Không bắt buộc giao dịch qua sàn: Tiếng nói người trong cuộc

Cập nhật 17/06/2014 13:49

Ban soạn thảo Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) sửa đổi cho rằng, quy định mua bán BĐS phải qua sàn giao dịch làm phát sinh tiêu cực và hạn chế quyền tự chủ trong kinh doanh của doanh nghiệp nên cần loại bỏ, nhưng các đại biểu Quốc hội lại cho rằng, chỉ có giao dịch qua sàn mới đảm bảo tính công khai, minh bạch cho thị trường BĐS.

Để tồn tại và phát triển, các sàn giao dịch BĐS phải tự chuyên nghiệp hóa mình

Giao dịch qua sàn là mô hình tốt

Được giao là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thừa nhận, Luật Kinh doanh BĐS hiện hành quy định, tổ chức, cá nhân khi bán, cho thuê, cho thuê mua BĐS bắt buộc phải thông qua sàn giao dịch đã làm tăng thêm tổ chức kinh doanh dịch vụ trung gian, tăng thêm thủ tục, thêm chi phí và góp phần đẩy giá, tạo giao dịch ảo, không đạt được mục đích tạo nơi giao dịch để đảm bảo tính công khai, minh bạch cho thị trường BĐS.

Không những thế, việc quy định bắt buộc giao dịch BĐS phải thông qua sàn là không phù hợp, không hiệu quả khi mà BĐS “trầm lắng”, chủ đầu tư giảm giá, khuyến mại, chào bán rầm rộ, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn không bán được hàng, các sàn gần như không có giao dịch, nhiều sàn đã phải đóng cửa… Do vậy, việc bắt buộc giao dịch BĐS phải thông qua sàn không còn phù hợp với tình hình thực tế của nước ta.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, sàn giao dịch BĐS cũng là một cái “chợ” với sản phẩm mua bán là BĐS. Mà đã là chợ, thì thuận mua vừa bán, khách hàng có quyền mua ở chợ hoặc ở bất kỳ kênh nào khác mà mình thích, mình thấy thuận tiện nhất, không nên bắt buộc.

“Tôi nghĩ là không nên quá lo ngại về ‘số phận’ của các sàn giao dịch BĐS, bởi đây cũng là một mô hình doanh nghiệp, hoạt động theo các quy định của Luật Doanh nghiệp, nên có thể tồn tại, có thể phá sản là quy luật hết sức bình thường. Hơn nữa, không bắt buộc giao dịch qua sàn, không có nghĩa là các sàn giao dịch BĐS phải ‘khai tử’ như một số người lo ngại”, ông Võ nói và giải thích, các sàn vẫn có thể sống, thậm chí là sống tốt hơn nếu biết cách tự chuyên nghiệp hóa mình, mở rộng các tiện ích và trở thành một kênh hữu ích trên thị trường BĐS. Doanh nghiệp nào không làm được điều đó, thì chấp nhận giải thể, phá sản... cũng là một cách để góp phần minh bạch, lành mạnh hóa thị trường.

Đồng tình với việc không bắt buộc phải giao dịch BĐS qua sàn, nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nhìn nhận, giao dịch qua sàn là tốt nhất và phải có chính sách phát triển sàn giao dịch BĐS.

“Trên thế giới, rất nhiều sàn giao dịch được thành lập và hoạt động rất hiệu quả, như sàn giao dịch chứng khoán, sàn giao dịch hàng hóa như cà phê, sắt, thép…, sàn giao dịch kim loại quý”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và cho rằng, chỉ có giao dịch qua sàn mới bảo đảm công khai, minh bạch, bảo đảm quyền lợi chính đáng của cả chủ đầu tư và khách hàng, vì hàng hóa giao dịch trên sàn đã được thẩm định, thẩm tra về chất lượng.

Các sàn “mỗi người một ý”

Phóng viên đã có cuộc khảo sát nhanh tại một số sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội như Vicland, EZ Property, Nhadat24h.net, Đất xanh Miền Bắc, Maxland, DTJ…, nhưng kết quả cho thấy, không có “tiếng nói chung” về vấn đề này từ lãnh đạo các sàn.

Có ý kiến cho rằng, quy định này sẽ góp phần “bức tử” hàng ngàn sàn giao dịch BĐS được thành lập ra do chính quy định của Luật Kinh doanh BĐS năm 2005. Đến nay, cả nước đã có 1.012 sàn giao dịch BĐS được thành lập, với tổng số người được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới, định giá bất động sản lên tới hơn 35.000 người, đó là chưa kể nhiều sàn còn lập các sàn “con”. Điều này sẽ gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng của xã hội khi bỏ ra thành lập sàn.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Đầu tư Bất động sản, thời gian gần đây, người dân đã tin tưởng và quen với việc đến các sàn giao dịch để tìm hiểu thông tin nhà đất, đăng ký mua bán, giao dịch sản phẩm BĐS và xin tư vấn. Những sàn làm việc bài bản, chất lượng, uy tín vẫn "sống khỏe" và thường xuyên có khách đến.

Ông Nguyễn Viết Hải, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư VIC cho rằng, việc quy định giao dịch qua sàn hay không qua sàn chỉ là hình thức, bản thân các sàn vẫn đang chủ động tìm kiếm sản phẩm, dự án để tạo công ăn việc làm cho nhân viên.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Đức Diễn, Giám đốc sàn BĐS Maxland nhấn mạnh, nói là giao dịch BĐS không bắt buộc qua sàn, nhưng thực tế để bán hàng, bản thân các chủ đầu tư cũng phải bỏ kinh phí để xây dựng một đội ngũ bán hàng, tư vấn của riêng. Chi phí này chắc chắn cao hơn so với nhờ qua sàn sẵn có, nhưng đội ngũ này không chuyên nghiệp bằng nhân viên các sàn.

Ông Vũ Kim Giang, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thái Minh Quanh nhận định, nếu bỏ quy định bắt buộc phải giao dịch BĐS phải qua sàn, thì phù hợp và tốt ở thời điểm này, khi thị trường trầm lắng, ít giao dịch. Tuy nhiên, không ai đảm bảo rằng, khi thị trường tốt lên sẽ không phát sinh những tiêu cực nhất định và khi đó sẽ khó kiểm soát, vì không có quy định pháp luật.

Chính vì vậy, ông Vũ Cương Quyết, Giám đốc CTCP Dịch vụ và địa ốc Đất Xanh Miền Bắc đề nghị, nên chuyên nghiệp hóa hoạt động của các thành phần trong lĩnh vực BĐS. Cụ thể, nên quy định chủ đầu tư thì tập trung xây dựng, phát triển dự án, còn sàn giao dịch BĐS thì tập trung nâng chất lượng môi giới, tư vấn giải đáp để làm cầu nối khách hàng đến với sản phẩm… “Mấu chốt vẫn là cơ quan quản lý cần có biện pháp siết chặt quản lý các sàn giao dịch BĐS", ông Quyết nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản