, Hà Nội hiện nay và Hà Tây trở thành Hà Nội mới với sự nhịp nhàng trong chỉ đạo, chứ không cắt đoạn ra. Nếu "cắt" chỗ này, "cắt" chỗ kia mà không ăn nhịp, sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển nói chung trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội.
* Việc bố trí cán bộ, công tác tổ chức khi các sở sáp nhập vào nhau có phải là vấn đề không, thưa ông?
Tôi cho đấy là một vấn đề nhưng chúng tôi chưa được bàn vì chưa có đề án.