Trong khi người lao động phải còng lưng gánh lãi ngân hàng vì trót đóng tiền mua đất nền nhà theo tiêu chuẩn CB-CNV thì 4 năm qua, dự án vẫn chỉ là bãi cỏ hoang.
Tháng 5.2004, UBND TP Hà Nội phê duyệt Quy hoạch 1/2000 dự án Khu nhà ở và khu phụ trợ cụm công nghiệp thực phẩm Lệ Chi - Kim Sơn (Gia Lâm) do Công ty sản xuất dịch vụ và nhập khẩu Nam Hà Nội (Hapro - nay là Tổng công ty thương mại Hà Nội) làm chủ đầu tư thì đầu tháng 6.2004, Hapro đã có thông báo về việc bán nền nhà tại dự án này.
Từ tháng 6.2004 đến tháng 2.2005, Hapro đã thu tiền của hơn 100 trường hợp, tổng cộng khoảng 60 tỉ đồng, với danh nghĩa là "hợp đồng đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật". Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hapro (thời điểm đó là giám đốc) nói: "Tất cả các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đều làm thế, người ta không vốn nên phải kêu gọi nhà đầu tư khác góp cùng". Nhưng đến nay, khu nhà ở mà theo quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt, có trung tâm là các công trình công cộng như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, cây xanh, thể dục thể thao... vẫn chỉ là bãi cỏ hoang.
Chị Trần Thị Lung là công nhân của Hapro, vì quá túng bấn nên đã gửi đơn khắp nơi để nhờ can thiệp nhưng cũng chưa đi đến đâu. Chị Lung nói: "Do nhiều năm là lao động giỏi, Hapro đã duyệt cho tôi được mua 178m2 đất. Sau khi đã nộp tiền đợt một thì công ty lại ghi là Hợp đồng góp vốn xây dựng hạ tầng. Công ty thông báo là được mua đất thì chúng tôi mới mua chứ góp vốn thì tôi góp làm gì. Nhưng không lấy tiền lại được nên tiếp tục nộp".
Chị Lung cho biết, khi gia đình không có tiền nộp tiếp, còn được Hapro hướng dẫn thế chấp hợp đồng góp vốn ấy để vay tiền tại ngân hàng nên ngay trong năm 2004, chị Lung đã nộp đủ 90% giá trị hợp đồng theo quy định của Hapro. Hậu quả là đến nay chị vẫn đang phải lo trả tiền gốc và tiền lãi cho ngân hàng hằng tháng, khiến cuộc sống gia đình chị thêm khó khăn. Một công nhân đang làm việc tại Hapro, xin giấu tên, cũng bức xúc: "Bốn năm cầm tiền của người ta mà không thấy xây dựng gì cả, rõ ràng là lừa công nhân rồi còn gì".
Thông tin mới nhất mà chúng tôi nắm được thì lãnh đạo Trung tâm đầu tư của Hapro cho biết đến nay Hapro "đã triển khai được gói thầu san nền, thanh toán cho nhà thầu được hơn 6 tỉ đồng". Câu hỏi đặt ra là Hapro đã sử dụng số tiền hàng chục tỉ đồng "góp vốn" của người lao động vào việc gì? Ai phải chịu trách nhiệm đền bù cho những thiệt hại mà họ phải chịu trong suốt 4 năm qua?
Theo Thanh Niên