Sau một thời gian chững lại, thị trường bất động sản TP. HCM có một số chuyển biến tích cực mở đầu bằng sự khởi sắc của phân khúc đất nền. Ngoài ra, số liệu thống kê vốn FDI mà trong đó bất động sản vẫn là ngành thu hút là những vấn đề được quan tâm trong tuần qua.
Giá đất nền tại TP. HCM tăng nhẹ trong tuần qua. Ảnh: H.Duy |
Giá tăng nhẹ
Từ đầu năm 2010 đến nay, thị trường bất động sản tại TP. HCM hầu như rơi vào trạng thái trầm lắng. Ngoại trừ mặt bằng bán lẻ, toàn bộ phân khúc về đất nền, nhà ở, văn phòng cho thuê đều giảm. Hầu hết các giao dịch thực hiện chậm, thông tin về sự nhộn nhịp hay sôi động thường chỉ diễn ra ở những vùng lân cận như Đồng Nai, Bình Dương.
Tuy nhiên, vừa qua, theo chỉ số giá đất và văn hộ (ULPI – land) tuần thứ 32 của Vinaland Invest thống kê cho thấy, giá đất nền nhiều dự án đang tăng nhẹ. Theo đó, mức giá đất nền khu đô thị mới An Phú – An Khánh tăng khoảng 0.2 – 0.3%; đất nền của Thủ Đức House thuộc phường Bình An cũng có mức giá tăng từ 36.8 - 51.3 triệu đồng/m2. Hầu hết các dự án đất nền khu vực Đông Sài Gòn đều cho thấy giá bắt đầu tăng, không giống như những tuần trước mặt bằng giá đứng yên sau khi đã tăng vào cuối tháng 3
Đặc biệt, đất nền tại khu vực Đông Thủ Thiêm, phường Bình Trưng Đông có mức dao động từ 0.5 – 0.7%. Khu vực Bình Trưng Đông Cát Lái có mức giá tăng cao nhất với mức 0.6 – 0.7%. Khu vực phường Thạnh Mỹ Lợi cũng tăng từ 0.3 – 0.4%. Hầu hết các phường còn lại mức giá vẫn giữ nguyên không tăng, không giảm.
Nguyên nhân có sự chuyển biến này chủ yếu là nhờ vào sự thu hút hạ tầng. Hầm dìm Thủ Thiêm đang xây dựng với tiến độ tốt đã góp phần thúc đẩy nhu cầu sở hữu đất ở khu vực này. Những nhà đầu tư đều nhận thấy những cơ hội trong tương lai khi hầm dìm hoàn thành nên nhanh chóng đổ tiền đầu tư. Đây là nguyên nhân quan trọng để thúc đẩy giá đất nền trong thời gian qua.
Ngoài ra, theo báo cáo của Công ty CBRE, nếu trước đây mảng thị trường đất nền nhà liền kề, biệt thự TP.HCM tập trung nhiều ở Phú Mỹ Hưng và Quận 2 thì giờ đây quận 9 và khu Nam Sài Gòn cũng đang trở thành khu vực tập trung nhiều dự án. Nguồn cung và quy mô của các dự án được chào bán dự kiến sẽ ngày càng tăng vào nửa cuối năm 2010. Điều này sẽ tạo ra nhiều sự lựa chọn hơn cho người mua và tạo nên sự cạnh tranh giữa các chủ đầu tư.
FDI bất động sản vẫn thu hút
FDI là nguồn vốn ngoại lớn nhất góp phần tác động mạnh vào nền kinh tế của cả nước. Trong những tháng đầu năm 2010, nhiều chuyên gia đã nhận định bất động sản vẫn là một trong những lĩnh vực thu hút nguồn vốn ngoại quan trọng này.
Trong 2 tháng đầu năm, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 1,1 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ 2009. Trong đó, có 88 dự án được cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,62 tỷ USD, bằng 57,5% về số dự án và 59,8% về tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2009. Và 16 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm là 165,2 triệu USD, bằng 4,3% so với cùng kỳ năm 2009.
Trong số các dự án cấp mới trong 2 tháng năm 2010, đáng chú ý có các dự án lớn được cấp phép là dự án Công ty TNHH Skybridge Dragon Sea của Hoa Kỳ, mục tiêu xây dựng, kinh doanh Khu trung tâm hội nghị triển lãm, trung tâm thương mại, kinh doanh bất động sản tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư 902,5 triệu USD; dự án Công ty TNHH đầu tư Daewon - Bình Khánh để kinh doanh bất động sản tại TP. HCM với tổng vốn đầu tư 120 triệu USD…
Thời gian gần đây, nguồn vốn FDI có nhiều chuyển biến theo hướng giảm nhẹ do chịu tác động, xoay vòng cùng dòng tiền thế giới. Tuy có nhiều thay đổi nhưng lĩnh vực bất động sản vẫn là một trong những lĩnh vực thu hút nhiều đầu tư nước ngoài nhất qua các dự án từ nhỏ lẻ đến cao cấp trên khắp cả nước.
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, bảy tháng đầu năm 2010 cả nước có 35 tỉnh, thành phố có dự án FDI, trong đó chín địa phương thu hút được duy nhất một dự án, phần lớn có dưới 10 dự án. TP.HCM tiếp tục là nơi có số lượng dự án lớn nhất (165 dự án), tiếp đến là Hà Nội (135 dự án)... Tuy nhiều nhưng đa số các dự án có quy mô vốn nhỏ và hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, bất động sản và dịch vụ.
Nhiều chuyên gia cho rằng vốn FDI đăng ký tuy giảm nhưng số vốn thu hút được cũng không phải nhỏ. Và nguồn vốn chủ yếu chảy vào bất động sản, công nghiệp thương mại chưa nhiều. Cục Thống kê TPHCM cho thấy từ đầu năm đến ngày 15.7, đã có 197 dự án có vốn nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 1.098 triệu USD, vốn điều lệ 441,6 triệu USD. Trong đó, ngành bất động sản dẫn đầu với 722 triệu USD, chiếm tỷ trọng tới 65,8%. Đứng thứ hai là FDI vào công nghiệp nhưng cũng chỉ ở con số 6,2%.
Mặc dù thị trường bất động sản đang ở trạng thái chững lại sau những đợt “sốt, nóng” vừa qua nhưng những chuyển biến tốt từ việc tăng giá đất nền tại TP. HCM cho đến FDI vẫn xem bất động sản là tâm điểm cho thấy thị trường đang dần dần trở lại.
Tuấn Kiệt - DiaOcOnline.vn